Triệu hành khách mất cơ hội bay vì một…quyết định

(PLO) -Việc đi lại bằng đường hàng không tới sân bay Tân Sơn Nhất dịp lễ 30/4- 1/5 và hè 2015 sẽ rất căng thẳng trước quyết định mới đây của Hội đồng điều phối giờ hạ, cất cánh tại các Cảng Hàng không (gọi tắt là Slot). Quyết định này còn có thể gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho các hãng hàng không cũng như làm nhà nước thất thu hàng trăm tỉ đồng tiền thuế VAT.
Triệu hành khách mất cơ hội bay vì một…quyết định

Thiếu slot, khoảng 1 triệu hành khách mất cơ hội được bay

Theo thông báo của Hội đồng slot (thông báo số 1375/KL- CHK) từ ngày 10/4/2015- 25/6/2015 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ tạm thời hạn chế sử dụng đường băng 25L/07R để sửa chữa, cải tạo và mở rộng đường lăn.

Trước đó, Hội đồng này đã có cuộc họp để xác định giới hạn lượt hạ/ cất cánh tại sân bay này và đưa ra quyết định trong thời gian sửa chữa đường băng 25L/07R mỗi giờ chỉ cho phép tối đa 25 lượt ha/ cất cánh. Các hãng hàng không sẽ phải xây dựng phương án khai thác các đường bay nội địa đến sân bay Tân Sơn Nhất và Cục Hàng không sẽ “điều phối lại slot của các hãng hàng không nội địa, trên cơ sở giới hạn khả năng khai thác của đường cất/ hạ cánh, đường lăn”, thông báo của Hội đồng slot nêu rõ.

Quyết định trên của Hội đồng slot“gây sốc” cho các hãng hàng không bởi sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang đạt đến trần cất/ hạ cánh từ 30 đến 32 lần/ giờ trong các khung giờ từ 6h đến 18 h hàng ngày. Nếu như chỉ còn cất/ hạ cánh tối đa được 25 lượt/ giờ có nghĩa mỗi giờ sẽ phải cắt giảm 5 đến 7 chuyến bay. Sơ bộ sẽ có khoảng 80 chuyến bay bị cắt giảm mỗi ngày, 10 máy bay phải “nằm chơi” trong khi khoảng hơn 10.000 hành khách không được bay.

Tính sơ sơ trong giai đoạn hơn 2 tháng sữa chữa, sẽ có khoảng hơn 1 triệu lượt hành khách bị ảnh hưởng do các hãng cắt giảm chuyến bay vì thiếu slot. Giá vé máy bay mùa hè này, nhất là dịp lễ 30/4- 1/5 chắc chắn sẽ tăng cao do các hãng không thể tăng chuyến phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách (thường tăng gấp nhiều lần so với ngày thường).

Chính sách cấp slot hiện nay đang được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, theo đó ưu tiên số 1 là dựa vào lịch bay cùng mùa năm trước theo nguyên tắc mùa năm ngoái bay bao nhiêu chuyến thì mùa năm nay sẽ được ưu tiên phân bổ bấy nhiêu, sau đó mới phân bổ đến các chuyến tăng thêm.
Các hãng hàng không đang tăng trưởng mạnh, kế hoạch bay mùa hè của năm nay đang tăng khoảng 30% so với năm trước. Như vậy, nếu số lần cất/hạ cánh tối đa bị cắt giảm thì khả năng nhiều chuyến bay của hãng hàng không sẽ không được cấp phép bay trong khi lịch bay đã được mở bán từ trước. Điều đó cũng có nghĩa nhiều hành khách, nhất là hành khách bình dân, người lao động, học sinh, sinh viên không có cơ hội bay do vé giá tiết kiệm sẽ không còn.
Thực tế, mấy năm gần đây, nhờ giá vé phù hợp của các hãng hàng không, ngành du lịch được kích cầu với lượng hành khách đi du lịch bằng đường hàng không đã tăng đáng kể.
Quyết định sửa chữa sân bay TSN vào mùa cao điểm cần được xem xét lại.
Quyết định sửa chữa sân bay TSN vào mùa cao điểm cần được xem xét lại.
Nên có giải pháp “gỡ khó”?

Với hơn 2 tháng giảm slot vào đúng mùa cao điểm, đại diện một hãng hàng không tính toán: “mỗi hành khách đi máy bay nộp lệ phí sân bay là 120.000 đồng, 1 triệu hành khách không được bay, sân bay sẽ thất thu 120 tỉ đồng, các hãng hàng không mất doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng, nhà nước sẽ thất thu hàng trăm tỷ đồng thuế VAT”.

Đại diện các hãng hàng không tại cuộc họp với Hội đồng slot đã kiến nghị lùi lịch sửa chữa đường băng 25L/07R đến tháng 8 hoặc tháng 9/2015 do tháng 6, tháng 7 là cao điểm của dịch vụ hàng không, phục vụ cho người dân đi lại, nghỉ mát, học sinh, sinh viên đi thi, nếu đóng cửa đường băng để sửa chữa, không chỉ các hãng hàng không thất thu, thiệt hại mà người dân cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn, bị hạn chế tiếp cận phương tiện giao thông an toàn, hiện đại. Hệ quả, tình trạng quá tải sẽ tái diễn ở các nhà ga, bến tàu, bến xe trong khi chỉ cần lùi thời gian sửa chữa lại một vài tháng là khắc phục được tình trạng này.

Thực tế, hoạt động vận tải hàng không thời gian gần đây đầy rẫy khó khăn do vấp phải những rào cản về sự yếu kém của hạ tầng và chất lượng phục vụ mặt đất tại các sân bay. Nhiều sân bay hiện nay năng lực phục vụ hạn chế khiến tình trạng chậm, huỷ chuyến tăng cao, các hãng hàng không “lực bất tòng tâm”.

Không chỉ sân bay Tân Sơn Nhất hạn chế hoạt động để sửa chữa, các sân bay khác như Thanh Hoá, Cam Ranh, Buôn Mê Thuột… cũng đang sửa chữa và hạn chế bay hoặc hạn chế năng lực phục vụ. Điều này khiến cho hoạt động của các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn, nhất là tới đây thuế nhập khẩu và thuế môi trường áp cho các hãng hàng không sẽ tăng cao.
Để hỗ trợ cho các hãng hàng không hoạt động, không làm giá vé đội lên cao, hạn chế cơ hội đi lại bằng đường hàng không của đa số người dân, cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn mà việc xem xét lại chính sách cấp slot là một trong những giải pháp dễ thực hiện nhất.

Được biết, lý do chính yếu khiến Hội đồng slot muốn bắt đầu kế hoạch sửa chữa đường băng tại Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất từ 10/4 là lo ngại tháng 8, tháng 9 là mùa mưa, thời tiết không thuận lợi để đảm bảo tiến độ sửa chữa. Tuy nhiên, thực tế mùa mưa ở các tỉnh phía Nam trong đó có TP Hồ Chí Minh thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, sửa chữa vào từ giữa tháng 4 tới hết tháng 6 cũng vẫn “dính” mùa mưa trong khi có thể “gây thiệt hại” quá lớn cho cả hành khách, hàng hãng không cũng như nhà nước.

Thiết nghĩ, Hội đồng slot cần cân nhắc trước quyết định “đóng cửa” đường băng, nên xem xét đóng cửa vào mùa thấp điểm, tránh mùa cao điểm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có cơ hội được di chuyển bằng đường hàng không nhiều hơn vào cao điểm mùa hè 2015, “giảm thiệt hại” cho cả 4 bên: nhà nước- cảng hàng không - hãng hàng không- hành khách.

Đọc thêm