Trò chơi dân gian: Múa sư tử

Múa sư tử là điệu múa dân gian đã xuất hiện từ rất  lâu trong các lễ hội truyền thống ở nước ta và đặc biệt là trong dịp Tết Trung thu. Làm sư tử cần nhiều công phu vừa khéo tay lại vừa tỉ mỉ từng đường nét. Bắt đầu từ việc chọn nan, giấy, mực vẽ, mực tô màu...

Múa sư tử
Múa sư tử

Múa sư tử là điệu múa dân gian đã xuất hiện từ rất  lâu trong các lễ hội truyền thống ở nước ta và đặc biệt là trong dịp Tết Trung thu.

Làm sư tử cần nhiều công phu vừa khéo tay lại vừa tỉ mỉ từng đường nét. Bắt đầu từ việc chọn nan, giấy, mực vẽ, mực tô màu...  Đầu sư tử được dựng bằng khung tre, kích thước tương ứng với thể hình của người múa, nhưng thường hình thức chung của sư tử là đầu to, trán gồ, mắt to, miệng rộng, mặt đỏ tía, thân hình có vân, vừa giống một cái đầu sư tử thật uy vũ hùng tráng, hình ảnh sư tử nổi bật với màu đỏ vàng sặc sỡ. Có đầu sư tử còn treo tấm gương nhỏ trước sừng, trên đầu treo bốn quả cầu hoa, mắt gắn mặt kính càng làm tăng thêm vẻ oai vũ. Người múa sư tử thường mặc quần áo màu vàng hai chân đi ủng hoa cao cổ hoặc quần áo cùng màu với màu sơn của sư tử. Đội múa khoảng 10 người. Người múa sư tử thường chọn em cao lớn nhất, tiếp đó đến em cầm đuôi phất theo nhịp múa của sư tử, một em hoá trang làm võ sỹ tay cầm quả cầu hoa khi thì đi hộ tống đầu sư tử, khi thì đấu võ với sư tử để biểu trưng hình ảnh con người đang chiến đấu với sư tử, lúc lại làm người dẫn đường nhưng có lúc lại là người đôn sư tử lên để giật giải. Một nhân vật cũng rất quan trọng và không thể thiếu là ông Địa do một em hoá trang làm bụng phệ, mặc áo dài đen, tay cầm quạt giấy to phe phẩy, mang mặt nạ ông Địa đầu hói tròn cười toe toét. Ông Địa và sư tử đi đến đâu là tượng trưng cho điềm phúc đến đó nên nhà nào cũng hoan hỉ treo rau xanh và giấy đỏ đón chào, đến tốp cầm trống gồm một trống to và có thể 3,4 trống con đi cùng, cuối đoàn là tốp các em nhỏ cầm đèn ông sao, đèn kéo quân rực rỡ sắc màu... Sư tử được tôn hiệu là "vua" của các loài vật là tượng trưng của sự oai vũ hùng tráng, khi múa sư tử phải thể hiện được tài tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, bộ pháp hùng dũng, nhảy cao, trèo giỏi, và những bước nhún nhảy diệu nghệ theo nhịp trống biểu hiện được sức hấp dẫn của nghệ thuật, cùng với tiếng trống, thanh la, đèn màu, cờ ngũ sắc...  Không chỉ đợi đến hôm Rằm Trung thu mà các em đã bắt đầu đi múa sư tử từ hôm 12, 13, khi trời chập choạng tối. Thường đội sư tử đến múa chúc vui những nhà nào có treo thưởng. Chủ nhà sẽ treo giải thưởng bằng tiền buộc trong một miếng vải đỏ, treo trên cao, xem như là một thách thức đối với sư tử, đội sư tử sẽ đôn người lên cho sư tử há miệng ngoạm lấy phần thưởng. Trước khi đến nhà nào thì ông Địa phải vào trước vái chào người già, gia chủ sau đến giỡn chơi hoặc làm hề cho trẻ em vui, nếu gia chủ tỏ ý muốn mời, đoàn sư tử sẽ vào nhà múa vừa để chúc phúc và coi như mang lộc đến nhà. Sau khi sư tử ngậm được tiền và gục gặc đầu cảm tạ thì ông Địa lại vái chào cảm ơn gia chủ trước khi đi sang nhà khác. Sư tử phải bằng mọi cách để lấy được giải thưởng còn ông Địa thì cùng múa với sư tử, phe phẩy chiếc quạt to ru sư tử ngủ hoặc đánh thức sư tử dậy. Cảnh ông Địa vuốt ve sư tử và sư tử mơn trớn ông Địa thể hiện tình cảm và sự hoà hợp sâu sắc giữa loài vật và con người trong bầu không khí thanh bình, hoan hỉ...

Ngọc Linh

Đọc thêm