1 vấn đề, 3 Giám đốc Sở TP HCM trả lời “loanh quanh”

(PLO) - Ngày 4/8/2016, Kỳ họp lần thứ 2 HĐND TP HCM khoá IX tiếp tục diễn ra với phần chất vấn và trả lời chất vấn. 
Ông Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP HCM) trả lời chất vấn (Ảnh: Tự Trung)
Ông Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP HCM) trả lời chất vấn (Ảnh: Tự Trung)

Tại kỳ họp, nhiều đại biểu yêu cầu UBND TP HCM đưa ra các biện pháp khắc phục trong các dự án chống ngập. Cụ thể là ở dự án nâng đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), từ việc xác lập cao độ tim đường đến việc cân đối với các dự án liên hoàn, đảm bảo không xảy ra tình trạng hết ngập đường thì nhà dân xung quanh bị lụt. 

Loay hoay giải pháp

Theo Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Đạt, trước bức xúc của người dân về độ cao mặt đường làm nhà dân bị ngập mỗi khi mưa xuống, Chủ tịch UBND TPHCM đã giao chính quyền quận Bình Tân lập phương án chính sách hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, hiện Sở Giao thông Vận tải đã có những phương án, chính sách hỗ trợ cho người dân như thế nào? Giải pháp gì đẩy nhanh tiến độ thi công, giải quyết bức xúc cho người dân địa phương?

Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Trong quá trình làm đường Kinh Dương Vương, toàn bộ vấn đề về cao độ, lập dự án, khảo sát, thiết kế kỹ thuật, ngành giao thông đã mời liên hiệp hội khoa học gồm 7 chuyên gia để phản biện, lấy ý kiến người dân… thì đều quyết định trong quá trình thiết kế sẽ lấy cao độ mép đường là 1,7m và tim đường là 2m trở lên, chấp nhận tần suất ngập là 4%.

Ông Cường nhận khuyết điểm, thực tế triển khai dự án chậm và nảy sinh nhiều vấn đề, gây bức xúc cho người dân. Cụ thể là việc lấy ý kiến chưa đến tận từng người dân, công tác giám sát cộng đồng cũng chưa được đông đảo người dân địa phương biết đến. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang triển khai lấy ý kiến người dân theo 4 nhóm phương án. 

Nhiều đại biểu cũng băn khoăn khi không chỉ riêng quận Bình Tân xảy ra tình trạng trên mà ở các địa bàn như quốc lộ 13 ở quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè, nhiều kênh rạch rải rác trên nhiều quận huyện, tình trạng ngập vẫn không kéo giảm. Tiến độ hoàn thành các dự án chống ngập cũng không biết đến khi nào.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP cũng đã truy vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là tại sao vẫn cứ xảy ra tình trạng nâng đường thì ngập nhà dân, trong khi thành phố bỏ ra nhiều kinh phí mà tình trạng ngập vẫn chưa cải thiện đáng kể? 

- Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Năm năm qua, thành phố đầu tư 105 ngàn tỷ, trong đó bố trí 52% cho hệ thống giao thông và thoát nước, hướng bố trí vốn cho đầu tư là bố trí khép kín đường vành đai, rồi phát triển kết nối giao thông theo hướng phát triển thành phố vệ sinh, là các hướng Tây Bắc, hướng Đông… 

Tuy nhiên, không bằng lòng với những giải đáp của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, bà Tâm cho rằng, phải có những dự báo sát với tình hình, phải tìm ra đâu là nguyên nhân, đâu là giải pháp, không thể lòng vòng để rồi vấn đề này lại là nguyên nhân của tình trạng khác và ngược lại, như vậy không có được những giải pháp cụ thể. Bà Tâm cũng yêu cầu ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc giải thích bổ sung về sự phối hợp trong xây dựng, thiết kế các dự án chống ngập. Ông Nhã nhận khuyết điểm là sự phối hợp còn chưa chặt chẽ, cần phải tăng cường hơn nữa.

6 tháng, 516 nạn nhân ngộ độc thực phẩm 

Bên cạnh vấn đề chống ngập, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các đại biểu quan tâm. ĐB Nguyễn Thị Nga cảnh báo: Từ đầu năm đến nay, TP xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 516 nạn nhân.

Theo bà Nga, rất nhiều đơn vị tham gia công tác thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng công tác quản lý lại lỏng lẻo. Dù nhiều cơ quan chuyên môn quản lý nhưng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm có chất cấm vẫn tràn lan trên thị trường. Người tiêu dùng không phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn, đâu là không an toàn. Khi có làn sóng dư luận, cơ quan chức năng mới tổ chức kiểm tra liên ngành, lúc đấy mới lòi ra nhiều vụ vi phạm. “TP cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn này, cần đánh giá lại hiệu quả thực hiện. Cần thắt chặt quản lý hơn nữa, lập hàng rào bảo vệ thực phẩm sạch, bài trừ thực phẩm bẩn”, ĐB Nga nói. 

Cũng theo bà Nga, hiện dư luận quan tâm việc thành lập cơ quan chuyên ngành về an toàn thực phẩm, tiến độ đang thực hiện đến đâu? Có những biện pháp gì để người dân có thể tin tưởng rằng, sau khi cơ quan này được thành lập, vấn đề thực phẩm bẩn sẽ được kiểm soát tốt hơn?

Trả lời những thắc mắc này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, 6 tháng đầu năm 2016 đã tiến hành kiểm tra 2 ngàn 900 cơ sở bếp ăn tập thể và chỉ có 11,5% cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, chưa hài lòng với những giải pháp mà người đứng đầu ngành y tế TP đưa ra, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP cho rằng, hiện nay, sự kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cho sinh viên chưa được chú trọng đã gây nhiều ca ngộ độc, như vụ ở Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM vừa qua. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, kiểm tra liên tục hơn nữa…

Đọc thêm