10 địa bàn trọng điểm phải xem lại việc trấn áp tội phạm

(PLO) - “Tại sao năm 2013 chúng ta đã chỉ đạo quyết liệt như vậy mà tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, không ngừng gia tăng?” là “đề bài” mà Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Quốc gia Phòng, chống tội phạm (BCĐ 138/CP) - đặt ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo 138 được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành ngày hôm qua (3/1).
10 địa bàn trọng điểm phải xem lại việc trấn áp tội phạm
Tội phạm giảm nhưng “chưa nhiều”
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an - khẳng định, năm 2013 công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được đẩy mạnh, huy động được sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị nên tạo được những chuyển biến tích cực. Quần chúng nhân dân đã cung cấp hàng chục nghìn tin có giá trị giúp phát hiện và bắt giữ tội phạm. 
Cũng năm qua, các lực lượng chức năng liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung phát hiện, triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm… góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, điều mà Bộ trưởng Trần Đại Quang lo ngại và yêu cầu phải tìm ra nguyên nhân là vì sao lực lượng chức năng đã làm quyết liệt, tội phạm có giảm nhưng chưa nhiều. 
Trong khi đó, theo Báo cáo của Thượng tướng Lê  Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - năm 2013, tình hình tội phạm gia tăng trên nhiều lĩnh vực theo chiều hướng nguy hiểm hơn, phức tạp hơn. Trên 18 địa bàn trọng điểm, tội phạm có tổ chức vẫn diễn ra phức tạp, cá biệt có nơi các băng nhóm tội phạm hoạt động trắng trợn, sử dụng vũ khí nóng, bảo kê nhà hàng, bến bãi khai thác khoáng sản, siết nợ, cá độ bóng đá… Cầm đầu các băng nhóm tội phạm phần lớn đều là các đối tượng đã có tiền án, tiền sự. 
Trong lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội, cả nước xảy ra hơn 59.000 vụ, tăng 5,03% so với năm 2012, xu hướng tội phạm trẻ hóa. Trong lĩnh vực tội phạm về kinh tế, chức vụ, cả nước đã phát hiện, xử lý 12.138 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về kinh tế, gần 450 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ, thu hồi, tạm giữ, kê biên gần 3.500 tỷ đồng. Nổi lên là nhóm tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán… gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội. 
Tội phạm mua bán người trong năm 2013 cũng có chiều hướng gia tăng. Cả nước đã phát hiện trên 500 vụ, liên quan tới gần 700 đối tượng, lừa bán gần 1000 nạn nhân, trong đó trên 70% là lừa bán sang Trung Quốc dưới dạng đưa người ra nước ngoài lao động trái phép, môi giới hôn nhân bất hợp pháp, hoạt động mại dâm và chiếm đoạt, bắt cóc phụ nữ, trẻ em.
10/18 địa bàn phải “xem lại việc đấu tranh, trấn áp tội phạm”
Từ phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2013 công tác phòng, chống tội phạm đã được triển khai quyết liệt, tạo được thế tấn công đối với các loại tội phạm, đã kiềm chế được các loại tội phạm có tổ chức, củng cố niềm tin của nhân dân. 
Tuy nhiên, từ thực tế tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, không ngừng gia tăng mặc dù các lực lượng chức năng đã chỉ đạo quyết liệt, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ tình hình kinh tế khó khăn, “bần cùng sinh đạo tặc” thì sự yếu kém trong công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, sự thiếu quan tâm sâu sát của các cấp, các ngành là nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại này. 
Phó Thủ tướng yêu cầu 10/18 địa bàn trọng điểm còn để tội phạm có tổ chức hoành hành phải xem lại công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, nơi nào để tội phạm lộng hành thì nơi đó chính quyền các cấp và Trưởng Công an phải chịu trách nhiệm. 
Phó Thủ tướng khẳng định: “Muốn kiềm chế tội phạm, giải quyết căn bản vấn đề tội phạm thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhân dân phải vào cuộc. Đó là khởi nguồn vì sao cần có Ban Chỉ đạo 138/CP để cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống tội phạm, dưới sự lãnh đạo của Đảng”.  
Do đó, để công tác phòng, chống tội phạm thực sự hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, từ gia đình, nhà trường tới toàn xã hội vào cuộc cùng với ngành Công an, để kịp thời ngăn ngừa tội phạm, đồng thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Đọc thêm