22 người chết, 12 người mất tích do mưa lũ

(PLO) - Tính đến7h hôm nay, 23/7, có 22 người chết, 12 người bị mất tích và 26 người bị thương do mưa lũ kéo dài. Hơn 6.000 ngôi nhà bị sập, bị ngập...
Bà Thị Thanh Trà- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh động viên, chia sẻ nỗi đau mất mát với người dân xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên). Ảnh: Báo Yên Bái
Bà Thị Thanh Trà- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh động viên, chia sẻ nỗi đau mất mát với người dân xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên). Ảnh: Báo Yên Bái

Thông tin từ Văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, số người thiệt mạng do mưa lũ những ngày qua ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ đã lên tới 22 nạn nhân. Trong đó, Yên Bái có tới 11 người thiệt mạng. Còn 12 người mất tích (Yên Bái 6 người, Sơn La 2 người, Phú Thọ 1 người, Thanh Hóa 3 người); 26 người bị thương (Yên Bái 18 người, Sơn La 1 người, Phú Thọ 3 người, Thanh Hóa 3 người, Nghệ An 1 người).

Mưa lũ kéo dài làm sập 231 ngôi nhà, trong đó, thiệt hại nặng nhất vẫn là Yên Bái: 157 nhà; làm ngập 5.878 ngôi nhà, trong đó, nhiều nhất là Phú Thọ với 5.123 nhà; và làm hư hỏng, phải di dời khẩn cấp 4.269 ngôi nhà. Mưa lũ còn khiến 6.455 con gia súc và 106.008 con gia cầm bị chết, cuốn trôi, 5.670 ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng; hơn 110.000 ha lúa, hoa màu bị ngập úng...

Theo báo cáo ngày 22/7 của Bộ Giao thông vận tải, trên địa bàn Phú Thọ, Quốc lộ 32  còn 2 điểm nước ngập sâu, Quốc lộ 70B còn 3 điểm sạt lở và ngập sâu; Quốc lộ 6 đoạn qua Hòa Bình có 1 điểm ngập nước, đoạn qua Sơn La có 2 điểm ngập nước gây tắc đường;

Cũng qua địa bàn Sơn La, Quốc lộ 43 còn 6 điểm sạt lở, Quốc lộ 32B còn 3 điểm sạt lở, Quốc lộ 6C còn 1 điểm ngập nước gây tắc đường, Đường tỉnh lộ 101, 102, 114 còn một số vị trí còn ách tắc giao thông...

Các đoạn giao thông bị ngập nước, sạt lở trên dự kiến khắc phục xong và thông xe trong hôm nay, 23/7

Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tập trung công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động các phương án ứng phó; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường còn bị ngập sâu. 

Tiếp tục tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa, hoa màu, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích bị mất trắng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng.

Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước.

Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân vùng thiên tai. 

Đọc thêm