3 người đàn ông thiệt mạng do lũ cuốn

(PLO) - Mưa lũ trong đêm đã cuốn trôi, khiến 1 người dân ở Sapa (Lào Cai) và 2 cha con ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) thiệt mạng. Ngoài ra, sạt lở đất do mưa lũ còn làm thiệt hại nhiều căn nhà...
Nhiều ngôi nhà ở Si Ma Cai bị hỏng nặng do mưa lớn. Ảnh: Báo Lào Cai.
Nhiều ngôi nhà ở Si Ma Cai bị hỏng nặng do mưa lớn. Ảnh: Báo Lào Cai.

Cụ thể, mưa lớn đêm 24/8 khiến nước suối dâng cao đã cuốn cả người và xe làm anh Phùng Vần Phin (SN 1985, trú tại Thôn Nậm Ngấn, Nậm Sài, Sa Pa, Lào Cai) thiệt mạng; cuốn trôi 2 người dân tộc Mông là anh Mùa A Trống (SN 1982) và con rể anh Trống là anh Sùng A Chử (SN 1997, cùng trú xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, Yên Bái). Thi thể hai người xấu số đã được tìm thấy.

Mưa lớn liên tục đã làm gần 10 điểm trên tuyến đường từ thôn Sản Chư Ván vào thôn Ngải Thầu, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) khiến 70 hộ dân ở thôn Ngải Thầu bị cô lập hoàn toàn. Đây là tuyến đường huyết mạch, nên dù chính quyền địa phương đã cấm lưu thông nhưng một số gia đình có việc cần thiết vẫn đi bộ, lội qua những điểm sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Cũng tại Lào Cai, mưa kéo dài gây lũ ống khiến nhiều xã bị thiệt hại nặng: Si Ma Cai, Nàn Sán, Mản Thẩn và Bản Mế. Xã Si Ma Cai có trên 10 nhà dân bị hư hỏng, trong đó 1 nhà bị sập; Trường THCS xã Si Ma Cai bị ngập nước nhiều giờ, hư hỏng nhiều vật dụng dạy và học và ngập kho chứa 5 tấn gạo của học sinh bán trú. Học sinh Trường THCS Si Ma Cai phải nghỉ học để các lực lượng chức năng khắc phục hậu quả mưa lũ. Mưa, lũ ống cũng gây ách tắc cục bộ một số tuyến đường liên thôn của xã Mản Thẩn, Nàn Sán.

Mưa còn làm sạt 2 nhà tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Lào Cai); làm xói 1 mố cầu vào trường tiểu học xã Cát Thịnh và 400m đường bê tông bị sạt lở, tổng thiệt hại về tài sản ước tính 500 triệu đồng.

Cũng do mưa lớn, tối 25/8, 1 căn nhà trên địa bàn khối 4, Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị sập do đất đá của khối núi phía sau nhà trượt xuống; 5 nhà xung quanh bị ảnh hưởng (nứt tường).

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu, các địa phương tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả do mưa, lũ: tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về người, về nhà (bị lũ cuốn trôi, bị sập đổ, bị sạt lở phải di dời); tiếp tục theo dõi, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, sửa chữa cơ sở vật chất, hạ tầng, bảo vệ lúa và hoa màu.

Tại các tỉnh phía Nam, dự báo trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 31/8, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,2m, trên BĐ2 0,2m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,7m, trên BĐ2 0,2m; tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức BĐ2, có nơi trên BĐ2. Những ngày tiếp theo, mực nước sông Cửu Long biến đổi chậm. Đến ngày 05/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,15m, trên BĐ2 0,15m; tại Châu Đốc ở mức 3,65m, trên BĐ2 0,15m.

Cơ quan chức năng cảnh báo, đến khoảng ngày 12-14/9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên mức báo động 3 (Tân Châu 4,5m, Châu Đốc 4,0m), tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức BĐ2- BĐ3, có nơi trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng ứng phó thiên tai, trong đó tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất; cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh; tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung, các điểm đưa đón học sinh đi học trong mùa lũ, bão.

Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, đê biển.

Chủ động thu hoạch sớm diện tích lúa Hè Thu, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ; khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, chủ động tiêu úng đảm bảo an toàn cho diện tích lúa Thu Đông và các cây trồng khác.

Các tỉnh An Giang và Kiên Giang phối hợp vận hành đập Trà Sư- Tha La theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Đọc thêm