“3 phương án của Bộ GTVT đều làm mất giá trị cầu Long Biên“

(PLO) - Theo TS Nguyễn Sỹ Toản (Trưởng khoa Di sản văn hóa, ĐH Văn hóa Hà Nội), 3 phương án Bộ GTVT đưa ra để bảo tồn cầu Long Biên đều không hợp lý, ảnh hưởng lớn đến giá trị ịch sử. văn hóa của cầu Long Biên.
Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu
3 phương án không phù hợp với việc bảo tồn di sản
TS Nguyễn Sỹ Toản cho rằng, việc tu bổ, sữa chữa cầu Long Biên là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên, TS Toản không đồng tình với cả 3 phương án của Bộ GTVT đưa ra.
"Chúng ta phải tìm ra phương án khoa học, khách quan, hài hòa nhất. Nếu cực đoan theo một cách tiếp cận nào đó thì không hay. Các nhà nghiên cứu sâu, rộng về lịch sử văn hóa chắc rằng họ cũng sẽ không tán thành các phương án của Bộ GTVT”, Trưởng khoa Di sản văn hóa, ĐH Văn hóa Hà Nội, nhận định.
TS Toản phân tích, nếu hiểu về tính nguyên gốc và giá trị lịch sử của di tích thì sẽ thấy ngay sự không hợp lý của cả 3 phương án của Bộ GTVT. Vị trí, địa điểm, thời gian, không gian và toàn bộ cây cầu khi xây dựng hoàn thành là nguyên gốc. Giá trị văn hóa, lịch sử của cầu được "xác lập" qua hơn trăm năm tồn tại, chứng kiến sự thăng trầm của Thủ đô trong quá trình phát triển...
TS Nguyễn Sỹ Toản - Trưởng khoa Di sản, ĐH Văn hóa Hà Nội.
TS Nguyễn Sỹ Toản - Trưởng khoa Di sản, ĐH Văn hóa Hà Nội. 
"Di dời di sản khỏi vị trí ban đầu sẽ giống như pho tượng đúc liền bị tách ra khỏi bệ tượng, nó tự nhiên bị chia đôi. Còn về cầu Long Biên, nếu mang nó sang chỗ khác thì nó sẽ biến thành một cái xác không hồn. Nên nhớ địa điểm xây dựng cầu ghi dấu lịch sử", TS Toản nói.
Cũng theo TS Toản, đối chiếu nguyên tắc bảo tồn và luật di sản thì việc di chuyển cầu Long Biên đều không phù hợp. Nói như vậy không có nghĩa là di tích không thể di chuyển. Nó có thể phải di chuyển trong tình huống không có sự lựa chọn khác, nếu không di chuyển di tích sẽ biến mất. Chẳng hạn trong tình huống có một ngôi chùa cổ ven sông, có nguy cơ bị nước cuốn trôi, thì cần phải nghiên cứu di dời chùa đến địa điểm thích hợp.
Còn cầu Long Biên hiện được người dân sử dụng bình thường, hình dáng cầu tạo một nét kiến trúc đặc biệt cho Hà Nội. "Nó đang bình yên như thế, tại sao lại nghĩ đến giải pháp di dời làm gì, hay tách một số nhịp cầu của nó ra làm gì?. Nếu vị trí đó đắc địa, quan trọng, không thể không xây cầu, thì điều này càng tôn giá trị cầu Long Biên, tại sao cứ phải xây cầu mới?... Dân cư phát triển ngày càng đông đúc, việc xây nhiều cầu để lưu thông là tất yếu. Nhưng Hà Nội đã có nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng, nếu nhất thiết phải xây thêm cầu, tại sao không chọn vị trí khác?", TS Toản đặt vấn đề.
Phải có nghiên cứu về chuyên môn để bảo tồn
Cầu Long Biên không chỉ có giá trị lịch sử mà nó còn có giá trị văn hóa, và góp phần phát triển đời sống kinh tế của cư dân ngày đêm qua cây cầu này buôn bán làm ăn... Về mặt kiến trúc, từng có nhận xét của giới chuyên môn: "Cây cầu Long Biên góp phần hoàn thiện hơn kiến trúc đô thị Hà Nội"...
Theo TS Toản, khi di sản xuống cấp thì phải tu bổ một cách khoa học. Cơ quan chuyên môn phải đánh giá hiện trạng, sau đó đưa ra giải pháp trùng tu, sửa chữa hay tôn tạo nó.
"Kể cả khi chỉ có một nhịp cầu bị văng ra thì việc hàn gắn nó vào như thế nào cũng cần có những cuộc tọa đàm, hội thảo để có thể khôi phục nó như ban đầu. Nếu chúng ta đưa nó ra một vị trí khác là chúng ta phá di tích rồi. Chúng ta làm mới nó cũng làm ảnh hưởng đến nó, trừ khi chúng ta không làm thì nó biến mất. Bây giờ cầu vẫn ở đó, thì chúng ta phải tu bổ nó trên góc độ chuyên môn để tuổi thọ cây cầu tăng thêm", TS Toản nhận định.
Cũng theo Trưởng khoa Di sản văn hóa, ĐH Văn hóa Hà Nội, cầu Long Biên còn có giá trị giáo dục lịch sử. Di tích này tồn tại là một dấu ấn, một phần của lịch sử. Cách hôm nay chúng ta ứng xử với di tích thế nào chính là tấm gương để thế hệ sau soi vào.
Việc giữ gìn cầu Long Biên tồn tại lâu dài là cần thiết. TS Nguyễn Sỹ Toản đề xuất, xây thêm cầu để đáp ứng giao thông và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội thì nên nghiên cứu xây dựng ở vị trí khác, cách xa cây cầu Long Biên.

Đọc thêm