30% phụ nữ bị chồng bạo hành

(PLO) - Bạo lực giới gây tổn thất gần 1,41% thu nhập GDP của Việt Nam vào năm 2010. Đồng thời, phụ nữ chịu bạo lực sẽ làm giảm 35% năng suất so với người không bị bạo lực.
Rất ít phụ nữ bị bạo lực giới tìm kiếm sự giúp đỡ
Rất ít phụ nữ bị bạo lực giới tìm kiếm sự giúp đỡ

Số liệu được công bố tại Hội thảo "Hướng tới một ASEAN không còn bạo lực trên cơ sở giới – Kinh nghiệm của các tổ chức phi chính phủ về xây dựng và thực hiện chính sách" khai mạc hôm nay (10/5) với hơn bốn mươi đại biểu đến từ các nước ASEAN.

Hội thảo do GBVNet, Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam khởi xướng với sự tham gia của CARE Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cùng mười bốn tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

Theo khảo sát tại các nước ASEAN, bạo lực giới cũng gây tổn thất to lớn đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và năng suất lao động quốc gia. Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn cao và phổ biến ở tất cả các nhóm thu nhập, giáo dục và địa bàn khác nhau.

Tại Việt Nam, trong 12 tháng vừa qua, cứ ba phụ nữ có một người bị chồng bạo hành. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ dám nói ra vấn đề họ gặp phải và tìm kiếm sự giúp đỡ lại rất thấp.

Đại biểu các nước ASEAN tham dự Hội thảo
Đại biểu các nước ASEAN tham dự Hội thảo

Nghiên cứu tháng 3/2016 của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) chỉ ra, suy nghĩ cho rằng đàn ông có quyền bạo lực với phụ nữ vẫn còn hết sức phổ biến và hầu hết các trường hợp bạo lực trong gia đình (98,57%) đều bị chìm vào im lặng.  

Vì vậy, theo các đại biểu, phòng chống bạo lực giới sẽ góp phần thay đổi của xã hội và là một phần quan trọng vì một ASEAN hòa bình và hạnh phúc. Ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh, “mọi người có thể cùng nhìn nhận rõ ràng hơn về vấn đề bạo lực giới”.

Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực để đảm bảo bình đẳng giới. Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định việc cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái. 

Đọc thêm