40 năm giữ màu xanh bên Lăng Bác

(PLO) - Những chậu cây thế, cây cảnh quý hiếm của các địa phương trong cả nước hội tụ về Lăng dưới bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của cán bộ, viên chức, người lao động của Ban đã và đang tạo ra một vùng thiên nhiên tươi đẹp, ngào ngạt hương thơm, càng làm tôn vẻ đẹp của Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình. 
Cảnh quan Lăng Bác có bàn tay chăm chút của cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình
Cảnh quan Lăng Bác có bàn tay chăm chút của cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình
Trong tâm trí nhiều người, Quảng trường Ba Đình đã trở thành không gian thiêng liêng bởi nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước. Cảnh quan sạch đẹp, không khí trong lành ở Quảng trường đã thực sự tạo dấu ấn trong lòng đồng bào cả nước mỗi khi về Thủ đô. Kết quả đó có sự đóng góp công sức không nhỏ của những cán bộ, viên chức, người lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình.
Cách đây 40 năm, trong lúc cả nước đang trong niềm vui hân hoan toàn thắng, non sông thu về một mối thì ngày 29 tháng 8 năm 1975 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi Bác Hồ đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, công trình kiến trúc Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành, đáp ứng lòng mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, như một cách bày tỏ ý nguyện tiếp tục đi theo con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ duy trì và tôn tạo cảnh quan môi trường khu vực Lăng Bác và bảo đảm môi trường, cảnh quan khu vực Lăng xanh, sạch, đẹp phục vụ nhân dân, khách quốc tế về Lăng viếng Bác, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 323/TTg ngày 15 tháng 10 năm 1975 về tổ chức quản lý Quảng trường Ba Đình. 
Trên cơ sở đó, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội (nay là UBND thành phố Hà Nội) ban hành Quyết định số 1465/QĐ-TC ngày 16 tháng 12 năm 1975 thành lập Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. Nhiệm vụ của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình là giúp Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội về tổ chức quản lý Quảng trường Ba Đình. Kể từ đó cho đến nay, ngày 16 tháng 12 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. 
Thực hiện Quyết định số 930/TTg ngày 14 tháng 12 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý Quảng trường Ba Đình, từ ngày 28 tháng 3 năm 1997, UBND thành phố Hà Nội đã bàn giao nguyên trạng Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý. 
Đồng thời, thực hiện Công văn số 203/CV-TW về việc chuyển giao Đảng bộ cơ sở Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình về sinh hoạt tại Đảng bộ Đoàn 969 thuộc Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-TC ngày 08 tháng 4 năm 1997 về việc chuyển giao Đảng bộ cơ sở Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình trực thuộc Quận uỷ Ba Đình về sinh hoạt với Đảng bộ Đoàn 969 thuộc Đảng bộ Quân đội. Ngày 02 tháng 5 năm 1997, Thành uỷ Hà Nội đã chính thức bàn giao Đảng bộ Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình về Đảng bộ Đoàn 969.
Như vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập cho đến năm 1997, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, đồng thời là một lực lượng nòng cốt trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1997 đến nay, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện về mọi mặt của Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội trước đây và của Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Ban Quản lý Lăng hiện nay; cùng sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước, cán bộ, viên chức, người lao động của Ban qua các thời kỳ đã làm việc tận tâm, tận lực, sáng tạo trên mọi lĩnh vực hoạt động, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 
Đáng chú ý Ban luôn luôn bảo đảm cho khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, tiêu biểu cho cả nước, thỏa lòng mong ước của nhân dân ta và để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Cùng với đó, Ban cũng đã xây dựng Đảng bộ có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao, nội bộ ngày càng đoàn kết thống nhất, xây dựng Ban vững mạnh toàn diện, duy trì chế độ nề nếp công tác, chấp hành nghiêm kỷ luật, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Ban Quản lý  Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ, viên chức, người lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, thực hiện nhiệm vụ tôn tạo, duy trì chăm sóc và trang trí cây hoa, cây cảnh được tổ chức chặt chẽ, đúng quy trình và biện pháp kỹ thuật; cải tạo nâng cấp các vườn hoa, cây cảnh phù hợp với cảnh quan và điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, môi trường, khí hậu khu vực Lăng; duy trì chăm sóc cây hoa, cây cảnh, thảm cỏ phát triển xanh tốt; tích cực cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức trang trí tại các khu vực, nhất là những ngày lễ, tết, kỳ họp Quốc hội và các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước diễn ra tại Quảng trường Ba Đình. 
Mỗi năm, nhiệm vụ tôn tạo cảnh quan môi trường ngày càng đòi hỏi cao hơn, Ban đã chủ động đề xuất thay thế trồng mới một số cây bóng mát tại Lăng, Quảng trường Ba Đình và tuyến phố đi bộ, đưa các bồn hoa, chậu hoa, ghế đá hoa cương vào trang trí… làm cho cảnh quan khu vực ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, tạo được ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân và du khách đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan khu vực. 
Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ Ban luôn chú trọng ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động và các máy móc, trang thiết bị được đầu tư, kết hợp mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác và phối hợp với các nhà trường, đơn vị, các nhà khoa học, các nghệ nhân, các nhà kiến trúc phong cảnh nghiên cứu áp dụng kỹ thuật mới trong chiết ghép các loại cây cảnh, nhân giống, bảo tồn các loại hoa. 
Đồng thời, Ban triển khai ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học để giải quyết những yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ chính trị đặt ra để chăm sóc cho từng loài cây, hoa, nhất là các loại quý hiếm thực hiện đúng quy trình, phương pháp. Đặc biệt, năm 2012 trên cơ sở tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, các nhà khoa học, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã thực hiện việc cải tạo, trồng mới hai vườn tre bên Lăng Bác bảo đảm sinh trưởng và phát triển tốt, duy trì vẻ đẹp vốn có của Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình. 
Cũng nhờ sự phối hợp này mà đội ngũ cán bộ chuyên sâu đã học tập được kinh nghiệm của những nghệ nhân lâu năm, nắm chắc hơn phương pháp cải tạo sân, vườn, xén, tỉa, tạo dáng cây cảnh. Đến thời điểm này, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã làm chủ kỹ thuật nâng cấp vườn ươm, chiết, ghép các loại cây cảnh, nhân giống các loại hoa.
Những chậu cây thế, cây cảnh quý hiếm của các địa phương trong cả nước hội tụ về Lăng dưới bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của cán bộ, viên chức, người lao động của Ban đã và đang tạo ra một vùng thiên nhiên tươi đẹp, ngào ngạt hương thơm, càng làm tôn vẻ đẹp của Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình. 
Công tác sản xuất hoa thời vụ đã được quan tâm chú trọng đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, khối lượng, tạo chuyển biến vững chắc và sự đột phá mới. Nhiều giống hoa mới như: Dạ yến thảo, ngọc thảo, cúc lá nhám, cúc indo… đã được sản xuất với qui mô lớn, góp phần nâng cao chất lượng công tác trang trí hoa trên các khu vực. 
Hàng năm, công tác sản xuất đáp ứng 120.000 đến 160.000 cây hoa các loại, tập trung chủ yếu trên 25 giống hoa trọng điểm. Trung bình mỗi năm, Ban Quản lý trang trí gần 100 ngàn chậu hoa các loại, gần 500 vòng hoa, lẵng hoa và trên 200 vạn cây hoa thời vụ, hàng trăm cây đào, quất phục vụ các ngày lễ, tết, các buổi lễ viếng Bác của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các đoàn nguyên thủ quốc gia.
Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường mang tính đặc thù là phải hoàn thành công việc trước giờ mở cửa Lăng Bác đón khách, cán bộ, công nhân viên thường xuyên phải làm việc từ 3h sáng. Mặt đường, vỉa hè và các công trình vệ sinh cộng cộng, hệ thống ga cống trong khu vực luôn bảo đảm sạch sẽ, văn minh. 
Vào những dịp tết đến, xuân về, hay khi Đảng, Nhà nước tổ chức những sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc tại Quảng trường Ba Đình như Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, mới đây là lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc kháng 2/9, cán bộ, công nhân viên chức Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình phải tăng cường làm thêm giờ, huy động 100% nhân lực trước cả tháng trời. 
Làm vệ sinh sân Lăng và các tuyến phố đi bộ, phun thuốc diệt côn trùng sân cỏ phục vụ khối đứng, cắt tỉa và trang trí cây hoa, cây cảnh toàn bộ khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình, lắp đặt thêm các thùng rác và nhà vệ sinh công cộng để phục vụ cho hơn 30 nghìn người tham gia lễ diễu binh, diễu hành. Cả một khối lượng lớn công việc đã được hoàn thành trước ngày lễ trọng. 
Được đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình để không khí ngày đại lễ càng thêm long trọng chính là niềm hạnh phúc của mỗi cán bộ, viên chức, người lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình.
Cũng trong suốt quá trình 40 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ủy, lãnh đạo Ban đã tập trung xây dựng Ban vững mạnh , toàn diện theo hướng cơ bản, vững chắc lấy xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh làm cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức là khâu then chốt. Kế thừa và phát huy những thành tích, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước. 
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về công tác tôn tạo cảnh quan, môi trường khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cũng là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Ban, từ đó khơi gợi, động viên cán bộ, viên chức, người lao động nêu cao ý thức trách nhiệm, tự giác học tập, lao động sản xuất, yên tâm gắn bó tận tụy với nhiệm vụ. 
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, thu nhập của cán bộ, viên chức, người lao động còn thấp nhưng đội ngũ cán bộ, viên chức, công nhân lao động của Ban đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên gắn bó, tận tụy với nhiệm vụ chính trị được giao. 
Bên cạnh đó, đơn vị còn thường xuyên quan tâm giải quyết tốt các chế độ, chính sách chăm lo xây dựng đời sống vật chất, tinh thần đối với người lao động, tạo sự yên tâm, phấn khởi, gắn bó với đơn vị.
Với sự nỗ lực cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng đảng bộ và xây dựng đơn vị, Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng các phần thưởng cao quý: Năm 1980 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 1985 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2000 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 2009 được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; năm 2010 được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Những phần thưởng trên đây là sự khẳng định của Đảng, Nhà nước ghi nhận thành tích của các thế hệ cán bộ, viên chức, công nhân lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã nỗ lực phấn đấu trong 40 năm qua. Phấn khởi, tự hào với những thành tích đã đạt được, với niềm kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cán bộ, viên chức, người lao động Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Đọc thêm