40 năm ngày thống nhất đất nước: Câu chuyện của tình đoàn kết

(PLO) - Với thời gian, với độ lùi của lịch sử và nhất là trước những biến chuyển mới của quốc tế và khu vực, có thể nhận thấy rằng tinh thần đại đoàn kết toàn dân càng quan trọng hơn bao giờ hết. 
Người Sài Gòn đổ ra đường mừng ngày thống nhất đất nước 30/4/1975
Người Sài Gòn đổ ra đường mừng ngày thống nhất đất nước 30/4/1975
1. Lịch sử nước Mỹ đã ghi lại tình huống kết thúc cuộc chiến tranh Nam -  Bắc. Khi tướng Lee của phe miền Nam quyết định đầu hàng, ông viết lá thư riêng gửi cho Tướng Grant của miền Bắc, yêu cầu thu xếp buổi họp mặt. 
Ông Grant nhận được thư hết sức vui mừng và bỗng nhiên thấy hết ngay cơn bệnh nhức đầu ghê gớm hành hạ ông từ nhiều ngày qua. 
Ông ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam bại trận. 
Trưa ngày 9/4/1865, tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn ước. 
Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón. Các sĩ quan miền Bắc đưa vị tư lệnh miền Nam vào phòng họp. 
Tướng Grant sau này thú nhận là ông rất ngần ngại và thực sự hổ thẹn khi phải hỏi tướng Lee nói về quyết định đầu hàng. 
Theo luật chiến tranh thời đó, quân miền Nam phải bỏ khí giới và quân dụng, tự do trở về quê cũ như các dân thường. Tướng Lee chỉ đòi hỏi một điều sau cùng là yêu cầu cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu. 
Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản, nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà mà xây dựng lại nông trại. 
Trên các bảo tàng viện và đặc biệt là bảo tàng viện ở Appomattox Virginia, có tranh sơn dầu hình tướng Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. 
Tại nước Mỹ có một nghĩa trang quốc gia nổi tiếng khắp thế giới. Ðó là nghĩa trang Arlington. Ðây là nghĩa trang chính thức của liên bang Hoa Kỳ, của người miền Bắc trong trận chiến Bắc Nam. 
Nhưng ngay tại đây cũng có một khu chôn cất tử sĩ miền Nam với tượng đài gọi là Confederate Memorial.
Dù có khác nhau nhiều điều, nhưng cách khu xử của người Mỹ sau cuộc chiến cũng là kinh nghiệm đáng tham khảo. 
2. Lại nhớ lời kêu gọi “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” của Bác Hồ và chủ trương hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam từng là lời hiệu triệu có sức mạnh thu hút đồng bào đủ mọi thành phần tầng lớp, giới trí thức, tôn giáo tham gia hưởng ứng với nhiều mức độ khác nhau tạo ra hai trong ba mủi giáp công “quân sự, chính trị, binh vận”. 
Ngay trong ngày đầu tiên nói chuyện với Tổng thống Dương Văn Minh và những người thân cận, Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố “Giữa hai người Việt Nam, không có ai là kẻ chiến thắng, không có người bại trận”. 
Đó là quan niệm đúng đắn, sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý thức hòa hợp, hòa giải. Đó cũng là phương châm mà những cán bộ chính trị, binh vận đã vận dụng để thuyết phục người dân và ngay cả cán bộ, quan chức, gia đình sĩ quan, binh sĩ của phía bên kia tham gia hưởng ứng; hoặc ủng hộ đóng góp sức người sức của cho Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam. 
Rất tiếc, sau thống nhất, quan niệm ấy có lúc lùi lọt vào khoảng không yên lặng. Thực tế trong cuộc chiến kéo dài hàng chục năm, hiếm có gia đình nào nguyên vẹn một bề, ngay Tổng thống Dương Văn Minh cũng có người em là Đại tá quân giải phóng và một ông Đại tá quân đội VNCH. 
Ông Minh không phải đi học cải tạo nhưng ông Đại tá quân đội VNCH em phải đi học, mà ông Đại tá anh không cách nào xin chế giảm, để bà mẹ già khóc khô nước mắt. 
Tổng thống một tuần lễ Trần Văn Hương ngoài người con suốt đời tận tụy làm thư ký cho cha, cũng có người con là cán bộ tập kết. 
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhắc chuyện có những bà mẹ có con là liệt sĩ của cả hai bên nên ngày 30/4 “có hàng triệu người vui, cũng có triệu người buồn”.  
Chính vì vậy, để kỷ niệm ngày vui đất nước thống nhất được vui hơn, cần nghĩ và làm sao mở rộng và sâu hơn quan niệm đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa bỏ những lằn ranh phân biệt, hằn thù. 
Thiết nghĩ, kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước một cách thiết thực, sâu sắc, là làm thế nào để câu nói “người Việt Nam đều thắng” của cố Thượng tướng Trần Văn Trà không đơn thuần là lời lẽ giao tế, mà thật sự thành một ý tưởng chung của mọi người. 
Hãy nhìn thấy chiến thắng lớn nhất là đã thống nhất đất nước, đem lại hòa bình cho dân tộc. Từ góc độ đó, với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cần có cách nhìn, cách đánh quá khứ lịch sử, bao dung hơn, khách quan, khoa học hơn./.

Đọc thêm