5 giải pháp phát triển Bảo hiểm y tế

(PLO) - Nhân dịp Kỷ niệm ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam 1/7, tối qua (30/6), tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức chương trình “Bảo hiểm y tế toàn dân – Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Chương trình
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Chương trình

Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Vũ Đức Đam, Uỷ viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đại diện các Ban, Bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể Trung ương và Thành phố Hà Nội; đại diện Sở Y tế, cơ quan BHXH và một số bệnh viện thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đại diện cộng đồng bệnh nhân BHYT; đại diện một số doanh nghiệp…

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, BHYT là một chính sách xã hội đặc biệt quan trọng mang tính nhân văn sâu sắc. Nó vừa là một trụ cột cơ bản của chính sách tài chính y tế quốc gia vừa là một trụ cột trong tổng thể chính sách an sinh xã hội với bản chất của một phương thức chia sẻ, tương trợ lẫn nhau trong xã hội tiến bộ, giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh. 

Thủ tướng cho biết, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành y tế, ngành BHXH và sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tỉ lệ người tham gia BHYT tăng nhanh, từ 5,6% dân số năm 1993 lên 63,7% năm 2011 và đến nay là trên 82%. Phạm vi, quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hệ thống thông tin giám định đã liên thông trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong toàn quốc.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của các cấp, các ngành, nhất là những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo hiểm xã hội trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế thời gian qua.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Nhận thức về vai trò của bảo hiểm y tế nhiều nơi còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt. Hiệu quả công tác truyền thông về BHYT còn chưa cao, không ít cán bộ và người dân chưa thấy hết quyền lợi và trách nhiệm tham gia. Một số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm chính sách BHYT cho người lao động. Thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí bằng BHYT còn gây phiền hà, bức xúc cho người bệnh. Sự phối hợp liên ngành trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT chưa tốt; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT chưa được khắc phục gây bức xúc dư luận.

Vì vậy, để phát huy các thành tựu đã đạt được, khắc phục nhanh hạn chế yếu kém, phát triển mạnh mẽ hơn nữa nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, khuyến khích mọi người dân tham gia BHYT, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp:

Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tham gia BHYT theo diện gia đình, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia BHYT; cơ chế quản lý Quỹ BHYT hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm bình đẳng việc khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân.

Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với BHYT và dịch vụ khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức thực hiện; chia sẻ sử dụng thông tin hiệu quả giữa các cơ sở y tế.

Ba là, xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải đóng BHYT theo Luật BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHYT, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.

Bốn là, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại các tuyến y tế cơ sở, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, khám chữa bệnh bằng BHYT, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và giảm tình trạng lãng phí. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, mua sắm sử dụng thuốc và vật tư y tế theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, công khai, minh bạch.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách và pháp luật của BHYT, bảo hiểm xã hội, để người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị, hiểu về lợi ích, trách nhiệm và quyền lợi để chủ động tích cực tham gia BHYT.

Mặc dù có rất nhiều nỗ lực, nhưng hiện nay nước ta vẫn còn gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, trong đó có không ít người yếu thế, gặp khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, với tinh thần tương thân, tương ái, chung tay vì sức khỏe cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nhà hảo tâm, các DN, các tổ chức xã hội, nhiệt tình, thiết thực tham gia hỗ trợ mua và tặng thẻ BHYT cho nững người còn khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau, bệnh tật, giúp người dân tham gia BHYT là giải pháp quan trọng góp phần xây dựng xã hội công bằng, phồn vinh, hạnh phúc.

Đọc thêm