90% tài sản tham nhũng vẫn “vô tư lọt lưới”?

(PLO) - Tình hình phát hiện, xử lý tham nhũng dường như đang “im ắng”, nếu có thì chỉ phát hiện, xử lý được tham nhũng “vặt”, một phần vì dân sợ mà làm ngơ trước hành vi tham nhũng.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 14 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 14 về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014
Đánh giá chung về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014, tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sáng qua (15/9), nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngại khi tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, gây thiệt hại lớn và bất bình trong xã hội nhưng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đang được triển khai còn hình thức, việc phát hiện, xử lý có dấu hiệu giảm và giá trị tài sản thu hồi thấp.
Dân “sợ bị trả thù”
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thừa nhận: “Qua giải quyết đơn thư cho thấy, người dân tố cáo tham nhũng chưa nhiều có nguyên nhân xuất phát từ việc người dân chưa tin vào việc xử lý, giải quyết của các cơ quan chức năng, cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa đáp ứng tình hình nên người tố cáo vẫn có tâm lý sợ bị trả thù”. 
Ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - lo ngại về tính hiệu quả của việc đầu tư tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn còn bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, người dân vẫn có tâm lý “hối lộ để được việc”, coi việc phát hiện, tố cáo tham nhũng là việc của Nhà nước… Đại biểu (ĐB) Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) kiến nghị, Chính phủ phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa để khắc phục tình trạng người dân không tin tưởng vào hiệu quả xử lý nên không tố cáo tham nhũng như phản ánh.
Năm 2014, việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn chậm, số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán chuyển cơ quan điều tra còn ít trong số những vi phạm pháp luật được phát hiện trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội. 
Ông Nguyễn Đình Quyền nhận thấy, “các vụ án tham nhũng lớn ít được phát hiện, xử lý mà chủ yếu là các vụ tham nhũng vặt” mà nguyên nhân là chưa có tiêu chí để đánh giá tình hình tham nhũng, cơ chế xác định trách nhiệm của từng vị trí công tác, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, cơ chế kiểm soát hữu hiệu việc kê khai tài sản, chi tiêu tài sản có giá trị lớn… chưa hiệu quả.
90% tài sản tham nhũng vẫn “vô tư lọt lưới”?
Suy luận này được đưa ra từ báo cáo tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản trong các vụ án tham nhũng vẫn thấp (khoảng 10%). 
Năm 2014, tỷ lệ tài sản do các đối tượng tham nhũng chiếm đoạt thu hồi được cũng mới đạt 11,3% so với tổng số tài sản phải thu hồi, “nhích” không đáng kể so với các năm. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt vấn đề: “Chỉ kiến nghị thu hồi được 10% tài sản tham nhũng, vi phạm thì 90% số tài sản còn lại không được thu hồi, nghĩa là không xử lý triệt để được tội phạm có phải là do kiến nghị thu hồi sai?”. 
Thậm chí, ĐB Bùi Trí Dũng (An Giang) cho rằng, không thu hồi triệt để được tài sản tham nhũng thì sẽ khiến tham nhũng dễ dàng là giải pháp “hy sinh đời bố, củng cố đời con” nên Chính phủ cần đánh giá thêm về nguyên nhân cản trở đến hiệu quả phòng, chống tham nhũng, nhất là trong việc thu hồi tài sản.
Theo lý giải của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạt được tỷ lệ này là do các đối tượng phạm tội tham nhũng thường có nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó, che giấu, tẩu tán tài sản và vì thời gian giải quyết các vụ án tham nhũng kéo dài vì mất thời gian giám định thiệt hại dẫn đến các tài sản là tang vật của vụ án bị hư hỏng, xuống cấp, giảm giá trị khi bán đấu giá, không thu hồi đủ số tiền thất thoát, chiếm đoạt. 
Còn ông Trần Đăng Yến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48), Bộ Công an cho biết, nguyên nhân do thiệt hại ban đầu là ước tính, tài sản đã bị tẩu tán trước khi hành vi tham nhũng bị phát hiện, thi hành án kéo dài nhiều năm, đối tượng trốn ra nước ngoài…
Tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2013 cho thấy, 944.425 người đã kê khai tài sản, thu nhập trên tổng số 952.178 người phải kê khai (đạt 99,2%, tăng 0,7% so với năm 2012). Có 5 người phải xác minh tài sản, thu nhập và 06 người bị xử lý kỷ luật vì chậm tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập và chậm kê khai tài sản, thu nhập. Có 35 người đứng đầu bị kỷ luật (cả hành chính và hình sự) vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Bình Thuận, Bộ VH-TT&DL, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, TCty Hàng hải Việt Nam.

Đọc thêm