Ai đang xé nát dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính?

(PLO) -Sau 6 năm, dự án : Công viên hồ điều hòa Nhân Chính vẫn đang nằm yên bất động và UBND TP Hà Nội đã thu hồi dự án từ tay chủ đầu tư Vina Megastar. Đến thời điểm bây giờ, việc tiến hành tiếp tục dự án trên vẫn đang rất mịt mờ. Và nhiều cá nhân đã được hưởng lợi từ sự chậm trễ đó để kinh doanh thu lời ngay trên khu đất vàng vốn được quy hoạch cho sinh hoạt cộng đồng.
Ai đang xé nát dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính?
Dự án công viên "bánh vẽ"
Năm 2008, Tập đoàn Vina Megastar quảng cáo rầm rộ về dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính mà họ là chủ đầu tư. Trong quy hoạch của UBND TP Hà Nội, đây sẽ là dự án với tổng mức đầu tư hơn 2,5 ngàn tỉ đồng(hơn 100 triệu USD) trên 1 diện tích hơn 13ha với công trình ngầm vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại kết hợp với dịch vụ công cộng trên mặt đất.
Dự án được ấn định khởi công vào cuối năm 2011 và hoàn thành sau 3 năm. Người dân Thủ đô thời điểm đó đã khấp khởi vui mừng vì ngay trong lòng thành phố sẽ có 1 khu vui chơi rộng lớn, hiện đại, và cũng là lá phổi xanh cho Hà Nội với hồ nước rộng đến 8ha.
Công viên hồ điều hòa Nhân Chính vẫn chỉ là cái "bánh vẽ"
 Công viên hồ điều hòa Nhân Chính vẫn chỉ là cái "bánh vẽ"
Tuy nhiên, sau nhiều năm chờ đợi, những gì người dân nhận được chỉ là 1 cái bánh vẽ. Đầu năm 2013, UBND TP Hà Nội đã chính thức thu hồi dự án “Công viên hồ điều hòa Nhân Chính” từ Vina Megastar với lý do đơn vị này không chịu triển khai dự án.
Đáng chú ý, mặc dù được chỉ định là chủ đầu tư của dự án lớn như vậy nhưng Vina Megastar lại là đơn vị có không ít tai tiếng trong thị trường bất động sản. Đơn cử  Dự án Megastar Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội). Đây là dự án được khởi công tháng 2/2009 trên diện tích đất hơn 2.500 m2 tại xã Xuân Đỉnh. Công trình trên được kỳ vọng tạo ra một dòng sản phẩm mới của thị trường bất động sản – căn hộ diện tích trung bình, với giá bán vừa túi tiền. Tuy nhiên, sau vô số những vụ kiện tụng xảy ra, hiện tại đây vẫn là 1 dự án treo.
Ngoài ra, các dự án khác của Vina Megastar cũng đang chỉ là những dự án trên giấy hoặc đang ngổn ngang sắt thép dù đã được khởi động từ nhiều năm nay như Khu công nghiệp Yên Mỹ 2; Dự án Hesco Văn Quán, Dự án chung cư 409 Lĩnh Nam.
Đỉnh điểm bê bối của tập đoàn này là vào ngày 17/5/2013 khi ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐQT bị bắt ngày 17/5 với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng SeaBank.
Cũng từ đây, sự thật về tình hình tài chính của Vina Megastar cũng hé lộ khi công ty này mất cân đối từ lâu, với các khoản nợ từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng của khách hàng, đối tác, ngân hàng… không thể thanh toán.
Cá nhân trục lợi trên đất công cộng
Dự án đã được UBND TP Hà Nội thu hồi và cho đến thời điểm này, vẫn chưa tìm được chủ đầu tư mới để tiếp tục triển khai. Đã có thông tin tháng 5/2013, Tập đoàn Đại dương (Ocean Group) xin vào tiếp quản dự án với lời hứa sẽ đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục để triển khai và hoàn thiện dự án, đưa Công viên vào sử dụng sớm nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ UBND TP Hà Nội.
UBND TP Hà Nội phải có trách nhiệm khi giao cho 1 đơn vị không đủ năng lực thực hiện dự án trên?
 UBND TP Hà Nội phải có trách nhiệm khi giao cho 1 đơn vị không đủ năng lực thực hiện dự án trên?
Dự án vẫn đang bất động và cũng trong thời gian qua, khu đất vàng vốn dành để xây công viên đã bị “xẻ thịt” để phục vụ cho mục đích kinh doanh khác.
Hiện tại, theo quan sát của PLVN Online, có khoảng 10 sân bóng đã được mọc lên trên khu vực xây dựng công viên hồ điều hòa Nhân Chính. Bên cạnh sân bóng là các dịch vụ ăn theo cũng đã mọc lên như trông xe, hàng quán…
Hiện tại, nhiều khu vực xung quanh dự án đang bị rất nhiều máy xúc, máy ủi san lấp để xây dựng công trình. Tuy nhiên, những công trình trên xây dựng để làm gì và của ai thì không ai biết cả.
Cũng chính vì khi vực này xây công viên bị “xẻ thịt” đã kéo theo bao nhiêu phiền toái đối với người dân xung quanh. Đặc biệt, các tuyến đường xung quanh thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc gây bức xúc với người dân xung quanh.
Ai cấp phép để 1 số cá nhân hưởng lợi từ sự chậm trễ của 1 dự án công cộng?
 Ai cấp phép để 1 số cá nhân hưởng lợi từ sự chậm trễ của 1 dự án công cộng?
Rõ ràng, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm lớn trong việc này khi chỉ định một chủ đầu tư không đủ năng lực. Để rồi Dự án về 1 công viên tạo không gian xanh, sạch, đẹp cho Thủ đô sau 6 năm thực hiện vẫn chỉ là 1 dự án trên giấy.
Không những thế, khu vực trên hiện đang trở thành nơi kinh doanh của một số cá nhân. Không rõ, liệu những sân bóng, bãi gửi xe đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động hay chưa. Nhưng rõ ràng, chính quyền quận Thanh Xuân, và xa hơn nữa là UBND TP Hà Nội cần phải trả lời cho câu hỏi: Bao giờ niềm mong mỏi về 1 lá phổi xanh nằm trong lòng thành phố của người dân trở thành hiện thực?; Và tại sao một số cá nhân được phép trục lợi ngay trên diện tích đất vốn dành cho lợi ích của cả cộng đồng?
PLVN Online sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên!

Đọc thêm