Ấm áp nghĩa tình chia sẻ cùng bà con nghèo vùng biên giới, biển đảo

(PLO) - Bên cạnh những cuộc sống đầy đủ, ấm no, còn đó hàng ngàn thậm chí hàng triệu đồng bào, chiến sĩ ở các vùng biên giới, biển đảo phải đương đầu với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, phải chịu cảnh đói nghèo và “thiếu thốn” sự hiểu biết  về pháp luật. Từ đó, cần lắm sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.
Lãnh đạo Báo PLVN, UBND tỉnh Sóc Trăng và các đơn vị đến tham dự chương trình. Ảnh Thành Thật
Lãnh đạo Báo PLVN, UBND tỉnh Sóc Trăng và các đơn vị đến tham dự chương trình. Ảnh Thành Thật

“Tiếp sức” cả vật chất lẫn tinh thần

Thời điểm này, tiết trời bắt đầu se lạnh, cái lạnh của những ngày cuối đông với gió bấc ùa về, làm  lòng người nôn nao đón Tết. Cái lạnh ấy như bao trùm lên toàn bộ không gian xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Từ sáng sớm, hàng trăm bà con, già trẻ lớn bé đều tập trung đông đúc tại trụ sở UBND xã với khuôn mặt háo hức, phấn khởi đến dự chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật hướng về biên giới, biển đảo” do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Toàn cảnh xã Vĩnh Hải như được khoác lên một màu áo mới, một xã nghèo trở nên đông vui, náo nhiệt hẳn lên. Tiếng nhạc, tiếng bà con cười cười nói nói như làm thức dậy cả một vùng quê cằn cỗi.

Tiết mục văn nghệ chào mừng chương trình. Ảnh Thành Thật
Tiết mục văn nghệ chào mừng chương trình. Ảnh Thành Thật

Được biết ngoài việc trao tặng sách, báo tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo cho lực lượng bộ đội biên phòng, bà con nhân dân ở các huyện nghèo, chương trình còn “tiêp sức” hàng trăm phần quà, gạo cho bà con đặc biệt khó khăn. Nhìn hoàn cảnh và sự thiếu thốn về mọi mặt của bà con nơi đây, chúng tôi không cầm được nước mắt. Cuộc sống của họ thật sự khó khăn. Quanh năm phải bươn chải với nắng gió và khổ cực của cuộc đời. Những còn người kham khổ ấy trở nên già dặn và cằn cỗi, không ai có thể nhìn ra được tuổi thật của họ.

Hình ảnh những người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Họ chấp nhận được mọi cực khổ và sự bươn chải nhưng “nghèo vẫn hoàn nghèo”, có người không có được một bộ đồ lành lặn để mặc. Rồi lại có những người quanh năm gắn bó đời mình với công việc làm thuê, làm mướn. Ai mướn gì làm đó, ngày có ngày không, cuộc sống bấp bênh rồi đi vào bế tắc không có lấy một mái nhà lành lặn để che mưa, che nắng.

Những vết hằn thời gian và nắng gió cuộc đời ghi dấu ấn đậm nét trên khuôn mặt khắc khổ với bộn bề những lo toan của cuộc sống. Rồi tương lai của họ sẽ đi về đâu khi con đường phía trước lại là một màu đen mù mịt? Đó là câu hỏi lớn mà họ luôn tự hỏi.

Nếu ai đó bất chợt hỏi họ: “Khát khao lớn nhất của anh chị là gì?”. Thì y như rằng câu trả lời sẽ là một cuộc sống đủ ăn, đủ mặc. Một khát khao nghe có vẻ đơn giản nhưng nhiều người dành cả tuổi thanh xuân, thậm chí cả đời vẫn không có được. Vì lẽ đó, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đối với họ là một niềm vui vô cùng to lớn.

Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
 Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

Cầm tấm phiếu nhận quà trên tay, ai nấy đều phấn khởi. Những khuôn mặt đen xạm đã có thêm sức sống và tươi tỉnh hẳn lên. Nhiều cụ già chân tay run rẩy cũng vui mừng chống gậy đến nhận quà. Những đôi chân run run bước từng bước thật ngắn và thật chậm nhưng vẫn khát khao và đặt trọn niềm tin vào cuộc sống. Họ tin rằng, chương trình này không những hỗ trợ họ những phần quà cần thiết mà còn giúp học có thêm những kiến thức bổ ích về chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là pháp luật về biên giới biển đảo, một vấn đề “nóng” luôn được nhiều người quan tâm.  Đồng thời, tạo động lực, niềm tin giúp học tin  tưởng tuyệt đối vào pháp luật của Nhà nước. 

Tại buổi lễ, ông Đặng Ngọc Luyến, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo PLVN cho biết, “Đề án “Chung tay xóa nghèo pháp luật về biên giới, biển đảo qua ấn phẩm báo chí bằng nguồn kinh phí xã hội hóa” có ý nghĩa rất tích cực trong việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chương trình không chỉ đơn thuần hướng về biển đảo mà còn có vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền đường lối chính sách chủ trương của Đảng, Nhà nước, giúp bạn đọc nắm bắt được sâu rộng hơn về pháp luật”. 

Ông Đặng Ngọc Luyến, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo PLVN phát biểu tại buổi lễ. Ảnh Thành Thật
Ông Đặng Ngọc Luyến, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo PLVN phát biểu tại buổi lễ. Ảnh Thành Thật

Để thực hiện nhiệm vụ ý nghĩa trên, Báo PLVN trao tặng 250 quyển sách “Cẩm nang pháp luật về biển và hải đảo” và 36.000 tờ Báo PLVN (trong thời gian 01 năm) cho 5 đơn vị, gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng; UBND thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng); UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng); Vùng Cảnh sát Biển 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển; UBND huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Đồng thời, trong chương trình, Báo PLVN cũng phối hợp cùng với Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Cần Thơ; Công ty CP Đầu tư xây lắp Miền Nam trao tặng 04 căn nhà cho các gia đình chính sách và hộ nghèo.

Bên cạnh đó, thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, Báo PLVN cùng Đoàn từ thiện của Cô Nga, quận Bình Thủy và doanh nghiệp tại TP Cần Thơ trao tặng 300 phần quà (gần 120 triệu đồng) cho các hộ gia đình nghèo, bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Đó là tất cả tấm lòng của Báo PLVN và các mạnh thường quân trao tặng đến địa phương và bà con nghèo với mong muốn những tài liệu sách báo có giá trị về pháp luật, biên giới và biển đảo này sẽ được phân bố đến từng xã, ấp cho bà con có điều kiện tiếp cận và tìm hiểu những quy định của pháp luật, đặc biệt về biển đảo để có nhận thức và sự hiểu biết đúng đắn, có lối sống lành mạnh, phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, những phần quà đó phần nào chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn với bà con nghèo, Giúp bà con có điều kiện phấn đấu làm ăn vươn lên có cuộc sống đầy đủ ấm no.

Mọi người cùng nhau vận chuyển gạo và các nhu yếu phẩm vào trao cho bà con nghèo. Ảnh Thành Thật
Mọi người cùng nhau vận chuyển gạo và các nhu yếu phẩm vào trao cho bà con nghèo. Ảnh Thành Thật

Cần lắm một mái nhà

Ở góc độ địa phương, ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, công tác tuyên truyền Hiến pháp, pháp luật là công tác hết sức quan trọng và cần phải nghiêm túc thực hiện. Theo đó, đề nghị các sở, ban, ngành tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đúng đắn và toàn diện về vai trò, ý nghĩa của chương trình, nhất là các địa phương vùng biên giới, biển đảo như Vĩnh Châu, Trần Đề, Cù Lao Dung. Mỗi cán bộ, chiến sỹ, đảng viên cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, chủ động tìm hiểu, học tập, nâng cao nhận thức, hiểu biết về Hiến pháp và pháp luật. Người dân chủ động, tích cực tìm hiểu về Hiến pháp và pháp luật để tự giác thi hành, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật.

Thông qua chương trình, pháp luật đã tiến thêm một bước nữa đến gần hơn với bà con nghèo, đặc biệt là bà con vùng biên giới, biển đảo còn thiếu thốn về mọi mặt. Lúc này, pháp luật đã thực sự tiến sâu vào cơ sở, đi sâu vào từng ấp, từng xã, thậm chí là từng nhà của các hộ dân. Nhờ đó, nâng cao hiểu biết và nhận thức của bà con giúp họ ý thức và điều chỉnh hành vi, việc làm của mình tuân thủ đúng quy định của pháp luật, có cuộc sống lành mạnh, chí thú làm ăn, ổn định đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Đặng Ngọc Luyến, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN trao tặng sách, báo tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo các đơn vị. Ảnh Thành Thật
Ông Đặng Ngọc Luyến, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN trao tặng sách, báo tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo các đơn vị. Ảnh Thành Thật

Là 1 trong 4 hộ gia đình nhận nhà tình thường từ chương trình, chị Thạch Thị Diện (ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu,  tỉnh Sóc Trăng) xúc động chia sẻ: “Từ khi xã cho biết Báo PLVN đến tổ chức chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” và sẽ trao tặng nhà tình thương cho vợ chồng tôi thì tôi mong chờ hàng ngày, trong lòng lúc nào cũng nôn nao mong ngày đó mau đến ngày đó, vui không biết phải nói như thế nào”.

Nghe chị kể lại câu hỏi của đứa con trai lớn (mới học lớp 2) khiến cổ họng chúng tôi nghẹn lại, không nói nên lời: “Mẹ ơi! Có nhà mới là nhà mình không còn ngập nước nữa phải không mẹ? Nhà không còn dột nữa phải không mẹ? Em ngủ không còn bị ướt mưa nữa hả mẹ?”. Nghe con hỏi mà chị không khỏi xót xa. Tin chắc rằng không chỉ riêng chị mà tất cả mọi người ai cũng đều xúc động khi nghe con mình hỏi những câu tương tự như thế. Câu hỏi rất ngô nghê nhưng chạm đến trái tim biết bao người. Nói về hoàn cảnh gia đình mình, chị cho biết, 2 vợ chồng 3 đứa con (trong đó có 1 đứa bị tật câm điếc) sống trong một căn nhà lụp xụp, đồ đạc chẳng có gì, mọi thứ chỉ là tạm bợ

Ông Trần Đức Vinh- Chủ tịch Công đoàn báo PLVN - và ông Dương Quốc Việt Giám đốc Sở TT&TT Sóc Trăng trao nhà tình thương cho 2 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh Thành Thật
Ông Trần Đức Vinh- Chủ tịch Công đoàn báo PLVN - và ông Dương Quốc Việt Giám đốc Sở TT&TT Sóc Trăng trao nhà tình thương cho 2 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh Thành Thật

Chẳng biết mưa bão sẽ cuốn đi bất cứ lúc nào. Hằng ngày 2 vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống nhưng chẳng thấm vào đâu, gia đình ngày càng khó khăn. Mơ ước lớn nhất chỉ là có được một căn nhà che nắng che mưa. Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực. “Cả đêm hôm qua 2 vợ chồng mừng không ngủ được. Hôm nay, cả gia đình đã thức từ sáng sớm để đến UBND xã nhận bảng trao tặng nhà với niềm vui khôn tả xiết”, chị Diện chia sẻ mà không cầm được những giọt nước mắt vui mừng.

Bên cạnh đó, hình ảnh những cụ ông, cụ bà, những người mù đi nối hàng với nhau để khỏi lạc để lên sân khấu nhận quà đã làm nhiều người nghẹn ngào. Nhiều bà cụ lớn tuổi không cầm nổi 15kg gạo và các nhu yếu phẩm đã phải mượn xe đạp của hàng xóm để đi chở gạo đem về làm chúng tôi không khỏi xót xa. Bà Thạch Thị Ba (người dân ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải) xúc động cho biết, “Tuổi già sức yếu không làm gì ra tiền, cuộc sống rất khó khăn, nhờ các nhà hảo tâm đến trao tặng phần quà, gạo cuộc sống gia đình trong thời gian sắp tới sẽ phần nào giảm bớt khó khăn, Tết nhất cũng không còn lo lắng nhiều”. Bên cạnh đó, chị Lê Thị Nguyệt (người dân ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải) cũng bày tỏ sự vui mừng và sự biết ơn đối với Báo PLVN và các nhà tài trợ, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ bà con nghèo.

Ông Đặng Ngọc Luyến, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN (thứ 2 từ trái sang) và ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa cho các nhà tài trợ, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã hỗ trợ chương trình. Ảnh Thành Thật
Ông Đặng Ngọc Luyến, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo PLVN (thứ 2 từ trái sang) và ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa cho các nhà tài trợ, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã hỗ trợ chương trình. Ảnh Thành Thật

Để chương trình được diễn ra tốt đẹp, bên cạnh sự nỗ lực của PLVN còn có sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương và sự chung tay góp sức, đồng hành của các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao tặng biểu trưng của chương trình và thư cảm ơn cho các nhà tài trơ. Hành động này thể hiện sự tri ân và biết ơn của Ban Tổ chức, chính quyền địa phương và toàn thể người dân nhận hỗ trợ gửi đến tấm lòng hảo tâm của các công ty, doanh nghiệp và các mạnh thường quân.

Đại diện Báo PLVN, UBND tỉnh Sóc Trăng và các Sở ban ngành chụp ảnh lưu niệm. Ảnh Thành Thật
Đại diện Báo PLVN, UBND tỉnh Sóc Trăng và các Sở ban ngành chụp ảnh lưu niệm. Ảnh Thành Thật

Nếu xã hội có nhiều những mạnh thường quân, các nhà hảo tâm sẵn sàng dang rộng đôi tay giúp đỡ cho bà con nghèo như thế, thì cuộc sống của bà con phần nào giảm bớt khó khăn, có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình.

Trước đó, chiều 15/12, Đoàn công tác của Báo PLVN đã đến thăm và làm việc với Trường Trung cấp Luật Vị Thanh. Thay mặt tập thể công nhân viên Nhà trường, ông Nguyễn Văn Phụng, Hiệu trưởng Trường TC Luật Vị Thanh phấn khởi cho biết, những năm qua, hàng ngàn lượt học sinh của Trường đã tốt nghiệp ra trường với chất lượng đạt yêu cầu, góp phần bổ sung nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp có chất lượng cho Hậu Giang và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từng bước khẳng định được vị thế giáo dục của Trường.

Phó Tổng Biên tập thường trực Báo PLVN thăm hỏi cán bộ, nhân viên Trường Trung cấp Luật Vị Thanh.
Phó Tổng Biên tập thường trực Báo PLVN thăm hỏi cán bộ, nhân viên Trường Trung cấp Luật Vị Thanh.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo các đối tượng học viên, Nhà trường đã đi tiên phong trong liên kết với Học viện tư pháp mở lớp đào tạo các lớp chức danh tư pháp (nghiệp vụ Luật sư, nghề công chứng…) với các cơ sở giáo dục khác mở các lớp Đào tạo sau Đại học, Đại học. Đặc biệt, ngoài việc đào tạo Trung cấp luật, Trường còn tham gia nghiên cứu khoa học, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật trong cộng đồng.

Trường TC Luật Vị Thanh không đào tạo chạy theo số lượng mà buông lỏng kiểm soát chất lượng. Nhà trường luôn quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn hoàn thiện cho học viên; không ngừng nâng cao chất lượng tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, xứng đáng với sự tin tưởng mà Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã giao. Khẳng định vai trò là ngôi trường đào tạo những cán bộ Tư pháp trong tương lai cho cả vùng ĐBSCL... - Ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Luyến – Bí thư Đảng ủy – Phó Tổng Biên tập thường trực Báo PLVN đánh giá cao những nỗ lực mà tập thể Lãnh đạo, công viên chức Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đạt được trong thời gian qua. Mong rằng trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa; đồng thời, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh phối hợp tốt cùng với Báo PLVN trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại khu vực ĐBSCL. Thay mặt Đoàn công tác Phó Tổng Biên tập thường trực Báo PLVN cám ơn sự đón tiếp buổi thăm và làm việc của Lãnh đạo Nhà trường.

Đọc thêm