Ấn Độ quyết tâm hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng

Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi (Narendra Modi) mới đây đã khuyến khích nước này tự sản xuất thiết bị quốc phòng và xuất khẩu thiết bị quân sự. Động thái này một lần nữa khẳng định quyết tâm hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng của tân Thủ tướng Ấn Độ, coi đây là một trong những hướng phát triển kinh tế của quốc gia Nam Á này…
Tên lửa đạn đạo chiến lược Agni-5 với tầm bắn 5000km do Ấn Độ sản xuất. Ảnh: inquirer.net
Tên lửa đạn đạo chiến lược Agni-5 với tầm bắn 5000km do Ấn Độ sản xuất. Ảnh: inquirer.net
Phát biểu với các binh sĩ biên phòng Ấn Độ tại Xri-na-ga khi tới thăm bang Gia-mu Ca-sơ-mia ngày 4-7, Thủ tướng N.Mô-đi nhấn mạnh việc tự lực về sản xuất thiết bị quốc phòng là cần thiết nhằm bảo vệ đất nước khỏi bất cứ mối đe dọa nào. “Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức “giữ nụ cười” cho các chiến sĩ biên giới để họ bảo vệ tổ quốc tốt hơn”, ông N.Mô-đi nói. Ông cũng bảo đảm với các binh sĩ biên phòng Ấn Độ rằng chính phủ sẽ quan tâm đến những nỗi bận tâm của họ và sẽ tiến hành mọi biện pháp làm cho cuộc sống của họ tốt hơn.
Phát biểu trên của Thủ tướng N.Mô-đi một lần nữa khẳng định quyết tâm của ông đưa Ấn Độ từ một nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới thành quốc gia xuất khẩu vũ khí. Trước đó, ngay từ khi còn làm Thủ hiến bang Giu-gia-rát, ông N.Mô-đi đã nói đến sự cần thiết phải tự lực trong sản xuất thiết bị quốc phòng và đưa Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu mặt hàng này. 
Một tuần sau khi nhậm chức, Thủ tướng N.Mô-đi đã đưa ra đề xuất cho phép các công ty nước ngoài sở hữu 100% vốn trong các doanh nghiệp quốc phòng. Đề xuất trên cần phải được thảo luận và chính phủ thông qua, nhưng với việc đảng của ông N.Mô-đi đang chiếm đa số trong Quốc hội, khả năng được thông qua là khá dễ dàng. Nếu được thông qua, đề xuất này sẽ đánh dấu một bước tiến của chính quyền mới, đó là giúp đất nước thu hút hàng tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp quân sự.
Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất toàn cầu, bỏ xa hai đối thủ trong khu vực là Trung Quốc và Pa-ki-xtan, nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai và thứ ba. So với giai đoạn 2003-2008, nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ đã tăng tới 111% trong 5 năm qua (2008-2013), chiếm 14% tổng giá trị nhập khẩu vũ khí trên toàn thế giới.
Tờ Nhật báo Phố Uôn (Mỹ) phân tích, sở dĩ Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu vũ khí là do ngành công nghiệp quốc phòng nước này hiện thu hút được rất ít vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ hiện vẫn bị chi phối bởi các công ty địa phương do nhà nước quản lý, vốn thường bị chỉ trích về chất lượng và chậm trễ trong việc giao hàng, khiến các lực lượng vũ trang nước này phải phụ thuộc chủ yếu vào các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Mãi cho đến năm 2001, Niu Đê-li mới bắt đầu mở cửa hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này cho các công ty tư nhân trong nước. 
Các công ty nước ngoài cũng được phép đầu tư, nhưng chỉ chiếm tối đa 26% trong các liên doanh quốc phòng. Ví dụ như Tập đoàn công nghệ quốc phòng lớn nhất của Anh BAE Systems, hay Tập đoàn Lockheed Martins (Mỹ) chỉ có thể tiếp cận thị trường Ấn Độ thông qua một số ít cổ phần trong liên doanh với các công ty Ấn Độ. Điều đáng nói là, hầu hết các nhà sản xuất nước ngoài đều không muốn chia sẻ công nghệ độc quyền khi mà họ chỉ được sở hữu số vốn thấp như thế. 
“Nếu mọi thứ được dỡ bỏ, chúng tôi được phép liên doanh, sở hữu nhiều cổ phần hơn thì mới có thể phát triển ngành công nghiệp quốc phòng rộng lớn hơn”, ông Y-vơ Gui-lô-mê (Yves Guillaume), Chủ tịch Airbus tại Ấn Độ nói. Còn ông RK.Ty-a-gi (RK Tyagi), Chủ tịch của Hindustan Aeronautics, Công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng lớn nhất Ấn Độ, cho biết việc tăng giới hạn đầu tư nước ngoài sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ.
Ngay sau khi đề xuất hiện đại hóa và mở cửa ngành công nghiệp quốc phòng của Thủ tướng N.Mô-đi được đưa ra, Niu Đê-li đã đón một loạt các chính khách hàng đầu của Pháp, Mỹ và Anh tới để thảo luận về cơ hội hợp tác, buôn bán và đầu tư vào ngành vũ khí. 
Theo đó, Ngoại trưởng Pháp Lô-răng Pha-bi-út (Laurent Fabius) đã đến Ấn Độ ngày 30-6 và ưu tiên hàng đầu của ông là để chốt lại hợp đồng bán 126 máy bay chiến đấu Rafale trị giá khoảng 15 tỷ USD cho Niu Đê-li. Thượng Nghị sĩ Mỹ Giôn Mác-kên (John McCain) cũng có mặt tại xứ sở cà-ri trong tuần qua. Ông Giôn Mác-kên cho rằng "khả năng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước, đặc biệt là ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ có thể mang đến cho Ấn Độ nhiều lợi ích to lớn".
Dự kiến, ông N.Mô-đi sẽ thăm Mỹ vào tháng 9 tới, gặp gỡ Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama). Các nhà phân tích cho biết cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này sẽ là cơ hội để thảo luận những biện pháp làm sâu sắc thêm mối quan hệ về quân sự và đầu tư.

Đọc thêm