'Ăn rừng, ngủ núi' bảo vệ rừng ươi

(PLO) - Chỉ cần đi vào rừng hái, nhặt trái ươi 1 tháng, thu nhập cao hơn ở nhà làm rẫy cả năm nên nhiều người ở Nam Giang, Quảng Nam bỏ rẫy kéo nhau vào rừng hái ươi. Có người còn hạ cả cây để lấy trái, vì vậy cứ đến mùa thu hoạch quả ươi, các cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắc Pring, BĐBP Quảng Nam lại “ăn rừng, ngủ núi” để vận động nhân dân không chặt hạ cây ươi, giữ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường. 
Đồn BP Đắc Pring dựa vào đội ngũ già làng, trưởng bản để vận động nhân dân chấp hành pháp luật.
Đồn BP Đắc Pring dựa vào đội ngũ già làng, trưởng bản để vận động nhân dân chấp hành pháp luật.

Tổ trưởng bảo vệ rừng thuộc lòng Luật Biên giới quốc gia

Giữa tháng 7 đang là mùa thu hoạch trái ươi (một loại quả rừng được thương lái thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc làm thuốc), nên người dân bản địa cũng như người dân ở khắp nơi đổ về để “săn” ươi nên xã Đắc Pring, huyện Nam Giang lúc nào cũng có những đoàn người với ba lô, túi xách, lương thực, thuốc men nặng trĩu trên lưng vội vã đi sâu vào cánh rừng già. Thiếu tá Nguyễn Trí Tài - Chính trị viên Đồn BP Đắc Pring cho biết: “Cây ươi (hay cây đười ươi) chỉ mọc ở miền Nam, không có ở miền Bắc. Trong sách y học cổ truyền, hạt ươi có công dụng chữa khàn tiếng, tắt tiếng, da khô do nóng nhiệt, chữa ho...  

Trong số 8 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, chỉ có Bắc Trà My, Nam Trà My và huyện biên giới Nam Giang là còn nhiều cây ươi hơn cả. Từ giữa tháng 5 đến hết tháng 7 hàng năm, cây ươi cho quả già, chín và rơi rụng theo những cơn gió nên nhiều người còn gọi là “ươi bay”. Quả ươi chất lượng tốt có giá khá cao, từ 150.000 đồng tới trên 250.000 đồng/kg. Một người dân đi thu lượm quả ươi mỗi ngày, trung bình cũng được gần 10kg, đây là một nguồn thu nhập khá cao đối với người dân địa phương.”.  

Theo chân Thiếu tá Lê Văn Thắng, Thượng úy Hiên Vững - những cán bộ Đội vận động quần chúng lâu năm của Đồn BP Đắc Pring, chúng tôi vào rừng ươi. Ở đầu bản Pê Ta Bóc, chúng tôi gặp vợ chồng ông Kring Vây và một thanh niên trong làng đi rẫy sớm. Ông Kring Vây tự giới thiệu: “Trước đây mình làm Trưởng thôn, bây giờ là Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc thôn kiêm chức Tổ trưởng bảo vệ rừng...”. Chỉ vào chúng tôi, ông Kring Vây bảo, mấy anh nếu không đi cùng các cán bộ của Đồn BP Đắc Pring thì phải trình giấy để mình còn đi báo cho BĐBP biết có người lạ mặt vào khu vực biên giới... Chúng tôi cùng cười, vì nếu ông Kring Vây đi bộ về đến tận Đồn BP để báo cáo, thì đến ngày hôm sau, chúng tôi mới vào được rừng.

“Hôm nay đi vào rừng cùng BĐBP thì vui rồi, mình mang theo rượu tà vạt đây (rượu lấy từ nhựa cây đoác), phải uống với mình một ly...”. Nói rồi, ông Kring Vây dùng cây rựa đang cầm trên tay chặt một ống nứa khô bên hàng rào rồi rót rượu tà vạt từ can nhựa sang, đưa chúng tôi mỗi người uống một ly. Ông Kring Vây bảo: “Rượu tà vạt uống không say đâu, chỉ vui thôi. Uống xong, mình lại có sức đi khắp rừng, khắp núi xem có người lạ mặt vào rừng của thôn không, có ai chặt phá cây rừng lấy ươi không, hay đến bắn con gấu, con nai. Mình là cánh tay giúp bộ đội giữ gìn biên giới...”.

Ông Kring Vây là người dân tộc Giẻ Triêng, năm nay gần 70 tuổi rồi nhưng có trí nhớ rất tốt. Ông chỉ cần đọc một bài báo hay một trang sách nào đó là có thể nhớ từng câu, từng chữ, thậm chí từng dấu chấm, dấu phẩy... Để chứng minh cho điều vừa nói, Thiếu tá Thắng đề nghị ông Kring Vây đọc một đoạn trong Luật Biên giới quốc gia và Quy chế khu vực biên giới mà bộ đội mới phổ biến tuyên truyền mấy tháng trước. Chẳng phải đợi lâu, ông Kring Vây đọc vanh vách từng điều luật như đang cầm sách đọc vậy.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắc Pring tuần tra bảo vệ rừng đầu nguồn.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắc Pring tuần tra bảo vệ rừng đầu nguồn. 

Huy động sức mạnh lòng dân

Trên đường vào khu rừng do thôn Pê Ta Bóc nhận quản lý, bảo vệ và chăm sóc, Tổ trưởng bảo vệ rừng Kring Vây cho biết, trước đây, người dân chỉ đợi ươi chín rơi xuống đất rồi thu hoạch. Nay do giá hạt ươi mỗi lúc một tăng nên nhiều người dân thấy có tiền là bất chấp tất cả, đổ xô vào rừng hái cả ươi non theo kiểu tận diệt, có khi đốn cả cây để thu hoạch. Nếu không bảo vệ rừng được tốt, trong tương lai cây ươi sẽ cạn kiệt và khan hiếm.

Để ngăn chặn tình trạng “chặt ươi hái trái” đang diễn ra rầm rộ ở một số nơi, Đồn BP Đắc Pring thường xuyên cử các đội công tác xuống dưới từng bản làng để phổ biến cho nhân dân về những nội quy, quy định bảo vệ rừng. Theo đó, chỉ cho phép bà con từ các huyện đồng bằng lên thu mua ươi và người dân ở địa phương thu hoạch ươi ở vùng biên giới, nhưng tuyệt đối cấm mọi hành vi chặt phá cây ươi để lấy quả, mà chỉ được nhặt quả ươi chín đã rụng xuống gốc cây, đây cũng là loại quả ươi đạt chất lượng tốt nhất.

Bên cạnh đó, Đồn BP Đắc Pring còn dựa vào đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ để vận động nhân dân chấp hành các qui định trong mùa thu hoạch hạt ươi; vận động nhân dân tố giác các hành vi chặt phá rừng, đốn hạ cây ươi để lấy trái...

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra mùa thu hoạch quả ươi vừa qua, để đấu tranh ngăn chặn tình trạng người dân chặt phá rừng diễn ra phức tạp ở khu vực rừng bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, có một diện tích lớn nằm trong khu vực biên giới, Đồn đã triển khai 5 đợt truy quét với hơn 90 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, đẩy đuổi hơn 300 đối tượng, phá hủy nhiều lán trại và tịch thu nhiều máy móc dùng để chặt hạ cây ươi bảo vệ rừng đầu nguồn. Vùng biên cương yên bình nhưng vẫn còn nhiều gian khó, những bước chân âm thầm của người lính Biên phòng không bao giờ ngơi nghỉ. 

Đọc thêm