"Bài toán" khó về ngân sách cho cán bộ xã

(PLO) - Các địa phương đang có xu hướng biến thiết chế trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố thành một cấp chính quyền tại cấp xã. Theo đó bài toán ngân sách chi trả cho các đối tượng này vẫn còn nan giải. Đây là những nhận định đáng chú ý được rút ra từ Dự án điều tra cơ bản mà Bộ Tư pháp tiến hành nhằm đánh giá thực trạng thi hành Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007.
Trưởng thôn biến thành một cấp chính quyền
Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Hiển chia sẻ, tình trạng hành chính hóa, biến thiết chế trưởng thôn trở thành một cấp chính quyền cơ sở đang có xu hướng phát triển. Nhiều công việc lẽ ra phải do chính quyền cấp xã thực hiện đang bị đẩy về cho trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố như việc thu thuế, thu phí, việc xác minh các thủ tục hành chính…, cách thức tổ chức và hoạt động của thiết chế này cũng đang từng bước hành chính hóa và theo các khuôn mẫu chung khá cứng nhắc.
Nghĩa là không có sự phân biệt giữa các vùng, miền, địa phương, không có sự phân biệt giữa đô thị, nông thôn và dân tộc thiểu số, trong khi thực tế công việc của già làng/trưởng bản rất khác so với người đồng nhiệm ở miền xuôi và đô thị.
Cần những quy định, chính sách cụ thể hơn cho cán bộ cấp xã. Ảnh minh họa
 Cần những quy định, chính sách cụ thể hơn cho cán bộ cấp xã.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ trưởng thôn còn nhiều bất cập, nhiều trưởng thôn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó không ít trưởng thôn chỉ học hết lớp 4… Là cầu nối giữa nhân dân và chính quyền, trưởng thôn phải tiếp thu khối lượng thông tin rất nhiều từ dân số - kế hoạch hóa gia đình, kỹ thuật sản xuất đến tuyển nghĩa vụ quân sự, phòng chống tệ nạn xã hội… Chưa kể phải giải quyết những việc phát sinh đột xuất như tranh chấp đất đai, cờ bạc, trộm cắp, rượu chè bê tha, đánh nhau… xảy ra trong thôn, tổ dân phố.
Đứng trước thực tế ấy, nhiều trưởng thôn lúng túng và mỗi người xử lý công việc theo cách khác nhau nên chất lượng, hiệu quả không cao. Từ sự nhận thức không đúng về pháp luật, về trách nhiệm nên không ít trưởng thôn đã lạm quyền. Chẳng hạn, tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội có trường hợp trưởng thôn đã tự cho mình quyền cắt đất công ra bán, đấu thầu hoặc xẻ đất cho thuê trái phép, cho phép lập ba-ri-e ở đường đi chung để thu tiền phương tiện qua lại.
Vì vậy, dư luận đang đặt ra hàng loạt câu hỏi: thiết chế thôn/tổ dân phố có vị trí như thế nào trong mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở hay là thiết chế tự quản tại cơ sở, có nhất thiết cách thức tổ chức, trình tự hình thành, địa vị pháp lý thiết chế này ở tất cả các vùng, miền, địa phương là như nhau hay không? 
Trước các câu hỏi trên, ông Hiển kiến nghị phải thay đổi các quy định về tỷ lệ trúng cử trưởng thôn cho phù hợp với tình hình thực tế; quy định cụ thể hơn nữa số lượng phó thôn, tổ phó tổ dân phố; ghi nhận quy mô cụm/khu dân cư, các vấn đề về cán bộ của cụm/khu dân cư… Ngoài ra, điều quan trọng là tiếp tục bổ sung các quy định kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của trưởng thôn nhằm phát hiện kịp thời những lệch lạc, sai sót trong quá trình hoạt động của trưởng thôn, bảo đảm quyền làm chủ, quyền lợi của người dân ở cấp xã.
Bài toán ngân sách không có lời giải hoàn hảo
Cũng theo kết quả của Dự án, cả nước hiện có hơn 11 nghìn xã, phường, thị trấn với gần 130 nghìn thôn, ấp, bản, tổ dân phố… và rất nhiều chức danh cán bộ từ trưởng thôn, phó trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể chính trị (Mặt trận Tổ quốc, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Thanh niên, Nông dân…) và một số chức danh khác (Hòa giải viên nhân dân, Thanh tra nhân dân…). Đội ngũ cán bộ này làm rất nhiều công việc ở cơ sở và được hưởng lương/phụ cấp từ ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, thực tiễn pháp luật và thực tiễn thi hành còn có một số hạn chế. Cụ thể là, các văn bản pháp luật hiện hành giao rất nhiều công việc cho đội ngũ cán bộ trên; có quy định phụ cấp đối với một số chức danh (hạn chế số chức danh và mức kinh phí rất khiêm tốn) và một số chức danh không có phụ cấp (như phó thôn). 
Vấn đề ở chỗ, các cán bộ trên sinh ra để thực hiện công việc của Đảng/Nhà nước hay thực hiện các công việc của cộng đồng với tư cách là đại diện cho các thành viên trong cộng đồng cơ sở mà trong thực tế họ đang đảm nhiệm cả hai. Song nếu họ thực hiện công việc thay/hỗ trợ hoặc theo ủy quyền của chính quyền cơ sở thì phải được hưởng lương hoặc phụ cấp hoặc một số quyền lợi nào đó (ví dụ quyền được bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…). Có điều rất khó phân định khi nào họ thực hiện công việc của chính quyền, khi nào họ là thiết chế đại diện cho cộng đồng và bài toán ngân sách có lẽ không bao giờ có đủ để chi trả cho đội ngũ cán bộ vô cùng đông đảo này.

Đọc thêm