Bản hùng ca bất tử và những đòi hỏi của cuộc sống

(PLO) - Hôm nay ngày 19/12/2016, cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Ngày này năm xưa sau những phát súng mở đầu ở Thủ đô, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (TQKC) của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Bản hùng ca bất tử và những đòi hỏi của cuộc sống

Với tinh thần yêu chuộng hòa bình, mong muốn giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhân nhượng, kiềm chế, đàm phán với chính quyền Pháp, nhằm tránh cuộc chiến tranh xảy ra nhưng không thành công. “Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.

Trước tình hình đó, để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi TQKC. Người chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Việt Nam có một nền văn hóa dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước. Nhờ đó mà dưới ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, dân tộc ta không hề bị đồng hóa và cuối cùng vùng lên giành lại nền độc lập. Dân tộc ta đã từng đánh thắng mọi kẻ địch xâm lược lớn mạnh hơn nhiều lần. Trong thời đại Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một áng hùng văn kiệt xuất. Tiếp đó, Lời kêu gọi TQKC là một áng hùng văn mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm và kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ. 

Lời kêu gọi TQKC cách đây đã 70 năm, nhưng lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Bác Hồ vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, trong ý thức bảo vệ Tổ quốc của thế hệ hôm nay và mai sau. Lời thề thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc cùng với ý chí, hành động đánh giặc cứu nước của dân tộc ta đã để lại bài học quý giá; đồng thời là lời cảnh báo cho các thế lực xâm lược. Khi Tổ quốc Việt Nam bị xâm lăng, cả dân tộc ta sẽ đứng lên chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần, khí phách này đã đi vào lịch sử dân tộc Việt như một bản anh hùng ca bất tử, soi rọi vào công cuộc đổi mới và hội nhập hôm nay.

Đối với Hà Nội, càng tự hào với lịch sử của 60 ngày đêm kháng chiến bảo vệ Thủ đô, nhân dân càng mong đợi tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới và sáng tạo của lãnh đạo thành phố; làm sao cho Hà Nội xứng đáng với truyền thống văn hiến, Thủ đô Anh hùng - thành phố vì hòa bình. Đây cũng là đòi hỏi của lịch sử.

Mong mỏi lắm thay!

Đọc thêm