Băn khoăn về đối tượng và thời điểm thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

(PLO) - Theo dự kiến, ngày mai (22/11), Quốc hội (QH) sẽ bỏ phiếu Biểu thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Qua thảo luận, đa số các Đại biểu (ĐB) QH đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết này. Song, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc về đối tượng áp dụng cũng như thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết.
Băn khoăn về đối tượng và thời điểm thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

Cấp thị thực bằng phương tiện điện tử

Theo Dự thảo Nghị quyết của QH về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Người nước ngoài được giải quyết cấp thị thực điện tử sẽ truy cập Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để in thị thực.

Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH — cơ quan thẩm tra Dự thảo Nghị quyết nhất trí về sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ cho rằng, việc thí điểm để tiến tới áp dụng hình thức thị thực điện tử đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị, pháp lý, đối ngoại mà còn tác động trực tiếp, tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội, nhất là khi nước ta đang chủ động hội nhập quốc tế; tiến tới bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi và tiết kiệm trong việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. 

Ngoài ra còn đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

Về nội dung của Dự thảo Nghị quyết, Ủy ban thẩm tra nhận định các nội dung của dự thảo Nghị quyết đã phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng về hội nhập quốc tế; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự thống nhất với các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật; cơ bản không trái với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đối tượng quá rộng?

Tuy nhiên, về đối tượng áp dụng của Dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, việc quy định đối tượng áp dụng thí điểm là tất cả người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là quá rộng và sẽ đặt ra thách thức không nhỏ đối với hoạt động quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; điều kiện về nhân lực, vật lực của nước ta trên thực tế còn nhiều khó khăn.

Do vậy, Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định về đối tượng điều chỉnh theo hướng thí điểm áp dụng với công dân một số quốc gia nhất định theo nguyên tắc có đi có lại (với những nước đã áp dụng thị thực điện tử với công dân Việt Nam) hoặc với các nước có quan hệ truyền thống hữu nghị với Việt Nam.

Việc xác định đối tượng điều chỉnh và lộ trình thực hiện như vậy vừa bảo đảm thận trọng, phù hợp với tính chất của việc thí điểm, vừa phù hợp với việc “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết cấp thị thực, tiến tới thực hiện việc cấp thị thực điện tử” theo Chương trình quốc gia của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, đảm bảo về thời gian giúp Chính phủ tập trung chuẩn bị về nhân lực, vật lực để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. 

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết, ĐB Hồ Văn Thái (Kiên Giang) nhất trí với quan điểm của Ủy ban thẩm tra cho rằng quy định về đối tượng áp dụng như trong dự thảo quá rộng. ĐB Thái đề nghị quy định đối tượng hẹp lại, có thể ưu tiên, áp dụng cho đối tượng khách du lịch, khách vào Việt Nam để khảo sát thị trường tìm cơ hội đầu tư với một số nước truyền thống hoặc một số quốc gia đã có ký kết quan hệ hợp tác với Việt Nam. “Quy định như vậy vừa đảm bảo tính thận trọng, chặt chẽ nhưng cũng phù hợp với quan điểm xây dựng nghị quyết là thực hiện thí điểm” — ĐB Thái nói.

Chú ý các “lỗ hổng” về an ninh

Trong khi đó, ĐB Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên Huế) lo lắng thị thực điện tử có nguy cơ gây ra một “lỗ hổng” về an ninh quốc gia vì người xin cấp thị thực điện tử không phải đến trực tiếp cơ quan đại diện ở nước ngoài để xin phỏng vấn hoặc không phải kiểm tra trực tiếp vào hộ chiếu nên việc kiểm tra những đối tượng xấu, khai báo sai thông tin, dữ liệu, ngụy trang mục đích nhập cảnh là rất khó để xác minh.

Cùng chung nhận định trên, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) còn cho rằng việc cấp thị thực như vậy cũng đặt ra những lo ngại về độ an toàn và bảo mật thông tin mạng. “Thời gian qua đã xảy ra một số cuộc tấn công mạng tinh vi và mở rộng. Vừa rồi, chúng ta đã chứng kiến việc tấn công mạng vào hệ thống máy phần mềm của các sân bay. Do đó, nguy cơ về an ninh mạng rất đáng quan tâm vì các thông tin, giao dịch về tiền đều thực hiện qua mạng” — ông phân tích.

Với những lo ngại về việc bảo đảm tính bảo mật thông tin cá nhân và bảo đảm an ninh quốc gia, ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La) đề nghị cơ quan triển khai thực hiện việc cấp thị thực điện tử cần có những giải pháp về mặt kỹ thuật cần thiết hơn nữa để bảo đảm an ninh quốc gia, các mục đích trái pháp luật. 

ĐB này đề xuất Chính phủ cân nhắc nên thực hiện thí điểm ở một số khâu trong việc cấp visa bằng điện tử mà  không thực hiện hoàn toàn các khâu. “Theo tôi được biết, hiện nay không nhiều các nước thực hiện việc cấp thị thực điện tử. Họ cũng chỉ ứng dụng ở một số khâu như việc khai nộp. Ví dụ, nước Úc yêu cầu cá nhân đề nghị cấp trình diện tại cơ quan có thẩm quyền, làm như vậy vừa thuận tiện cho cá nhân có nhu cầu và giúp các cơ quan nhà nước loại trừ các trường hợp nhập cảnh vì mục đích vi phạm pháp luật” — ông nói.

Cân nhắc thời điểm có hiệu lực thi hành

Một số ĐB cũng bày tỏ không đồng tình với quy định về thời điểm có hiệu lực thi hành Nghị quyết là từ ngày 1/1/2017.

ĐB Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên Huế) cho rằng về cơ sở hạ tầng, nước ta mới có 31/61 cửa khẩu quốc tế đường bộ và cảng biển kết nối được điện tử, đường truyền. Còn lại 30 cửa khẩu và cảng biển chưa có kết nối đường truyền. Mặt khác, khi triển khai việc cấp thị thực phải có công tác tuyên truyền, tập huấn, đảm bảo các trang thiết bị, các biểu mẫu xây dựng các dữ liệu kiện toàn lực lượng... nên nếu được QH thông qua cho phép ngày 1/1/2017 triển khai thì thời gian chỉ còn hơn 1 tháng. “Tôi thấy thời gian đó quá ngắn để ta làm công việc triển khai. Thời gian triển khai Ủy ban soạn thảo nghiên cứu, như thế quá vội để làm” — ĐB này nêu quan điểm.

ĐB Hồ Văn Thái (Kiên Giang) cũng cho rằng thời gian bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2017 là chưa hợp lý vì quá gấp, quá cận, trong khi đó vấn đề này là hoàn toàn mới mẻ và rất hệ trọng, có liên quan trực tiếp đến quốc phòng, an ninh của quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực và nhất là đội ngũ cán bộ tinh nhuệ, chuyên trách thực hiện cho công việc này chưa sẵn sàng. Mặt khác, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thời gian từ khi QH bấm nút thông qua đến ngày 1/1/2017 có hiệu lực thi hành là chưa đủ 45 ngày theo đúng quy định. “Vì vậy, tôi đề nghị QH nên cân nhắc về thời gian có hiệu lực thi hành cho phù hợp” — ĐB nói.

Cho rằng đây là vấn đề rất hệ trọng, có liên quan trực tiếp đến quốc phòng - an ninh, theo ĐB Hồ Văn Thái, QH nên đề nghị Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm cụ thể cho 3 Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nơi có khách du lịch hoặc nhà đầu tư nước ngoài đến, đảm bảo kiểm soát, quản lý thật chặt chẽ trong quá trình từ khi họ đến lưu trú đến khi họ rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, cũng chỉ có 3 Bộ này mới có thẩm quyền cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài.

Đọc thêm