Bản lĩnh người làm báo

(PLO) - Thời đại bùng nổ thông tin và tác nghiệp trong cơ chế thị trường, nhà báo phải đối mặt với muôn vàn thách thức: từ sức ép cạnh tranh thông tin đến những cạm bẫy vật chất và tiêu cực xã hội… Điều đó đòi hỏi những người làm báo phải biết “gạn đục khơi trong”, vượt qua những cám dỗ đời thường và đặc biệt phải luôn giữ lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, khẳng định “thương hiệu” riêng của mình.
Thời đại bùng nổ thông tin và tác nghiệp trong cơ chế thị trường, đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. 
(Ảnh minh họa)
Thời đại bùng nổ thông tin và tác nghiệp trong cơ chế thị trường, đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. (Ảnh minh họa)

Đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật

Một trong những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo nước ta là “phải hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”. Hơn chục năm trước, khi báo điện tử và mạng xã hội chưa phát triển ở Việt Nam, nhiều người cho rằng làm báo thời đó “dễ thở” hơn, bởi thông tin không phải cạnh tranh gay gắt như bây giờ. Việc bùng nổ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, nhưng bên cạnh đó cũng tràn ngập các loại thông tin gây nhiễu loạn, khó kiểm chứng. Chính bởi vậy, thời đại công nghệ số tạo cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với người làm báo.

Đối diện với thực tế này, những người cầm bút không cho phép mình được cẩu thả; không vì đề cao tính thời sự mà bỏ qua tính chính xác, chân thực và nhân văn của mỗi thông tin đem đến cho bạn đọc. Tiếp nhận luồng tin, người viết phải tỉnh táo, có trách nhiệm trước những luồng thông tin xấu, độc; không được nóng vội để rồi thổi phồng sự thật, làm sai lệch bản chất sự việc chỉ với mục đích câu view, chạy theo lợi nhuận. Báo chí phải đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật, tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, tin vào sự nghiêm minh của pháp luật và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp báo chí. Người đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Bác từng căn dặn những người làm báo: “Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật. Không được bịa ra”, và “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Để chỉ rõ tính chính xác khi viết, Bác lấy ví dụ: “Chống tham ô, lãng phí thì nêu rõ ai tham ô, ai lãng phí? Cơ quan nào tham ô? Lãng phí như thế nào? Ngày tháng nào… Chớ viết lung tung”. Những điều căn dặn của Bác luôn đòi hỏi trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo là phải đưa tin, phân tích, bình luận các sự kiện chân thực, khách quan, tôn trọng sự thật và đem lại lợi ích cho công chúng. 

Bài trừ sai trái, điều chỉnh dư luận xã hội

Trong những năm qua, báo chí nước nhà đã có sự phát triển vượt bậc, cả về số lượng, chất lượng; loại hình, đội ngũ những người làm báo ngày một đông đảo và hùng hậu. Những người làm báo Việt Nam đã thực sự trở thành những “người truyền tin” đáng tin cậy; một mặt tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mặt khác đấu tranh và bài trừ sai trái, bảo vệ chân lý, góp phần điều chỉnh dư luận xã hội. Có thể nói, trong những thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo. 

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo đang diễn ra ngày càng phức tạp, nhất là những năm gần đây. Không ít nhà báo đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để trục lợi, kiếm tiền bất chính, vi phạm pháp luật. Vì thế, bản lĩnh người cầm bút đòi hỏi mỗi người phải biết vượt qua sự cám dỗ đời thường, vượt qua mọi sự đe dọa để giữ bằng được cái tâm trong sáng, danh dự nghề nghiệp. Không thể vì lợi ích vật chất để trở thành người viết thuê vụ lợi. Người làm báo cách mạng phải đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân, lợi ích cách mạng lên trên hết, không được chạy theo chủ nghĩa cá nhân để trục lợi, vụ lợi. 

Làm báo - nói cho cùng cũng là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Như lời căn cặn của Bác Hồ, những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Đứng trước những luồng thông tin nhiễu loạn, người làm báo phải có trách nhiệm định hướng dư luận xã hội. Nhà báo phải biết nói “không” với những thông tin giật gân, “câu khách” ảnh hưởng tới đời sống riêng tư của người khác, ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia, dân tộc.

Muốn làm được điều này, những người làm báo - với tư cách là chiến sĩ trên mặt trận cách mạng - phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắn nhủ những người làm báo “phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản...”, “Tất cả những người làm báo  phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”.

Ngày nay, dưới tác động của cơ chế thị trường, xã hội có nhiều biến đổi, nhưng đạo đức nghề nghiệp của bất kỳ lĩnh vực nào luôn đòi hỏi phải có lương tâm trong sáng và trách nhiệm vì nước, vì dân - nghề báo càng phải coi trọng và không được lơ là. Bởi mỗi sản phẩm báo chí có tác động vô cùng to lớn đối với đời sống xã hội, nếu viết cẩu thả, viết vô trách nhiệm thì hậu quả sẽ khôn lường. Nói vậy để thấy rằng, bản lĩnh nhà báo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 

Đọc thêm