Báo cáo Thủ tướng vụ cá chết tại Thanh Hoá

(PLO) - Trước tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi (cá lồng và cá tự nhiên), huyện Thạch Thành và khu vực Cảng cá Lạch Bạng (huyện Tĩnh Gia) trong những ngày gần đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp xử lý.
Nhà máy Mía đường Hòa Bình xả thải, nông dân trắng tay sau một đêm thức giấc
Nhà máy Mía đường Hòa Bình xả thải, nông dân trắng tay sau một đêm thức giấc

Theo báo cáo cho biết, tình hình cá chết trên sông Bưởi, huyện Thạch Thành diễn ra từ sáng ngày 04/5/2016. Trên sông Bưởi, đoạn từ giáp xã Ân Nghĩa (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hóa Bình) chảy dọc địa bàn xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành nước sông đổi màu đen đục, sủi bọt, có mùi hôi và xuất hiện cá trên sông chết hàng loạt (cả cá nuôi lồng và cá tự nhiên).

Đến nay nước ô nhiễm đã chảy dọc các xã thuộc địa bàn huyện Thạch Thành gây hiện tượng cá chết hàng loạt, đặc biệt là các hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại nghiêm trọng. Tính đến 10 giờ 00, ngày 7/5/2016, tổng số lượng cá chết của các hộ nuôi cá lồng là 17.385 kg, số lồng cá chết là 73/109 lồng của 32/49 hộ nuôi cá lồng (chưa tính số lượng cá tự nhiên bị chết).

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa phối hợp với các ngành chức năng, UBND huyện Thạch Thành khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết.

Theo Biên bản làm việc ngày 05/05/2016, do Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình và các huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) cùng các xã liên quan và Công ty Mía đường Hòa Bình, bước đầu xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi là do xả thải của Nhà máy Đường Hòa Bình (trên địa bàn Cụm công nghiệp Lạc Sơn, xã Tân Mỹ, huyện lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), trong thời gian từ ngày 15/3/2016 đến ngày 25/04/2016 đã xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Bưởi, với lưu lượng 250 - 300m3/ngày đêm.

Ngày 07/5/2016, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã đi kiểm tra và khẳng định: Đây là sự cố môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sức khỏe và đời sống của nhân dân dọc sông Bưởi (15 xã của huyện Thạch Thành, 7 xã của huyện Vĩnh Lộc) và vùng hạ lưu, đồng thời có ý kiến chỉ đạo các giải pháp xử lý.

Giao Công an tỉnh Thanh Hóa chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Thạch Thành tiến hành điều tra vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nước sông Bưởi, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình về vụ việc; trong đó kiến nghị dừng hoạt động đối với Nhà máy Mía đường Hòa Bình.

Về tình hình cá chết trên sông Bạng, huyện Tĩnh Gia, sự việc bắt đầu từ 7 giờ sáng 05/05/2016, một số hộ nuôi cá lồng trên âu thuyền sông Bạng cho cá ăn, đến 8 giờ thì phát hiện cá có hiện tượng thiếu ôxy và bắt đầu chết, đến 10 giờ thì hiện tượng cá chết dừng. Theo thống kê, trong khu vực âu thuyền có 20 hộ nuôi cá lồng nhưng chỉ có 4 hộ có cá bị chết với khối lượng khoảng 1,5 tấn. Nguyên nhân bước đầu được xác định do việc ô nhiễm do tàu thuyền ra vào cầu cảng gây ra.

Khu vực này là âu neo đậu tàu thuyền, việc nuôi cá lồng là tự phát, UBND tỉnh đã có Văn bản số 5058/UBND-NN ngày 20/7/2012 về việc di chuyển các lồng cá đến khu vực quy hoạch để đảm bảo an toàn giao thông cho tàu thuyền tránh trú bão.

UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo quyết liệt để di dời toàn bộ số lồng nuôi cá của bà con ngư dân 2 xã Hải Thanh và Hải Bình thuộc huyện Tĩnh Gia.

Để giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ: Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân và mức độ ô nhiễm và biện pháp xử lý môi trường nước sông Bưởi; Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành điều tra vụ việc xử lý theo quy định của pháp luật.

Giao UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Nhà máy Mía đường Hòa Bình; phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa xác định mức độ thiệt hại đến môi trường do Nhà máy Mía đường Hòa Bình gây ra để có biện pháp hỗ trợ các hộ dân nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Thạch Thành bị thiệt hại.

Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Nhà máy Mía đường Hòa Bình hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thanh Hóa thực hiện xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Bưởi, đảm bảo chất lượng nước cho nhân dân ổn định sản xuất và sinh hoạt.

Đọc thêm