Báo chí truyền thông doanh nghiệp: Nuôi dưỡng khát vọng hùng cường

(PLVN) - Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), trong cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo một số cơ quan báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh lại vai trò giá trị của báo chí trong tình hình mới, phải là tiếng nói xây dựng bảo vệ chế độ XHCN; xây dựng đất nước dân giàu - nước mạnh - xã hội công bằng - dân chủ - văn minh; xây dựng nền kinh tế tự chủ; giữ gìn văn hóa dân tộc… Nêu rõ khát vọng hùng cường của dân tộc, Thủ tướng chỉ đạo: “Báo chí phải góp phần tạo nên và nuôi dưỡng khát vọng đó. Báo chí phải góp phần đưa dân tộc, đất nước tới bến bờ thịnh vượng, phát triển…”.

Ý thức được trách nhiệm đó, ngoài việc phát huy những truyền thống của báo chí cách mạng, làm tốt công tác là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, từ nhiều năm nay Báo Pháp luật Việt Nam đã chú trọng lĩnh vực pháp lý thương mại, công tác truyền thông với doanh nghiệp, bộ phận không thể thiếu trong đời sống.

Báo luôn quan tâm cập nhật các chính sách, quy định mới nhất của Đảng, Nhà nước để doanh nghiệp nắm bắt; ghi nhận phản hồi của khách hàng, dư luận, giúp các doanh nghiệp nắm bắt điều chỉnh. Với các bài viết được dư luận luôn quan tâm theo dõi, Báo Pháp luật Việt Nam giúp các thông tin, hình ảnh về sản phẩm và uy tín doanh nghiệp lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường.

Quan điểm nêu trên không chỉ âm thầm len lỏi trong các tin bài, mà được Pháp luật Việt Nam vận dụng mạnh mẽ trong các chiến lược, kế hoạch phát triển của Báo. Hơn 10 năm trước, từ ngày 4/4/2008, Báo Pháp luật Việt Nam đã cho ra mắt “Doanh nhân và Pháp luật”, một trong những ấn phẩm đầu tiên trong làng báo hướng tới đối tượng phục vụ chính là doanh nhân, doanh nghiệp. Hướng đi này đã được thực tế chứng minh đúng đắn, khi ấn phẩm này ngày càng phát triển mạnh mẽ, phát triển thêm phiên bản điện tử, được đông đảo bạn đọc ủng hộ theo dõi.

Quan điểm trên còn được cụ thể hóa bằng những chuỗi hoạt động thiết thực. Như chương trình “Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững” được Báo Pháp luật Việt Nam phát động từ nhiều năm nay, với hàng trăm bài viết về các gương doanh nhân, doanh nghiệp.

Chương trình đã và đang thực hiện tốt mục tiêu vận động cổ vũ doanh nhân, doanh nghiệp tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tìm kiếm biểu dương những doanh nhân, doanh nghiệp điển hình, kinh doanh thành đạt, phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng pháp luật, vì sự thịnh vượng chung của đất nước. 

Nhiều tọa đàm, đối thoại trực tuyến về “Những vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam thời 4.0”, “Những vấn đề pháp lý về quyền khởi kiện của cổ đông trong công ty cổ phần”, “Phát triển kinh tế biển”… đã được Pháp luật Việt Nam phối hợp các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp đồng tổ chức.

Tiến sỹ Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam báo cáo, giới thiệu các ấn phẩm của Báo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp.
Tiến sỹ Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam báo cáo, giới thiệu các ấn phẩm của Báo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp.

Nhiều sự kiện, chương trình gặp gỡ cuối năm là dịp để các doanh nghiệp, doanh nhân có cùng mối quan tâm chung đến việc xây dựng hình ảnh trong thời đại công nghiệp 4.0 với những rủi ro pháp lý cần tránh đã được Pháp luật Việt Nam kết nối và tổ chức thành công. 

Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” do Pháp luật Việt Nam tổ chức cũng là một minh chứng rõ nét cho mối quan hệ thân thiết giữa doanh nghiệp và cơ quan báo chí, mang đến những giá trị hữu ích thiết thực cho xã hội và người dân. Chương trình có mục tiêu đưa các ấn phẩm đến các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa. Nguồn kinh phí để mua và cấp phát báo cho đối tượng thụ hưởng trên được Báo kêu gọi, vận động tài trợ từ các doanh nghiệp.

Các cơ quan, đơn vị tham gia chương trình đã mua tặng đồng bào và cán bộ các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa hàng triệu tờ báo với số tiền hàng chục tỷ. Việc thực hiện chương trình đã có những tác động tích cực với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam đã trở thành cầu nối thông tin, tài liệu thiết thân; các câu chuyện, tình huống pháp luật để vận dụng giải quyết tại địa phương; là nguồn tư liệu sinh động, thực tế hàng ngày cho cán bộ và nhân dân các địa phương.

Cổ vũ những tấm gương doanh nhân, nhưng Báo Pháp luật Việt Nam không im lặng trước những doanh nghiệp có dấu hiệu sai sót khi vận dụng pháp luật. Tờ báo không ngại vất vả, không ngại va chạm, từng có những loạt bài viết với liên tục hơn 20 bài, kiên trì phản ánh những dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi người dân của một tập đoàn địa ốc.

Những sự kỳ công điều tra đó, không ngoài mục đích góp một tiếng nói nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp bạn đọc, giúp cơ quan Nhà nước nắm bắt thêm thông tin về đời sống kinh tế - xã hội, thiện chí góp ý để doanh nghiệp vận dụng pháp luật đúng đắn.

Mạnh mẽ, kiên trì đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, nhiều năm qua, Pháp luật Việt Nam là địa chỉ tin cậy để những doanh nghiệp, doanh nhân gặp những khúc mắc, oan khuất tìm đến giãi bày nỗi niềm. Như câu chuyện một nữ doanh nhân hàng chục năm bị chính quyền địa phương o ép, đối xử bất bình đẳng đến trắng tay. Sau khi Báo phản ánh sự việc với loạt bài hơn 10 kỳ, câu chuyện đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, Thủ tướng Chính phủ đã ra văn bản yêu cầu địa phương giải quyết. 

Không ít doanh nghiệp đã tìm đến Báo Pháp luật Việt Nam như một người bạn đồng hành, một chỗ dựa pháp lý tin cậy trong hành trình khẳng định thương hiệu của mình. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, bị dư luận hiểu lầm, một tiếng nói minh bạch thông tin trên Pháp luật Việt Nam đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua bão táp, tự tin vững bước trên hành trình khởi nghiệp, góp công, góp của vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 

Không chỉ đồng hành cùng những doanh nghiệp lớn, Báo Pháp luật Việt Nam còn luôn ở bên những doanh nghiệp nhỏ, yếu thế, đang trong tình trạng khó khăn. Như câu chuyện một doanh nghiệp nhà nước đình trệ sản xuất, khó khăn bủa vây vì bị địa phương gây khó dễ trong quá trình cổ phần hóa, Pháp luật Việt Nam đã có những phản ánh phản biện mạnh mẽ, làm cầu nối để doanh nghiệp, địa phương và Trung ương cùng ngồi lại dung hòa tìm tiếng nói chung hợp lý. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (bìa phải) và Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội trao Kỷ niệm chương cho các đối tác tại Lễ kỷ niệm 10 năm ra mắt ấn phẩm Doanh nhân và Pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (bìa phải) và Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội trao Kỷ niệm chương cho các đối tác tại  Lễ kỷ niệm 10 năm ra mắt ấn phẩm Doanh nhân và Pháp luật.

Những sự dấn thân của Pháp luật Việt Nam, không chỉ là trách nhiệm nghĩa vụ của người làm báo, mà còn là sự động viên, giúp doanh nghiệp gạt đi nỗi lo phải “đơn thương độc mã” trên bước đường kinh doanh, góp phần định vị tầm vóc của một tờ báo được “Đảng tin, Dân yêu, Doanh nghiệp đồng hành”. 

Quan tâm tới lĩnh vực doanh nghiệp doanh nhân, Pháp luật Việt Nam càng ý thức được nguy cơ những nhà báo, phóng viên có thể đôi khi bất chợt đối mặt với những cám dỗ, những “viên đạn bọc đường”. Làm sao để mặt trái cơ chế thị trường không thể tác động làm cho báo chí bị thương mại hóa, làm sai tôn chỉ mục đích, Báo đã có những tiêu chí định hướng rõ ràng.

Như trong thông điệp của Báo dịp đầu năm 2019, một trong những yêu cầu hàng đầu với đội ngũ Báo Pháp luật Việt Nam là “việc xây dựng đội ngũ người làm báo giỏi về chuyên môn, trong sạch về đạo đức để tiếp tục truyền thống 34 năm xây dựng và phát triển của Báo. Những người làm báo Pháp luật Việt Nam luôn phải rèn luyện để “Bút sắc - Tâm sáng”, đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước, của Bộ, ngành Tư pháp”. 

Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), những người làm báo Pháp luật Việt Nam một lần nữa tâm niệm thực hiện lời dạy của Bác trong bức thư Người viết gửi giới văn hóa và trí thức vào ngày 25/5/1947: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.

Đọc thêm