Bão số 3 thành áp thấp nhiệt đới hoành hành Hà Nội

Khoảng 16h hôm nay, 19/8, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Hà Nội. Dự báo đến nửa đêm, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Tây Bắc Bộ. 
Bão số 3 thành áp thấp nhiệt đới hoành hành Hà Nội

Nhiều tuyến phố Hà Nội bị ngập sâu trong biển nước. Không ít cụm đèn giao thông bị mất tín hiệu. Trưa nay, một cây xà cừ đã bị đổ đè bẹp xe ô tô KIA Forte đỗ trên vỉa hè bên Tháp Hà Nội trên phố Hai Bà Trưng. Một cây to trên đường Phạm Văn Đồng cũng bị đổ, đè lên 2 xe ô tô, trong đó có 1 xe taxi.

Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, do mưa lớn trên diện rộng, mực nước sông Nhuệ tại Trạm bơm Đồng Bông I và Thanh Liệt dâng cao, khiến việc tiêu thoát nươc từ nội thành gặp khó khăn. VnExpress thông tin, Công ty này đã huy động hơn 2.000 cán bộ, nhân viên, 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới để phục vụ giải thoát nước tại các vị trí được phân công. 

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì họp trực tuyến với toàn bộ các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác ứng phó với bão số 3.

Thông tin từ cuộc họp, do mưa bão đã có một số cây đổ và cành cây gãy, một số điểm úng ngập xảy ra sau trận mưa chiều tối 18/8 và sáng 19/8. Có một số thiệt hại về nhà bị tốc mái, một số xe ô tô bị cây đổ đè bẹp... Bước đầu có hai người bị thương do cây đổ vào người.

Dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong 6 giờ tới (đến 23h ngày 20/8), áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. 

Ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động mạnh. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. 

Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, Sơn La, Hòa Bình có gió giật cấp 6-8. Khu vực Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7 và mưa 50-100mm. 

Đến 23h hôm nay, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Tây Bắc Bộ. 

Từ chiều nay (19/8) đến hết ngày 20/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa diện rộng (50-100mm), riêng khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa rất to (100-200mm). 

Mực nước trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào sẽ lên nhanh. Biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 2-3m. Đỉnh lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào, hạ lưu sông Thái Bình ở mức báo động I; sông Thao, Lục Nam, Kỳ Cùng, Hoàng Long ở mức báo động II; thượng lưu sông Mã, sông Bưởi lên mức báo động II, hạ lưu lên mức báo động I-II; sông Cả, sông La dưới mức báo động I. 

Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. 

23 hộ với 84 nhân khẩu làng chài Ngọc Sơn (Kiến An, Hải Phòng) được di dời đến nơi tránh trú an toàn. Ảnh: báo Hải Phòng.
 23 hộ với 84 nhân khẩu làng chài Ngọc Sơn (Kiến An, Hải Phòng) được di dời đến nơi tránh trú an toàn. Ảnh: báo Hải Phòng.

14h cùng ngày, vị trí tâm bão số 3 trên đất liền các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-12. 

Trước đó, bão số 3 đã đi vào khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Ở Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, ở Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió giật mạnh cấp 10-11; các nơi khác ở ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có gió giật mạnh cấp 8. Ở Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa 50-150mm. 

Huyện Tiên Yên, đã có 7 nhà bị sập và tốc mái, trong đó sập hoàn toàn là 3 nhà, 4m kênh mương bị hư hại, 14 cột điện cao thế, trung thế bị đổ, ước tính thiệt hại gần một tỷ đồng.

Tại Thái Bình, để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, huyện ven biển Thái Thụy đã chủ động làm tốt công tác di dân, kêu gọi tàu thuyền về nơi an toàn; bịt, lấp các cửa khẩu qua đê trên địa bàn huyện. Tại cửa khẩu qua đê tại xã Hồng Quỳnh đã tập kết vật tư khoảng gần 1.000 bao đất, cát và đã lấp được 360 bao đất, cát. Tại đoạn đê cửa sông tả Diêm Hộ, từ K0 + 200 đến K2 + 300 địa bàn xã Thụy Liên đã xử lý chống tràn bằng bạt, đắp bao tải đất, cát với chiều dài 30m...

Trước khi bão đổ bộ, quận Kiến An (Hải Phong), địa bàn có nhiều khu vực xung yếu cũng đã di dời 131 hộ với 437 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, đổ sập đến nơi tránh trú an toàn. Quận sử dụng xe lưu động thông tin diễn biến của bão và tuyên truyền để người dân chủ động có biện pháp phòng chống bão…

Đọc thêm