Bảo vệ nhà báo chống tham nhũng

(PLO) - Có một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận là chống tham nhũng mạnh mẽ và hiệu quả nhất là... báo chí. Chẳng thế mà một vị đại biểu Quốc hội ví von: Quân hùng, tướng mạnh mà xem ra thua một phóng viên bình thường trong cuộc chiến phơi bày tham nhũng. Phát hiện tham nhũng hiệu quả nhất lại không do một cơ quan tham nhũng tiến hành  đã là một nghịch lý, còn thành tích chống tham nhũng không được ghi công mà ngược lại còn bị coi đó là một cái tội thì nghịch lý còn lớn hơn nhiều.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Từ trước đến nay, nhà báo chống tiêu cực phải ngồi tù vì những bài viết máu lửa, sáng ngời chất thép của mình không phải là ít. Điều này phản ảnh bộ mặt thật của những người hò hét chống tham nhũng ra sao, tâm địa của họ thế nào.

Mới đây, dư luận chú ý đến trường hợp một nữ nhà báo thường trú tại Đà Nẵng bị Công an thành phố này cấm xuất cảnh vì đang điều tra tội phạm theo đơn tố cáo. Đáng nói cái người đứng đơn tố cáo nhà báo lợi dụng quyền năng báo chí vu khống doanh nghiệp đó lại chính là Công ty đang bị nhà báo này phanh phui tiêu cực.

Có thể khẳng định dứt khoát một điều là Công an Đà Nẵng không thể làm điều này khi đứng về phía người đang bị báo chí phanh phui tiêu cực lại tố cáo ngược vào chính cái người viết bài, làm như thế là không khách quan, dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ về sự thiếu trong sáng trong động thái “điều tra nhà báo này”. Đây là một sự lạm quyền rõ ràng, khó có thể chối cãi là làm “đúng quy định” khi cái quy định cần tuân thủ là pháp luật thì không theo.

Vụ việc đơn thuần là phản ảnh trên báo chí lại được tiến hành xử lý đồng thời, cùng lúc giữa cơ quan điều tra hình sự và tố tụng dân sự. Kẻ bị báo chí phanh phui vừa tố cáo với cơ quan điều tra, vừa khởi kiện ra tòa và cả 2 cơ quan tư pháp quyền lực ngay lập tức thụ lý để "chung tay" gây khó dễ cho nữ nhà báo chống tiêu cực, phanh phui những góc khuất ở các dự án của “thành phố đáng sống” này.

Một điểm đáng lưu ý là khi thực hiện chức năng báo chí của mình, tức là thể hiện lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm công dân thì nữ nhà báo này bị công khai ngăn trở hoạt động chính đáng của nghề nghiệp cũng như cuộc sống riêng. Bị ngăn trở xuất cảnh sang Myanmar tác nghiệp đã đành mà khi chăm sóc bố chồng ốm ở TP HCM cũng bị gọi lên, gọi xuống, thậm chí điều tra viên đến cả phòng bệnh nhân để... thăm hỏi người ốm, nhiều lần chị bị triệu tập đến Tòa rồi lại về không vì nguyên đơn đứng tên khởi kiện chị không thèm đến!

Hội Nhà báo Việt Nam đã có những động thái tích cực để bảo vệ hội viên của mình. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ khi các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là các cơ quan có chức năng chống tham nhũng lại không đứng về những người tiên phong trong cuộc chiến cam go này mà cụ thể trong trường hợp này là các nhà báo!

Đọc thêm