Bảo vệ 'sân nhà'

(PLO) - Cách đây 2 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết 1052/NQ-UBTVQH13 (NQ 1052) ngày 24/10/2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT). 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Nếu tính từ năm 2007 khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO thì chúng ta đã HNKTQT 10 năm. Khi bước vào “sân chơi” toàn cầu, chúng ta “thuộc lòng” cơ hội và thách thức, nhưng dường như tâm thế hội nhập chuẩn bị không kỹ, ra “biển lớn” bằng “mái chèo” truyền thống nên gần như thua liểng xiểng ngay chính trên “sân nhà”.

Công bằng mà nói, những năm qua, việc thực hiện chủ trương HNKTQT của Đảng, Nhà nước đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đang thực hiện lộ trình Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); tham gia, ký kết và đàm phán 15 FTA thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). 

Trước vô vàn khó khăn, thách thức do khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giá thành hợp lý, cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Các DNVN cũng tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. 

Tuy nhiên, chưa bền vững. 

Hãy nhìn những thương hiệu Việt Nam trên “sân chơi” toàn cầu. Hãy nhìn các dự án PDI chuyển giá, hãy như các dự án rước “công nghệ bẩn” vào Việt Nam, hãy vào các siêu thị ngay trên “sân nhà” để cảm nhận được – mất, vị thế. Vân vân và vân vân.

Hiện nay nước ta HNKTQT và tham gia các FTA thế hệ mới với mức độ tự do hóa sâu, phạm vi rộng với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới. Điều này đã và sẽ mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức mới.

Vươn ra thị trường toàn cầu là rất khó, không dễ một sớm, một chiều. Liệu “sân nhà” có bảo vệ được bằng khẩu hiệu “Dùng hàng Việt Nam là yêu nước” không? Chắc chắn thời thị trường không thể bảo vệ được “sân nhà” bằng các khẩu hiệu chính trị, bởi tư duy “mệnh lệnh”.  Bài học của 10 năm qua cho thấy sau khi hội nhập, có nhiều thách thức chúng ta không vượt qua được, nhiều thứ chúng ta thua ngay trên “sân nhà”.

Bảo vệ “sân nhà” phải được ưu tiên. Tất nhiên phải phù hợp với các cam kết HNKTQT mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế chứ không phải “ngăn sông cấm chợ” của thời dĩ vãng.

Đọc thêm