Bất cập trong phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương

(PLVN) - Do chưa làm rõ ý tưởng phân quyền thể hiện trong Hiến pháp 2013, nên sau 3 năm thực hiện, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Bên cạnh việc chồng chéo trong quản lý và tổ chức thực hiện do không rõ cơ chế chịu trách nhiệm thì tại một số địa phương, việc phân cấp sâu trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ đã dẫn đến tư tưởng dòng họ, thân quen, nhóm lợi ích…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm

Theo đánh giá của các địa phương, việc tăng cường phân cấp, phân quyền đã tạo sự chủ động, sáng tạo trong giải quyết công việc, giảm thời gian hội họp, hạn chế cơ chế xin - cho, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước… Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2015, bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số quy định hiện hành của Luật đã bộc lộ không ít tồn tại, bất cập.

Điển hình là Luật đã không làm rõ ý tưởng phân quyền thể hiện trong Hiến pháp 2013, theo đó phân quyền đã được đề ra nhưng vẫn chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung chung; chưa có những quy định về quyền hạn riêng của địa phương.

Lấy dẫn chứng thực tế từ địa phương, ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước thì ngân sách cấp xã quyết toán trước ngân sách cấp huyện.

Tuy nhiên, theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương thì việc quyết định thời gian, chương trình kỳ họp do Thường trực HĐND quyết định nên xảy ra trường hợp HĐND xã phê chuẩn quyết toán sát ngày HĐND huyện họp, dẫn đến việc thẩm định, tổng hợp quyết toán ngân sách của cơ quan tài chính gặp khó khăn.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình Nguyễn Viết Trọng cũng chỉ ra không ít bất cập trong phân cấp quản lý tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Cụ thể, thẩm quyền quyết định số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp do Chính phủ quyết định, do vậy UBND cấp tỉnh không được quyết định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, mà chỉ thực hiện sau khi được Bộ Nội vụ phê duyệt số lượng.

Điều này làm hạn chế đến việc chủ động, kịp thời của địa phương. Cùng với đó, quy định về phân cấp phê duyệt vị trí việc làm công chức, viên chức, phân cấp thi nâng ngạch công chức lên chuyên viên chính và tương đương giữa các văn bản của TƯ chưa thống nhất, còn tình trạng phân cấp nửa vời, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện. 

Trong phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, do quyền phân bổ nguồn thu, nhiệm vụ chi tập trung ở cấp tỉnh mà không quy định cụ thể trong luật về việc phân cấp cho cấp huyện và cấp xã, nên có tình trạng nguồn lực tập trung ở cấp tỉnh, không tạo được sự chủ động về ngân sách của chính quyền cấp dưới để thực thi các nhiệm vụ được giao (ví dụ như bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển).

Mạnh dạn giao quyền chủ động cho chính quyền địa phương

Để phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Đỗ Văn Đạo cho rằng, trong phân cấp quản lý, TƯ nên mạnh dạn giao cho chính quyền địa phương quản lý những lĩnh vực như: ngân sách, kế hoạch quy hoạch, đầu tư, đất đai, khoáng sản, các hoạt động sự nghiệp công...

Những vấn đề về quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, tiền tệ, bảo hiểm xã hội, bưu chính, viễn thông, năng lượng nguyên tử... thì không nên phân cấp. Mặt khác, trong những trường hợp cần thiết, TƯ có thể ủy quyền cho chính quyền địa phương và kèm theo các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm thực hiện và hoàn thành những nhiệm vụ mà cấp trên giao cho.

Nhấn mạnh đến hiệu quả và tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật, ông Nguyễn Văn Toản (Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng cấp có thẩm quyền nên thực hiện rà soát các văn bản quy định hiện hành của TƯ, của tỉnh và thực trạng triển khai trong thực tế để kịp thời kiến nghị hoặc ban hành trong phạm vi thẩm quyền đối với những vấn đề mà pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh.

Cụ thể, trong lĩnh vực quan lý Nhà nước về biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Bộ Nội vụ cần đề xuất với Chính phủ sửa đổi các quy định theo hướng trao cho UBND tỉnh thêm thẩm quyền trong việc xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với những trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.

Để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho các cấp chính quyền địa phương được phân quyền, theo PGS.TS. Bùi Xuân Đức, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Mặt trận, nhất thiết phải có Luật về Tự quản địa phương.

Luật này quy định những nguyên tắc tự quản, mô hình chính quyền tự quản chung. Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền tự quản xây dựng điều lệ cho mình, ở cấp xã thì xây dựng hương ước. Ngoài ra, gắn với phân quyền cần tính đến khả năng thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát của chính quyền TƯ đối với chính quyền địa phương, giữa chủ thể phân quyền và chủ thể được phân quyền nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quản lý nhà nước và kỷ luật trong quản lý nhà nước.

Đọc thêm