'Bị cáo' hầu tòa tới... 9 lần và bản thẩm vấn lạm quyền

(PLO) - Thật hiếm có “bị cáo” nào được vinh dự hầu tòa tới 9 lần như Tống Văn Sơ. Đặc biệt nữa là 9 phiên tòa này chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng rưỡi. Và dĩ nhiên là công lý dù có lúc thua thiệt bởi cường quyền áp chế, nhưng lẽ phải thì rốt cuộc cũng giành được chiến thắng.
 Ngục Victoria nơi giam giữ Tống Văn Sơ.
Ngục Victoria nơi giam giữ Tống Văn Sơ.

Phiên tòa đầu tiên xử vụ án Tống Văn Sơ được tiến hành vào lúc 12h45 ngày 31/7/1931. Chánh án phiên tòa là Joseph Kemp – Luật sư của Hoàng gia. Phó chánh án là ông Justice Lindsell. Trong khi đó, luật sư biện hộ cho Tống Văn Sơ là F.C.Jenkin và A.M.L Soares theo sự ủy nhiệm của luật sư Loseby.

Lý lẽ của luật sư

Trong phiên tòa thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc – Tống Văn Sơ đang bị giam giữ tại ngục Vitoria, không có mặt tại tòa, ngay lập tức, luật sư F.C.Jenkin đòi tòa ban hành Luật Bảo thân (luật này yêu cầu bị cáo phải có mặt) và yêu cầu Giám thị ngục Victoria phải đích thân đưa hai bị can Tống Văn Sơ và cháu gái Lý Sâm có mặt tại Tòa án tối cao. 

Tranh biện tại phiên tòa thứ nhất, luật sư Jenkin bằng những lý lẽ sắc bén của mình, đã vạch ra 5 điều bất hợp pháp của chính quyền Hồng Kông khi bắt giữ Tống Văn Sơ. Báo Thư tín Trung Hoa hải ngoại (Overland China Mail) ngày 6/8/1931 đã cho hay, lý lẽ luật sư Jenkin đưa ra là:

“Những bị can đã bị cảnh sát bắt ngày 6/6 mà không có lệnh bắt giữ là một việc bất hợp pháp”; “Họ bị cảnh sát giam giữ, đến ngày 11/6 mới có lệnh bắt giữ… và các bị can một lần nữa bị bắt vào ngày 12/6.

Lệnh chỉ có thể ban hành để giữ một người đang tự do chứ không thể bắt giữ một người đang bị bắt và đang bị cầm tù một cách bất hợp pháp”;

“Lệnh hết hiệu lực vào ngày 25/6, Thống đốc giam giữ thêm 7 ngày, như vậy lệnh hết hiệu lực ngày 1/7. Ngày 2/7 lại có một lệnh giam giữ tiếp theo, lệnh này hoàn toàn sai, tính hợp pháp của lệnh trên phải được xem xét lại… Lẽ ra phải có một lệnh bắt giữ mới, chứ không phải lệnh tiếp tục cầm tù”;

“Theo quy định, việc thẩm vấn phải được tiến hành sớm nhất sau khi bắt giữ, nhưng… mãi một tháng sau, ngày 10/7 mới được tiến hành”; “Khi thẩm vấn bị can nam, người thẩm vấn đã vượt quyền hạn đã được quy định (hỏi bị can có phải là cộng sản, hay là thành viên Quốc tế III, hay là người cách mạng không), thủ tục này hoàn toàn không hợp lệ”.

Những lý lẽ xác đáng được luật sư trưng ra, làm cho những vị đại diện cho pháp luật, quyền lực của chính quyền Hồng Kông rơi vào thế khó xử. Thắng lợi bước đầu đã thuộc về phía bị can. Phiên tòa đầu tiên, mọi mục đích của chính quyền đã không thể thực hiện được bởi sự vi hiến ngay từ khi bắt giữ Tống Văn Sơ. 

Trong khi ấy cũng trong ngày, vào lúc 17h28, sau khi phiên tòa kết thúc chưa lâu, Thống đốc Hồng Kông đã có điện gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh với quyết định quan trọng “Hội đồng Hành pháp đã chấp thuận việc trục xuất”.

Còn thư ngày 1/8 của Bộ Ngoại giao Anh gửi Thứ trưởng Bộ Thuộc địa Anh thì khẳng định có đủ cơ sở pháp lý để trục xuất Nguyễn Ái Quốc – Tống Văn Sơ về An Nam. Tính mạng của người tù cách mạng đang nguy cấp với sự đồng thuận, tiếp tay của chính quyền Hồng Kông. 

Vài ngày sau, Thống đốc Hồng Kông lại tiếp tục “khó xử” với vụ án Tống Văn Sơ khi điện ngày 6/8 gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa ghi “Nay lệnh trục xuất đã được ban hành  nhưng phải chờ chỉ thị của Ngài nên việc thực hiện phải hoãn lại. Đơn gửi Tòa án cũng phải chờ. Vì khó chứng minh cho việc tiếp tục giam giữ, tôi yêu cầu Ngài cho chỉ thị sớm nhất”. Nhưng mong muốn nào dễ đi cùng hành động. 

Kéo dài thời gian

Ngày 14/8/1931, phiên tòa thứ hai của vụ án Tống Văn Sơ được mở, cảnh sát Ấn (lúc này Ấn Độ đang là thuộc địa của Anh) và các sĩ quan cảnh sát được bố trí canh giữ tất cả các cửa ra vào. 

Một cuộc tranh luận nảy lửa đã diễn ra giữa hai bên cho thấy tính chất căng thẳng của vụ án. Mở đầu phiên tòa, bằng tài năng và sự am hiểu thấu đáo luật pháp của mình, ngay lập tức luật sư Jenkin yêu cầu tòa phải cho phép hai nguyên đơn (Tống Văn Sơ và Lý Sâm) được phép có mặt tại phiên tòa, nhưng công tố C.G.Alabaster đại diện cho Hoàng gia Anh phản đối, bởi lo ngại “việc họ đến đây đem lại những hậu quả lớn hơn, yêu cầu này là một đòi hỏi quá nhiều… nó sẽ mở đường cho các yêu cầu khác”.

Tòa án Hồng Kông nơi diễn ra 9 phiên tòa xét xử Tống Văn Sơ.

Tòa án Hồng Kông nơi diễn ra 9 phiên tòa xét xử Tống Văn Sơ.

Đến phần tranh biện, Alabaster tìm mọi cách để thực thi lệnh trục xuất Tống Văn Sơ đã được Thống đốc Hồng Kông ký trước đó khi khẳng định: “Ông này bị bắt ngày 12/6, theo lệnh bắt giam được ký từ ngày hôm trước…

Ngày 12/8 một lệnh trục xuất đã được ban hành, trục xuất nguyên đơn trong 10 năm và kèm theo lệnh này, có một lệnh của Thống đốc yêu cầu nguyên đơn phải rời Nhượng địa bằng một tàu biển được chỉ định rời Hồng Kông ngày 18/8, tàu Angiers”.

Rõ là chính quyền Hương Cảng đang tìm mọi cách để đưa Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương qua lệnh trục xuất trên.

Nhưng nào dễ cho mong muốn ấy, luật sư Jenkin phản pháo cho thân chủ của mình với bằng chứng thuyết phục “chỉ có Chính quyền mới là người có quyền trục xuất ngay tức khắc và ban hành một lệnh nào. Yêu cầu Tòa án đề nghị Công tố bảo đảm không thực hiện lệnh trục xuất chừng nào tính pháp lý của lệnh đó chưa được khẳng định”.

Nghĩa là, chỉ có trực tiếp Chính quyền Anh mới được phép thực hiện lệnh này, chứ không phải một sự ủy nhiệm qua Thống đốc Hồng Kông. 

7 câu hỏi mà luật pháp Anh cho phép người thẩm vấn được hỏi bị can.
 7 câu hỏi mà luật pháp Anh cho phép người thẩm vấn được hỏi bị can.

Cũng trong phiên tòa thứ hai, lời khai của Tống Văn Sơ được Công tố Alabaster công khai cho thấy người tù Tống Văn Sơ rất am hiểu về những quyền của mình lúc bị bắt giam khi cho rằng ông không được tiếp cận bất kỳ lệnh bắt giữ nào của chính quyền, không được nói chuyện với luật sư của mình, và đặc biệt hơn nữa khi bị thẩm vấn thì “những câu hỏi này mang đầy tính đối chất về quá khứ của ông ta và có vẻ nhằm mục đích ép ông nhận là một người cộng sản, thành viên Quốc tế III hay phạm các tội tuyên truyền cách mạng và có những hành động sai trái.

Ông hiểu rằng người thẩm vấn chỉ có quyền hỏi một số câu hỏi nhất định theo luật định được in sẵn, nhưng cuộc thẩm vấn này không có giới hạn như vậy”. 

Mặc dù những lý lỹ đưa ra đều cho thấy lợi thế thuộc về người tù Tống Văn Sơ cùng luật sư của mình. Nhưng phía chính quyền Hồng Kông vẫn tuyên bố: “Ngày 12/8/1931, Thống đốc Hồng Kông đã ký lệnh trục xuất Tống Văn Sơ, kèm theo đó là lệnh yêu cầu phải xuống con tàu Angiers (do chính quyền chọn sẵn) của Pháp để về Đông Dương vào ngày 18/8/1931”.

Nhưng cuộc tranh biện không dừng lại, luật sư biện hộ vạch trần mọi điểm sai trong lệnh trục xuất cũng như việc chỉ định con tàu đưa thân chủ của mình về “cõi chết”. Và chỉ rõ rằng đang có một âm mưu cho phép chính phủ Pháp bắt giữ thân chủ của mình dưới chiêu bài trục xuất bởi người Pháp không thể bắt được Tống Văn Sơ bằng cách dẫn độ. 

Phiên tòa ngày 14/8 họp tới 18g vẫn chưa xong. Đó là nghệ thuật kéo dài thời gian của luật sư biện hộ cho Tống Văn Sơ, điều đó dẫn tới kết quả buộc phải có một phiên tòa thứ ba tiếp theo để giải quyết vụ án.

Phiên tòa thứ ba diễn ra ngay ngày hôm sau 15/8, chính là nơi hứa hẹn một cuộc đấu pháp lý tiếp theo về lệnh trục xuất bất hợp pháp của chính quyền Hồng Kông...

Đọc thêm