Bí thư Đinh La Thăng: "Sao người dân vẫn phải ăn “bẩn”?

(PLO) - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2016, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng tỏ vẻ hoài nghi: "Các bộ phối hợp tốt, sao người dân vẫn phải ăn “bẩn”?". Ông Thăng đề nghị cho TP HCM thành lập thí điểm một đơn vị đầu mối trực thuộc UBND để quản vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hình minh họa từ An ninh Thủ đô.
Hình minh họa từ An ninh Thủ đô.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các thành viên Chính phủ đóng góp nhiều ý kiến. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTTN Cao Đức Phát, việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm đã giảm cơ bản. Với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, qua kiểm tra 200 mẫu thì không có mẫu nào có chất cấm. 

Nếu có chỉ là đại lý lén lút cung cấp cho trang trại và gia đình. Bộ đã chỉ đạo toàn ngành kiểm tra các trang trại và lò mổ, phát hiện thì lập tức tiêu huỷ; từ 1/7/2016 sẽ thực hiện theo pháp luật hình sự và xử lý hình sự.

Trước thông tin này, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng tỏ vẻ hoài nghi: "Các bộ phối hợp tốt, sao người dân vẫn phải ăn “bẩn”?". Đồng thời, tân Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị cho TP HCM thành lập thí điểm một đơn vị đầu mối trực thuộc UBND để quản vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trao đổi với Bí thư Thăng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ ban hành chính sách, còn việc tổ chức thực hiện phải ở địa bàn. Phó Thủ tướng Đam khẳng định đây không phải chỉ là vấn đề thực thi pháp luật mà còn là vấn đề xuống cấp đạo đức pháp luật. Về luật pháp, chúng ta cơ bản đầy đủ, việc phối hợp không cần nếu các bộ, ban ngành làm đúng chức năng nhiệm vụ.

Đối phó với thiên tai xâm nhập mặn

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ bày tỏ đồng tình với nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn so với cùng kỳ và Việt Nam đã xuất siêu bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu…

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng khu vực công nghiệp của nước ta chậm lại và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm (tăng trưởng âm) 1,23% do thiên tai, rét hại, băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khó khăn như hiện nay; sản lượng dầu thô chỉ khai thác khoảng 14,02 triệu tấn như kế hoạch đề ra… thì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm chỉ đạt khoảng 5,45%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%. Sản xuất và đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn còn nhiều khó khăn.

Để đối phó với vấn đề khó khăn trước mắt của những người dân tại Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Nhà nước sẽ sớm hỗ trợ các địa phương bị thiên tai 538 tỷ đồng và 10.000 tấn gạo cho các hộ dân nguy cơ thiếu đói.

Về lâu dài, Chính phủ sẽ bàn với các tỉnh có biện pháp bổ sung vốn xây dựng cơ bản để xây dựng công trình cấp bách đối phó với hạn hán, cùng với việc chuyển đổi tập trung phát triển chăn nuôi, thủy sản để bù vào trồng trọt. 

Chính phủ đồng lòng, đoàn kết

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém, khó khăn, bám sát diễn biến tình hình, chức năng nhiệm vụ được giao để kịp thời đề ra các chính sách phản ứng kịp thời với những nảy sinh trong thực tiễn.

Thủ tướng đề nghị sắp tới, Chính phủ cần sớm kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết liệt hành động, phấn đấu thực hiện đạt cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công - nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt phải dồn sức, tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL.

Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường xuất khẩu đối với những mặt hàng chủ lực, thế mạnh của Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia đối tác đã được ký kết, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn đầu tư trung hạn, trái phiếu Chính phủ… đẩy mạnh triển khai thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt là công trình hạ tầng giao thông vận tải để làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đọc thêm