Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân: Việt Nam đã phòng dịch xuất sắc

(PLVN) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân vừa có bài viết đề cập đến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh, mỗi người dân và hệ thống chính trị không được chủ quan, tự buông lỏng kỷ cương, phải chuẩn bị tích cực nhất để từ tháng 5/2020 thực hiện lộ trình chuyển toàn bộ đời sống xã hội, đời sống kinh tế sang trạng thái bình thường mới với mình và cùng cả thế giới.
TP HCM lập các chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch Covid-19.
TP HCM lập các chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Sau khi điểm lại quá trình bùng phát dịch, phân tích xu hướng phát triển dịch trên thế giới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chừng nào chưa có vắc xin thì khi đó không thể loại trừ lây nhiễm Covid-19, song có thể được kiểm soát như đã và đang kiểm soát các bệnh truyền nhiễm khác.

Mỗi người, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, ngành nghề phải chấp nhận một số quy định về hành vi cá nhân và hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, địa phương của mình khác trước để phòng bệnh truyền nhiễm Covid-19 và ngăn chặn không để xảy ra dịch Covid-19.

Một số trạng thái bình thường mới có thể hình dung như:

Việc đeo khẩu trang có thể là bắt buộc khi hoạt động cộng đồng; Người từ các nước đang có dịch hay lây nhiễm Covid-19 đến Việt Nam phải được thử có virus hay không và cách ly 14 ngày nếu có dấu hiệu đáng nghi ngờ lây nhiễm; Khi phát hiện có người dương tính với Covid-19 thì người đó và tất cả những người tiếp xúc (F1, F2, F3) phải được cách ly triệt để, ít nhất 14 ngày;

Khoảng cách giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên phải được quy định, có mức tối thiểu;  Quy mô một số hoạt động đông người bị giới hạn trong một thời gian nhất định; Thường xuyên phải rửa tay sát khuẩn, xe, phương tiện giao thông được sát khuẩn định kỳ.

Theo các hướng này, các cơ quan, doanh nghiệp phải đặt ra các quy tắc ứng xử và quy chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc từng ngành nghề để sản xuất, kinh doanh, học tập, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí, đáp ứng tốt nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp, trường học, bệnh viện mà không làm lây nhiễm Covid-19. Trong tháng 4/2020, TP HCM cần hoàn thành các công việc này để triển khai áp dụng từ tháng 5/2020.

Do nhiều nền kinh tế là đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam còn đang chống dịch, kinh tế chưa phục hồi nên cần lấy nhu cầu trong nước của 99 triệu dân và của nền kinh tế làm thị trường mục tiêu cho các doanh nghiệp. Đồng thời, chúng ta bám sát nhu cầu tăng lên từng ngày của các nước đã chuyển giai đoạn để thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư hai chiều với các đối tác này.

Việc chuyển từ trạng thái chống dịch hoặc phòng dịch sang trạng thái bình thường mới đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành với sự tham gia tích cực, hiểu biết và nghiêm túc của người dân trong một lộ trình khác nhau cho các loại hoạt động khác nhau từ nay đến hết năm 2020, để mỗi địa phương và đất nước phục hồi đời sống và sản xuất kinh doanh nhanh nhất với điều kiện không để xảy ra nguy cơ dịch đáng kể.

Từ thực tiễn của Việt Nam và bài học của các nước có thể hình dung: Nếu kiểm soát xâm nhập dịch từ bên ngoài vào Việt Nam tốt, phòng dịch trong nước ở tất cả các địa phương, ngành nghề, gia đình và mỗi người tốt thì khi số người nhiễm Covid-19 cần điều trị một lúc ở Việt Nam không quá 1.000 người, thậm chí lên đến 2.000 người thì hệ thống y tế Việt Nam vẫn xử lý được, không quá tải, không gây rối loạn bệnh viện và xã hội.

Vừa qua lúc cao nhất Việt Nam chỉ điều trị 163 ca nhiễm Covid-19, sau đó giảm dần, bây giờ chỉ còn 65 ca. Hệ số lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam trong gần 90 ngày qua là 0,65, tức nhỏ hơn 1, do đó đã không có dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Với sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt của Chính phủ, sự chủ động, sáng tạo triển khai của cấp ủy và chính quyền các địa phương, sự lăn xả và hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ, sự chia sẻ của mọi tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, chúng ta đã làm nên kết quả rất đáng tự hào: Một đất nước gần 100 triệu dân, ở ngay sát trung tâm dịch của thế giới đầu năm 2020, GDP đầu người chỉ 3.000 USD song cả nước ta chỉ có 268 người bị nhiễm, đã điều trị khỏi hầu hết, không có người chết, trong khi 95% năng lực giường bệnh điều trị Covid-19 chưa sử dụng đến.

Việt Nam đã phòng dịch xuất sắc, đã chuyển giai đoạn từ 29/3, nên không xảy ra dịch Covid-19, trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Bây giờ là lúc mỗi người dân và hệ thống chính trị không được chủ quan, tự buông lỏng kỷ cương, phải chuẩn bị tích cực nhất để từ tháng 5/2020 thực hiện lộ trình chuyển toàn bộ đời sống xã hội, đời sống kinh tế sang trạng thái bình thường mới với mình và cùng cả thế giới. 

Đọc thêm