Biên giới trong lòng dân

(PLO) - Đối với người nông dân quanh năm “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời”, cuộc sống gần như chỉ phụ thuộc vào nương rẫy, nhưng khi bộ đội cần, cả nghìn mét vuông đất canh tác cũng sẵn sàng được cho đi. Ở biên giới Sì Lở Lầu, Ma Ly Chải (huyện Phong Thổ, Lai Châu) đồng bào Hà Nhì, Dao Đỏ thể hiện tình yêu với Tổ quốc bằng những việc làm rất thực. 
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đến tuyên truyền, vận động gia đình anh Lý Diếu Soàn, bản Gia Khâu, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ hiến đất làm đường tuần tra.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đến tuyên truyền, vận động gia đình anh Lý Diếu Soàn, bản Gia Khâu, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ hiến đất làm đường tuần tra.

Gia đình ông Chẻo Chỉn Nụ là một trong những hộ có của ăn của để ở bản Lao Chải, xã Sì Lở Lầu với hơn 10.000m2 nương trồng thảo quả. Nương xa lại có tuổi rồi nhưng tuần nào ông cũng đi nương 1 đến 2 lần. 

Cột mốc của lòng dân

Ông Nụ bảo, nương thảo quả đã cho thu hoạch tốt, không phải chăm bón gì nhưng ông đã cam kết với các anh ở Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu sẽ “trông coi” cột mốc 72 ở ngay sát nương thảo quả của gia đình nên cố gắng đi.

Ông Nụ muốn lời hứa của ông phải được thực hiện nghiêm túc, bởi vậy mà hơn 10 năm qua, ông và gia đình đã kịp thời phát hiện hàng chục vụ vi phạm đường biên; nhắc nhở, chỉ đường cho hàng trăm lượt người dân hai bên biên giới không đi ngang về tắt, vi phạm quy chế biên giới; cung cấp cho Đồn Biên phòng  nhiều nguồn tin có giá trị để kịp thời xử lý giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc, nảy sinh. 

Thiếu tá Lù Văn Chung - Chính trị viên Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu - cho biết, ở nơi biên cương này, chuyện người dân tự nguyện tham gia tự quản đường biên, mốc giới có rất nhiều, chuyện hiến đất để làm đường, xây kè biên giới cũng không ít. Vợ chồng anh Ly A Sa, chị Giàng Tả Mẩy (bản Tỷ Phùng, xã Ma Ly Chải) cũng vậy.

Hơn 10 năm qua, anh Sa cùng vợ không chỉ nhận tự quản đoạn biên giới dài gần 11km từ cột mốc 70 đến cột mốc 71 mà còn tự nguyện hiến hơn 200m2 đất cạnh suối Ma Ly để xây kè biên giới. Khi Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động hiến đất để mở đường vào nơi xây kè, anh Sa nghĩ nhiều lắm. Sinh ra và lớn lên ở biên giới, anh hiểu rất rõ thế nào là chủ quyền; việc xây kè biên giới, kè bảo vệ cột mốc, chống xói mòn đất của ta là rất quan trọng.

Nương nhà anh ở sát biên giới, sát cột mốc; biên giới có ổn định, cột mốc có chắc chắn thì không phải gia đình anh là người đầu tiên hưởng lợi hay sao?. Anh Sa mang suy nghĩ của mình nói với vợ.

Theo tập tục của người Hà Nhì, chị Giàng Tả Mẩy là chủ gia đình nhưng chị luôn tôn trọng chồng. Ngay hôm sau, hai vợ chồng anh Sa đến gặp Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu để hiến đất. Thấy gia đình nhà anh Ly A Sa hiến 200m2 ruộng không lấy tiền đền bù, mọi người trong bản cũng góp phần bằng cách góp sức vận chuyển nguyên, vật liệu và công trình hoàn thành đúng tiến độ. Ngày khánh thành, ai cũng vui vì công trình này giờ không chỉ là của riêng bộ đội biên phòng (BĐBP) mà còn là của mọi nhà trong bản, bởi vậy nên ai cũng phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo quản. 

Nghĩa tình quân dân

Ở xã Ma Ly Chải có Ly A Sa thì ở Gia Khâu (xã Sì Lở Lầu) cũng có quyền tự hào khi trong bản có gia đình anh Lý Diếu Soàn. Cũng như nhiều gia đình khác, gia đình anh Lý Diếu Soàn chỉ trông chờ vào nương rẫy; có những năm mất mùa, gia đình lại rơi vào cảnh thiếu đói. Nhưng, những tháng ngày đói kém ấy, không chỉ gia đình anh Soàn mà cả những gia đình nghèo khác ở Gia Khâu này lại được những người lính Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu cưu mang, chia sẻ bằng gạo, mì mà ai cũng biết những thứ đó được bớt từ khẩu phần ăn của các anh.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no” - với những con người chân chất này thì ân tình ấy còn phải nhắc nhở con cháu đời sau nhớ đến. Việc làm của BĐBP không dừng lại ở đó, các anh còn dạy mọi người con chữ, chữa bệnh… không thể kể hết những việc BĐBP đã làm cho bà con. Cũng chính vì điều đó mà gia đình anh Lý Diếu Soàn đã không ngần ngại hiến trên 3.000m2 nương bậc thang ngay cạnh mốc 71 để xây kè biên giới. 

Chúng tôi hiểu rằng, có những người như ông Chẻo Chỉn Nụ, các anh Ly A Sa, Lý Diếu Soàn thì sợ gì biên giới không vững. Đúng như sự ví von giàu biểu cảm của Đại tá Phan Hồng Minh - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh: “Biên giới trong lòng dân và lòng dân chính là biên giới. Chúng ta hãy gieo những “mùa thảo quả” trong lòng người dân và đó là thứ thảo quả thơm quanh năm suốt tháng...”.

Trong nỗ lực để có được sự yên bình ấy, bên cạnh vai trò quyết định của lực lượng Biên phòng sở tại thì tinh thần tự quản đường biên, mốc giới; hiến đất xây kè, làm đường tuần tra của người dân có một ý nghĩa hết sức lớn lao. Biên giới là quê hương và mỗi người dân biên giới đã và đang như một chiến sỹ biên phòng không mang quân hàm, hàng ngày trụ vững trên chính quê hương biên giới…

Đọc thêm