Biến trang trại VAC thành tụ điểm ăn chơi sinh thái

(PLO) - Khu sinh thái Cánh buồm xanh (Gia Lâm- Hà Nội) được đầu tư nhiều tỷ đồng và trở thành điểm “ăn chơi” thường xuyên của những người “lắm của, nhiều tiền” khiến dư luận địa phương bức xúc. Người dân tố cáo: trong dự án này, gia đình ông Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Gia Lâm đã thuê đất trái thẩm quyền của UBND xã Ninh Hiệp...

Dự án VAC nhưng lại xây dựng các dãy nhà kiên cố để kinh doanh dịch vụ thể dục thẩm mỹ
Dự án VAC nhưng lại xây dựng các dãy nhà kiên cố để kinh doanh dịch vụ thể dục thẩm mỹ

“Sân sau” của ai?

Theo phản ánh của nhiều công dân ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, năm 2004, ông Lý Duy Thanh hiện là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm đã cho em ruột là Lý Duy Thành đứng ra nhận đấu thầu khu đất sát trụ sở UBND xã Ninh Hiệp với diện tích khoảng 3,6ha. Ban đầu khi nhận đấu thầu, dự án này có mục đích làm mô hình VAC (trồng cây, nuôi cá, gà, vịt…) nhưng dần dà, nó bị “biến thái” thành tụ điểm vui chơi với bể bơi, nhà tập thể hình, trung tâm thể thao, gian hàng trưng bày sản phẩm, cho thuê rạp hiếu hỷ, ca hát, kinh doanh du lịch… Rất nhiều công trình kiên cố ngang nhiên mọc lên trong khu đất này.
Chỉ trong thời gian ngắn, dự án VAC đã được “hô biến” thành khu sinh thái với cái tên rất mỹ miều “Cánh buồm xanh”. Khu sinh thái Cánh buồm xanh hiện được đầu tư nhiều tỷ đồng và trở thành điểm “ăn chơi” thường xuyên của những người “lắm của, nhiều tiền”.
Bức tượng được cho là "hình mẫu" của bố đẻ ông Thành và ông Thanh trong khuôn viên Cánh buồm xanh
 Bức tượng được cho là "hình mẫu"
của bố đẻ ông Thành và ông Thanh
trong khuôn viên Cánh buồm xanh
Tuy không có trong hạng mục công trình đã được phê duyệt nhưng chủ dự án Cánh buồm xanh còn dựng cả bức tượng trong khuôn viên. Người dân cho rằng, bức tượng màu đen giữa khuôn viên chính là phác họa bức chân dung của bố ông Thanh và ông Thành. Ngoài việc đúc tượng “vô lối” ở một dự án mang tính cộng đồng, việc đặt tượng ở đây là vi phạm nghiêm trọng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Một người dân gần khu sinh thái cho biết: “Ban đầu dự án có trồng cây cảnh, sau đó ông Thanh cho đầu tư xây dựng các công trình kiên cố. Loa đài inh ỏi suốt ngày đêm, xóm làng cũng vì thế mất đi sự thanh bình vốn có. Các cơ quan, đoàn thể cũng thường xuyên vào đây ăn uống, tụ tập…”.
Huyện, xã “bưng bít”
Làm việc với phóng viên ngày 3/4/2014, ông Dương Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: “Trước đây, thực hiện chủ trương của Thành phố về phát triển kinh tế trang trại, UBND huyện căn cứ vào đề xuất của UBND xã Ninh Hiệp nên phê duyệt phương án chuyển đổi đất 5% thành trang trại VAC (hiện là khu sinh thái Cánh buồm xanh-PV). Em trai đồng chí Thanh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy đã trúng thầu và thực hiện các nội dung dự án. Dự án có kết hợp VAC với giới thiệu sản phẩm, đào ao thả cá, chăn nuôi, dịch vụ…”.
Ông Dương Dũng cho biết, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã về làm việc với Huyện ủy và yêu cầu đồng chí Thanh giải trình
Ông Dương Dũng cho biết,
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã về làm việc với
Huyện ủy  và yêu cầu đồng chí Thanh giải trình 
Liên quan đến nội dung tố cáo ông Thanh, ông Dương Dũng khẳng định: “Vừa rồi, cũng có nội dung liên quan đến đơn tố cáo sai phạm của ông Thanh, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã về làm việc với Huyện ủy và yêu cầu đồng chí Thanh giải trình. Nội dung giải trình cũng đã gửi lên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và đang chờ kết luận để xử lý”. Khi phóng viên đề nghị UBND huyện cung cấp hồ sơ dự án thì ông Dũng liền “đẩy” cho ông Phùng Xuân Việt, Trưởng phòng Kinh tế cung cấp.
Tuy nhiên, khi làm việc với chúng tôi, lấy lý do cán bộ phụ trách đi họp nên ông Việt đã “từ chối” cung cấp hồ sơ. “Mô hình trang trại trên địa bàn huyện lớn, nhỏ có gần 200 dự án. Người trúng thầu dự án là ông Lý Duy Thành em ruột của ông Thanh. Huyện đã phê duyệt phương án cho thuê 20 năm nhưng UBND xã tổ chức và ký hợp đồng 5 năm/lần”, ông Việt cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc dự án có thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt không thì ông Việt trả lời “nước đôi”: “Về cơ bản là đúng nhưng cần phải kiểm tra lại”.
Ông Khánh cho biết, năm 2012, thanh tra xây dựng có đi kiểm tra và phát hiện có vi phạm nhưng việc xử lý như thế nào thì ông không rõ
Ông Khánh cho biết, năm 2012,
thanh tra xây dựng có đi kiểm tra và phát hiện
có vi phạm nhưng việc xử lý như thế nào
thì ông không rõ 
Ông Nguyễn Bá Khánh, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp cho biết: “Đây là dự án VAC, dự án này cấp huyện phê duyệt đầu tư các hạng mục. Về việc kiểm tra vi phạm trật tự xây dựng thì xã vẫn kiểm tra nhưng cấp nào cấp giấy phép thì cấp đấy xử phạt. Chúng tôi cũng có kiểm tra và báo cáo lên huyện. Thời điểm năm 2012, trên thanh tra xây dựng về kiểm tra và thấy có sai phạm. Việc xử lý ra sao tôi cũng không biết vì khi đó tôi không phụ trách mảng. Nếu không vi phạm thì đã không có báo cáo. Nếu như trong hợp đồng thì đây là dự án VAC nhưng lại có các khu hoạt động thể thao, còn việc cho phép hay không cho phép thì là cấp huyện. Tôi cũng không rõ là huyện có đồng ý hay không bởi họ trình lên cấp trên. Xã cũng có xác nhận vào báo cáo là “xin cấp trên tạo điều kiện, xem xét”… Đối với các dự án trúng thầu trồng cây hàng năm thì UBND xã chỉ có thẩm quyền ký hợp đồng cho thuê 1 năm…”.
Sau nhiều lần ông Khánh yêu cầu văn phòng UBND xã cung cấp hồ sơ dự án Cánh buồm xanh nhưng số cán bộ này nhất quyết “bất tuân lệnh”. Cuối cùng, ông Khánh cũng có lý do từ chối cung cấp hồ sơ dự án Cánh buồm xanh.
Cho thuê đất trái thẩm quyền
Ngày 24/12/2003, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định số 2186/QĐ-UB  về việc Phê duyệt phương án nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu Cánh Buồm, xã Ninh Hiệp. Ngày 25/12/2003, UBND xã Ninh Hiệp thông qua Quy chế số 159/QC-UB về đấu thầu quyền thực hiện “Phương án nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu Cánh Buồm”.
Sau đó, ngày 22/7/2004, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định số 524/QĐ-UB về việc “Công nhận kết quả đấu thầu quyền thực hiện Phương án nâng cao hiệu quả sử dụng khu đất Cánh Buồm”.
Hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền của UBND xã Ninh Hiệp đang gây bức xúc trong nhân dân địa phương
 Hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền của UBND xã Ninh Hiệp
đang gây bức xúc trong nhân dân địa phương
Người trúng thầu là ông Lý Duy Thành (SN 1974) - em trai của ông Lý Duy Thanh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm.
Ngay sau khi được UBND huyện công nhận kết quả đấu thầu, ngày 11/8/2004, UBND xã Ninh Hiệp đứng ra ký Hợp đồng số 191/HĐ-UB cho ông Lý Duy Thành thuê khu đất Cánh Buồm, thời hạn 5 năm. Mục đích của việc thuê đất là phát triển kinh tế VAC như: đào ao thả cá, trồng cây cảnh, cây ăn quả...
Đến ngày 27/7/2009, UBND xã Ninh Hiệp có Tờ trình số 328/UBND-TTr về việc “Đề nghị phê duyệt Phương án đầu tư bổ sung, cải tạo nâng cao hiệu quả khu Cánh Buồm – phát triển kinh tế trang trại kết hợp với dịch vụ xã Ninh Hiệp”.
Ngày 04/3/2010, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định số 478/QĐ-UBND về việc “Cho phép đầu tư bổ sung phương án nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu Cánh Buồm”.
Đến ngày 10/3/2010, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp Lý Duy Khương tiếp tục đứng ra ký Hợp đồng số 85A/HĐ cho ông Lý Duy Thành thuê khu đất Cánh Buồm, thời gian thực hiện phương án là 20 năm, ký hợp đồng mỗi chu kỳ là 05 năm. Giá thuê khu đất là 25.207kg thóc/32.400m2/năm. Mục đích của dự án được bổ sung thêm phần “phát triển kinh tế trang trại kết hợp với dịch vụ”.
Như vậy, từ đầu dự án đến nay, UBND xã Ninh Hiệp đã tự đứng ra ký hợp đồng cho ông Lý Duy Thành với thời hạn 5 năm/lần. Đồng thời, dự án này có mục đích phát triển kinh tế cho gia đình ông Thành, không phải là dự án công ích.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ dự án, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) phân tích: “Theo quy định tại Điều 37, Luật Đất đai năm 2003: Ủy ban nhân dân xã, phường thị trấn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn. Ủy ban nhân dân các cấp không được ủy quyền trong việc quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất”.
Luật sư Kiệm khẳng định, UBND xã Ninh Hiệp cho thuê đất trong trường hợp này là trái thẩm quyền, kể cả có ủy quyền, vì pháp luật không cho phép ủy quyền.
Vi phạm nghiêm trọng quy hoạch
Ngày 27/7/2009, UBND xã Ninh Hiệp có Tờ trình số 328/UBND-TTr về việc đề nghị UBND huyện Gia Lâm phê duyệt phương án “Đầu tư bổ sung, cải tạo nâng cao hiệu quả khu Cánh buồm-Phát triển kinh tế trang trại kết hợp với dịch vụ xã Ninh Hiệp.
Theo đó, mục đích của dự án là: Sử dụng có hiệu quả diện tích mặt nước, đất đai; tiếp cải tạo, chăm sóc cây ăn quả tại khu vực bờ ao thành vườn trồng cây ăn quả, cây cảnh nâng cao hiệu quả kinh tế; cung cấp nguồn thực phẩm an toàn và giàu dinh dưỡng cho thị trường... Hạng mục được đầu tư bổ sung gồm: nhà bảo vệ, nhà điều hành, nhà giới thiệu sản phẩm, nhà kho, nhà lồng kính...
Tuy nhiên, thực tế dự án hiện nay không phải như vậy, nhiều công trình đã được "biến tướng", xây mới như: dựng tượng, nhà tập thể hình, thể dục thẩm mỹ, cho thuê địa điểm hiếu hỷ, nhà hàng, ki ốt bán hàng, chòi ăn uống...
Dãy nhà chòi phục vụ ăn uống này cũng không có trong hạng mục quy hoạch được phê duyệt
 Dãy nhà chòi phục vụ ăn uống này
cũng không có trong hạng mục quy hoạch
 được phê duyệt
Điều khó hiểu là những công trình kiên cố, được xây dựng ngang nhiên trong khuôn viên dự án và nằm đối diện với Công an xã, gần “sát vách” UBND xã Ninh Hiệp nhưng không bị ngăn chặn, xử lý.
Luật sư Kiệm cho rằng, theo khoản 1, Điều 11, Luật Đất đai 2003 quy định: Việc sử dụng đất phải bảo đảm các nguyên tắc đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất; Điều 15 quy định: Nhà nước nghiêm cấm hành vi .... sử dụng đất không đúng mục đích. 
Nhiều công trình hiện nay "mọc" lên không có trong sơ đồ dự án
 Nhiều công trình hiện nay "mọc" lên không có trong sơ đồ dự án
Theo Điều 4, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, thì hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải bị xử lý theo một hoặc các hình thức sau đây: - Ngừng thi công xây dựng công trình; Đình chỉ thi công xây dựng công trình, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước; Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm; Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.
Trách nhiệm liên quan tại Điều 9, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định trách nhiệm: Thủ trưởng cơ quan công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra xây dựng có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu trong quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ của cấp có thẩm quyền; trường hợp không thực hiện hoặc dung túng cho hành vi vi phạm để công trình tiếp tục xây dựng thì bị xử lý theo quy định hoặc có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Thủ trưởng doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải thực hiện nghiêm chỉnh, đúng thời hạn các yêu cầu trong quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ của cấp có thẩm quyền; trường hợp không thực hiện, thực hiện không kịp thời hoặc dung túng, tiếp tay cho hành vi vi phạm thì bị xử lý theo quy định hoặc có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Tuy pháp luật quy định rõ như vậy nhưng ông Nguyễn Bá Khánh, Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp lại không biết công trình vi phạm và cho rằng, thẩm quyền thuộc UBND cấp huyện (?!) Phải chăng ở đây có sự “móc ngoặc”, “bật đèn xanh” của ai đó để công vi phạm “trắng trợn” như vậy?
Phải chăng có những khuất tất “động trời” đằng sau dự án Cánh buồm xanh mà những lãnh đạo của huyện và xã lúng túng và cố tình che giấu thông tin? Đề nghị cơ quan chức năng sớm có kết luận làm rõ sự việc.
Tuy có đơn thư tố cáo của công dân liên quan đến ông Lý Duy Thanh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm về sự “bảo kê” cho dự án Cánh buồm xanh biến tướng và kéo bè kết cánh trong chính quyền, tuy nhiên đến nay cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn chưa giải quyết dứt điểm. 
Về việc này, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm phân tích: Theo Điều 43, Luật Tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân thì, kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND thì công dân có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử ở cấp đó. Ban bầu cử phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo thẩm quyền. Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại, kiến nghị với Hội đồng bầu cử. Quyết định của Hội đồng bầu cử là quyết định cuối cùng. Trong thời hạn mười ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử ngưng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử. Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đủ tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử các cấp quyết định xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.

Đọc thêm