Bộ đội quên mình ngày đêm giúp người miền Trung chống lũ

(PLO) -Trong mưa lũ lịch sử ở miền Trung những ngày giữa tháng 10 này, lực lượng quân đội đã không quản ngày đêm, giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả ngập lụt.
Bộ đội giúp dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt.
Bộ đội giúp dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt.

Hôm qua - 16/10/2016, tuy trời ngừng mưa nhưng do lũ trên thượng nguồn đổ về kết hợp xả lũ ở các hồ đập thủy điện khiến các địa phương bị lũ lụt vẫn trong tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, hàng ngàn hộ dân bị cô lập, nước chạm nóc nhà. Đã vậy, các tỉnh miền Trung còn đối mặt với siêu bão số 7 (Sarika) dẫn tới nguy cơ lũ chồng lũ.

Trước tình hình thời tiết bất lợi, Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ đội biên phòng (BĐBP) các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã huy động tối đa quân số, phương tiện xuống các địa bàn xung yếu giúp dân sơ tán người và tài sản. Trong đó chú trọng công tác sơ tán, di dời dân ra khỏi địa bàn nguy hiểm.

Mưa lũ đã làm ngập lụt 93 xã, phường trên địa bàn 9 huyện, thành phố tỉnh Hà Tĩnh với tổng số hộ dân là 24.158 hộ. Nhanh chóng ứng phó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai, điều động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và phương tiện tàu ca nô tìm kiếm cứu nạn đến các vùng lũ, vùng bị cô lập trên 3 huyện biên giới Hương Sơn 5, Hương Khê và Vũ Quang để ứng cứu, đưa bà con đang còn mắc kẹt trong nhà ra khỏi vùng lũ, với quyết tâm không để cho bà con bị đói, rét.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng tuyến núi tăng cường lực lượng xuống các thôn, bản tham gia giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ, với phương châm “nước rút đến đâu, tổng dọn vệ sinh đến đó”. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời có các phương án để đối phó.

Quảng Bình có 26.920 ngôi nhà bị ngập và 56 nhà bị tốc mái, 14 người chết, 10 người đang mất tích. Các nhà bị ngập sâu trung bình từ 1-3m. Rạng sáng 15/10, gần 20 chiếc tàu cá loại lớn của bà con ngư dân xã Cảnh Dương đang được neo đậu ở cửa sông Roòn, huyện Quảng Trạch đã bị gió to, sóng lớn đánh đứt dây neo đẩy ra biển.

Nhận được tin báo, Đồn BP Roòn, Hải đội 2 BĐBP Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương, huy động nhân dân trên địa bàn tập trung sử dụng nhiều biện pháp cứu vớt tàu cá của bà con ngư dân.

Hiện tại, 10 chiếc tàu của ngư dân đã được cứu, 3 chiếc bị đứt dây đang trôi trên biển và 7 chiếc bị sóng đánh chìm ngay cửa biển. Các lực lượng cứu hộ tìm mọi cách để cứu các tàu còn lại, song sóng biển rất lớn nên công tác cứu nạn, cứu hộ đang gặp rất nhiều khó khăn.

 Đại tá Đỗ Trung Tuyên - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Quảng Bình cho biết: “Bộ CHQS Quảng Bình đã huy động 23 xe quân sự, 18 xuồng cao tốc cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.

Đêm 14/10, các lực lượng tham gia nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận, ứng cứu và di dời hơn 100 người dân ở các xã Phúc Trạch, Đồng Trạch (huyện Bố Trạch) và xã Nghĩa Ninh, phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) và tài sản của nhân dân đến vị trí an toàn.

Ngày 15/10, Bộ CHQS tỉnh đã điều động trên 300 cán bộ, chiến sĩ và gần 700 dân quân các địa phương tăng cường chi viện cho các vùng bị nước lũ cô lập. Đến 14 giờ ngày 15/10  các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã di dời trên 2.500 hộ dân, cứu, vớt hơn 420 người dân bị lũ bao vây cùng nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt đến vị trí an toàn”. 

Nước lũ thượng nguồn sông Gianh lên cao đã làm ngập lụt tuyến đường sắt chạy qua huyện Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn khiến tàu SE19 bị mắc kẹt tại ga Lệ Sơn, huyện Tuyên Hóa.

Sáng 15/10, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình và lực lượng chức năng đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ vượt Sông Gianh tiếp cận và ứng cứu, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và đưa 140 hành khách. Đến nay, công tác cứu hộ cứu nạn, di dời người và tài sản vẫn đang được các lực lượng cứu hộ cứu nạn LLVT Quảng Bình triển khai hết sức khẩn trương.

2h30 ngày 14/10/2016, chị Phan Thị Loan (34 tuổi, ở thôn Xuân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) ngủ trên thuyền máy neo đậu tại thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang thì thuyền máy bị đứt dây neo trôi dạt mất tích.

Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều động 2 xuồng ca nô, 12 cán bộ, chiến sĩ của Hải đội 2 và Đồn BPCK Cảng Thuận An tổ chức tìm kiếm. 7h ngày 15/10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy xác nạn nhân trôi dạt vào bờ kè đá thuộc thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An.

Đọc thêm