Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận yếu kém của đề án dạy ngoại ngữ

(PLO) - Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ phải đối mặt với những bức xúc của xã hội trong lĩnh vực giáo dục. Về đề án dạy ngoại ngữ 2020, Bộ trưởng thừa nhận không đạt mục tiêu.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ĐB  Dương Minh Ánh (Hà Nội) đã chất vấn Bộ trưởng xung quanh đề án dạy ngoại ngữ 2020. ĐB đề nghị Bộ trưởng đánh giá về hiệu quả của dự án theo tiến độ thực hiện. 

ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng
ĐB  Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ không ngần ngại thừa nhận: “Đề án 2010 về ngoại ngữ quốc gia, tôi trả lời luôn là không đạt mục tiêu”.

Bộ trưởng giải trình thêm: Đề án ngoại ngữ quốc gia là vấn đề lớn, có tính lâu dài, nó không phải là nhiệm vụ của quá khứ, hiện tại, mà phải tiếp tục sau này. Để đạt được những mục tiêu như đề án mong muốn, cần phải có thời gian và chi phí lớn.

"Chúng tôi đã đưa quyết tâm cao khi xây dựng dự án, nhưng khi triển khai thì gặp nhiều vấn đề. Chúng tôi nhận trách nhiệm. Khi xây dựng đề án phải hết sức thiết thực, hết sức khả thi, bám sát vào yếu tố thực tiễn. Bộ Giáo dục đã tổ chức rà soát, trước hết là cách tiếp cận, sau đó đến mục tiêu.

Một trong những sửa đổi đề án trong thời gian tới là nội dung thống nhất, trong đó có tính đến sự hội nhập quốc tế; Tập trung vào đào tạo đội ngũ giáo viên và phương thức để tổ chức giảng dạy, đặc biệt là mục tiêu đào tạo suốt đời về ngoại ngữ để mọi người đều được hưởng thành quả của hội nhập. Ví như thiết kế theo hướng trực tuyến từ xa…", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.

Về kinh phí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết chủ trương xã hội hóa phải là tâm điểm, không phải chỉ chờ và ngân sách. Theo dự án đầu tiên là hơn 9.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay mới thực hiện được giải ngân hơn 4.000 tỷ (con số thực tế là hơn 3.000 tỷ đồng). 

“Nhưng chúng tôi đã trả lời, số tiền tới đây không quá nhiều như vây, quan trọng là tạo xã hội hóa, miễn là tạo nên động lực cho xã hội. Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc. Khi xây dựng phải tính đến thực tế, đặc biệt là tài chính. Tôi cám ơn Bộ Tài chính đã rất ủng hộ, nhưng thực sự là phải cân nhắc. Triển khai dự án  không nên theo cách chia cho các tỉnh rồi về mua máy tính.

Chúng tôi nhận trách nhiệm để điều chỉnh. Tôi cũng thừa nhận trách nhiệm của mình cũng sẽ phải sâu sát hơn. Đây là dự án lớn, cần phải có thời gian dài”, người đứng đầu ngành giáo dục nói thêm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, không thể phủ nhận một số thành công của dự án. Đặc biệt là bài học kinh nghiệm.

Đọc thêm