Bộ Nội vụ tiếp tục cử tri hỏi một đằng, trả lời một nẻo

(PLO) - “Cử tri Ninh Bình hỏi chế độ phụ cấp và nơi sinh hoạt của Phó trưởng Ban chuyên trách Hội đồng nhân dân cấp huyện, Bộ Nội vụ lại hướng dẫn thực hiện theo Nghị quyết số 1206 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vốn không quy định về vấn đề này". 
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo tại phiên họp.
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo tại phiên họp.

Thông tin trên được Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết  tại phiên họp của Quốc hội sáng nay (30/10) khi trình bày báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

100% kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, thông qua 1.423 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5 đã tổng hợp được 2.115 kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC,.... đến nay 100% kiến nghị đều được xem xét, giải quyết và trả lời tới đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nơi cử tri kiến nghị.

Trong đó, cử tri đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, đặc biệt là hoạt động chất vấn của các ĐBQH dân chủ, trí tuệ, tăng tính tranh luận, qua đó nhiều vấn đề mà cử tri gửi gắm đã được xem xét, giải quyết hiệu quả; nhiều kiến nghị của cử tri đã được tiếp thu trong quá trình xem xét các luật, lựa chọn chuyên đề giám sát. 

Cử tri nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục kiến nghị Quốc hội hạn chế đến mức tối đa việc giao Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các điều, khoản trong luật; quan tâm giám sát việc ban hành những văn bản này để giảm thiểu tình trạng văn bản hướng dẫn trái với nội dung của luật, không đúng thẩm quyền,... ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân. 

Cử tri Đà Nẵng, An Giang, Trà Vinh và nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục kiến nghị tăng cường giám sát việc quản lý đất đai, công sản, tiến độ thực hiện và chất lượng công trình, dự án do Nhà nước đầu tư, nhất là dự án giao thông, đường cao tốc,... cử tri Tiền Giang đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra, Kiểm toán trong phát hiện, xử lý những vụ việc tài chính, kinh tế. 

Trong thời gian giữa hai kỳ họp, một số vấn đề cử tri quan tâm như xây dựng ga tàu điện đặt cạnh Hồ Gươm; hoạt động xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa, sử dụng lãng phí sách giáo khoa, sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia; dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; chất lượng, hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở,... đã được Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban khoa học công nghệ; Ủy ban các vấn đề xã hội khảo sát thực tế, tổ chức cho Bộ trưởng giải trình tại Ủy ban.

Về công tác điều hành của Chính phủ, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, toàn bộ 2.004 kiến nghị gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành đã được nghiên cứu, giải quyết, trả lời, trong đó có: 1.599 kiến nghị (79,79%) được giải trình, cung cấp thông tin tới cử tri; có 103 kiến nghị (5,14%) đã giải quyết xong , thông qua sửa đổi 16 văn bản theo phản ánh của cử tri; thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường; về tình trạng lạm thu đầu năm học, bạo hành trẻ mầm non; về quy hoạch, hỗ trợ, tái định cư cho người dân Khu đô thị Thủ Thiêm,... 

Đặc biệt, theo phản ánh của cử tri Kiên Giang, Ninh Thuận, Phú Thọ... về tình trạng buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm, dược phẩm... Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiến hành thanh tra, kiểm tra 728 cơ sở, phát hiện và xử lý 367 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra một số vụ vi phạm nghiêm trọng, như vụ VINACA, khăn lụa Khaisilk, mỹ phẩm TS... xác minh dấu hiệu vi phạm với sản phẩm nhãn hiệu CONCUNG; xem xét, xử lý cán bộ có dấu hiệu vi phạm trong thực thi công vụ... ; 

Đối với 302 kiến nghị (15,07%) đang giải quyết, đã có 234 kiến nghị dự kiến thời hạn giải quyết xong (chiếm 77,48%)  tạo sự tin tưởng yên tâm đối với cử tri. 

Tất cả các Đoàn ĐBQH đều nhận xét Chính phủ, các bộ, ngành rất nỗ lực, trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri, có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, số lượng và thời hạn giải quyết, cơ bản đã giải đáp thỏa đáng những vấn đề cử tri phản ánh qua các đợt tiếp xúc cử tri, lần đầu tiên có Bộ không còn tồn đọng kiến nghị chưa giải quyết như Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Ngoại giao... 

Viện dẫn văn bản không liên quan để trả lời

Tuy nhiên, bà Hải cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Thứ nhất, một số văn bản trả lời cử tri có nội dung còn chung chung, chủ yếu là tiếp thu và sẽ nghiên cứu giải quyết nên khó khăn khi thực hiện.

Một số bộ, ngành tránh để kiến nghị tồn đọng nên đã phân loại các kiến nghị cần thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sang dạng chỉ cần cung cấp thông tin tới cử tri, như cử tri Bình Định, Quảng Ngãi phản ánh về chất lượng công trình cao tốc Quảng Nam - Quảng Ngãi, đường quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định chưa đảm bảo; hệ thống thoát nước, đường dân sinh chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nhưng chỉ được Bộ Giao thông vận tải tiếp thu và sẽ nghiên cứu giải quyết. Hiện tượng này cũng dẫn tới tỷ lệ kiến nghị được giải quyết thấp chủ yếu là cung cấp thông tin chiếm tỷ lệ lớn (79,79%).

Cá biệt có cơ quan viện dẫn văn bản không liên quan để trả lời như cử tri Ninh Bình hỏi chế độ phụ cấp và nơi sinh hoạt của Phó trưởng Ban chuyên trách Hội đồng nhân dân cấp huyện thì Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện theo Nghị quyết số 1206 của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong khi trong Nghị quyết không quy định về vấn đề này.

Thứ hai, một số văn bản ban hành chậm, ảnh hưởng đến người dân, nguồn thu của ngân sách, như cử tri Lào Cai phản ánh hiện chưa có văn bản hướng dẫn việc thu phí đối với khí thải công nghiệp theo quy định của Luật Phí và Lệ phí (01/01/2017). Bộ Tài chính trả lời, hiện các bộ đang nghiên cứu vấn đề này , như vậy gần 2 năm qua loại phí này chưa được thu, nộp ngân sách…

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị cử tri theo kiểu này. Trước đó, khi trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV tại kỳ họp trước, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng đã chỉ ra rằng cử tri Lạng Sơn đề nghị cần có hướng dẫn việc áp dụng Nghị định 116/2010/NĐ-CP và Quyết định số 582/QĐ-TTg  năm 2017 về thực hiện chế độ phụ cấp thu hút, trợ cấp một lần,... đối với cán bộ, công chức công tác ở thôn không đặc biệt khó khăn nhưng thuộc xã đặc biệt khó khăn nhưng Bộ Nội vụ lại trả lời: “... Cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác tại các thôn đặc biệt khó khăn quy định tại Quyết định số 582 được áp dụng chính sách quy định tại Nghị định số 116”, chưa đúng với nội dung câu hỏi.

Đọc thêm