Bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng

(PLO) - Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch tại Quốc hội (QH) sáng qua, 1/6, các đại biểu nhất trí với quy định sửa đổi Luật Công chứng theo hướng bỏ quy định về quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng nhưng đề nghị cần tăng cường các yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề công chứng để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chủ trương đúng

Đại biểu (ĐB) Đặng Thế Vinh (Đoàn Hậu Giang) bày tỏ tán thành và hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ trong việc bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng được nêu trong dự thảo Luật. “Chúng ta đang xây dựng một Chính phủ kiến tạo với tiêu chí là minh bạch, tạo điều kiện thông thoáng cho đầu tư kinh doanh nên việc bỏ quy hoạch “sản phẩm” là chủ trương đúng”, ĐB Vinh nói, đồng thời cho rằng việc bỏ quy hoạch tổng thể phát triển hành nghề công chứng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các văn phòng công chứng đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. 

Đồng quan điểm, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đoàn TP Đà Nẵng) nhận định, việc bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng là phù hợp với Luật Quy hoạch vì quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng không có trong danh mục quy hoạch kèm theo Luật Quy hoạch. Song, ĐB Hoa cũng cho rằng công chứng là nghề nghiệp đặc thù, cần phải quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng khi cho phép thành lập.

Theo ĐB Hoa, với điều kiện để thành lập văn phòng công chứng tương đối dễ dàng như hiện nay, số lượng các văn phòng công chứng đã tăng lên rất nhanh, kéo theo một loạt các vấn đề phát sinh. “Để lôi kéo khách hàng, nhiều tổ chức công chứng chấp nhận rủi ro, bỏ qua các nguy cơ về mặt pháp lý để linh động khi ký các hợp đồng giao dịch dân sự cho người dân và doanh nghiệp. Rủi ro về mặt pháp lý là rất lớn”, ĐB phân tích. 

Ngoài ra, ĐB Hoa cũng cho rằng có hiện tượng công chứng viên bắt tay với người đi công chứng bằng việc chứng kiến việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản nhiều lần nhưng chỉ đóng dấu nộp thuế một lần để giúp người mua trốn thuế khi ký kết các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản cũng đã diễn ra ngày càng phổ biến… Từ những lý do này, ĐB Hoa cho rằng việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện phát triển tổ chức hành nghề công chứng như trong dự thảo là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của các tổ chức công chứng hiện nay. 

Cũng nhất trí với chủ trương bỏ quy hoạch tổng thể về công chứng nhưng ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP HCM) đề nghị không bỏ các quy hoạch trên các tỉnh thành, kể cả huyện vùng sâu, vùng xa vì hoạt động công chứng không thể đánh đồng với một số dịch vụ khác do hệ quả và hậu quả của hoạt động này nếu có là cực kỳ lớn. 

Tránh lợi dụng tạo lợi ích nhóm 

Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) chỉ ra rằng Điều 37 Luật Xây dựng và Điều 49 Luật Quy hoạch đô thị quy định 2 loại điều chỉnh quy hoạch là điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ nhưng phạm vi điều chỉnh, mức độ điều chỉnh để xác định là điều chỉnh tổng thể hay điều chỉnh cục bộ không được quy định cụ thể.

Vì vậy, để tránh việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ĐB Đồng đề nghị cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để đảm bảo đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở, chính sách tạo lợi ích nhóm.

Cùng với đó, ĐB Đồng cũng đề nghị bỏ giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch trong Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, tránh gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.  Chỉ ra việc tình trạng điều chỉnh quy hoạch xảy ra rất nhiều thời gian qua, phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội và đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) cũng đề nghị cần có quy định để làm rõ vấn đề này trong dự thảo Luật. 

Lập khung pháp lý cho phát triển chăn nuôi

Trình bày dự án Luật Chăn nuôi tại QH chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Luật được xây dựng nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hóa yêu cầu về đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và các đặc sản vùng, miền; đánh giá sự cần thiết và tác động của dự án Luật cho phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính hiện nay…

Đọc thêm