Bổ sung quan điểm “lấy người học làm trung tâm” vào Luật Giáo dục (sửa đổi)

(PLVN) - Phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm sẽ được triển khai cụ thể trong quá trình dạy học, chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, giúp giáo viên và học sinh chủ động, sáng tạo trong dạy và học.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sáng nay (14/6), với 414/453 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 85,54% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi).

Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.

Luật cũng quy định rõ mục tiêu giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Về tính chất, nguyên lý giáo dục, luật quy định nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Luật Giáo dục (Sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Trước khi QH biểu quyết thông qua luật, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, về giáo dục phổ thông (GDPT), có ý kiến đề nghị giảm bớt số lượng môn học nhằm giảm tải chương trình học và giảm áp lực cho học sinh.

Về nội dung này, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay, số lượng các môn học được quy định trong Chương trình GDPT, Luật Giáo dục quy định mang tính nguyên tắc về yêu cầu, việc thẩm định, ban hành chương trình GDPT. Việc bảo đảm chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của phát triển xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, tâm sinh lý học sinh được giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) quyết định với sự giám sát của Quốc hội và xã hội như quy định của dự thảo Luật.

Về sách giáo khoa, có ý kiến đề nghị quy định sách giáo khoa (SGK) phải được sử dụng ổn định, lâu dài; có ý kiến đề nghị giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK; có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền cho Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK GDPT. 

Theo báo cáo của UBTVQH, ý kiến của đa số ĐBQH đồng ý pháp điển hóa Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội XIII về có một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số SGK cho mỗi môn học, giao Bộ trưởng Bộ GDĐT chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành SGK sử dụng trong cả nước. 

Về thẩm quyền quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong các cơ sở GDPT trên địa bàn, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Điều 32 dự thảo Luật đã được chỉnh lý cho phù hợp với quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Về Hội đồng quốc gia thẩm định SGK GDPT, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về thành phần Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. 

Trên cơ sở quy định cụ thể về thành phần, cơ cấu này, việc giao Bộ trưởng Bộ GDĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK theo từng môn học ở từng cấp học, để thẩm định SGK và chịu trách nhiệm về SGK GDPT là phù hợp với thẩm quyền chuyên môn mà vẫn bảo đảm tính khách quan. Vì vậy, UBTVQH đề nghị xin được giữ như dự thảo Luật (Điều 32).

Về phương pháp giảng dạy, có ý kiến đề nghị bổ sung quan điểm “lấy người học làm trung tâm”; “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” vào phương pháp giáo dục tại Điều 7; đề nghị bổ sung quy định tôn trọng sự khác biệt vào yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục ở các cấp học.

Ý kiến của ĐBQH là xác đáng, UBTVQH xin được tiếp thu và thể hiện cụ thể tại các điều 7, 24, 30, 43 quy định về phương pháp giảng dạy lấy người học là trung tâm trong dự thảo luật. Phương pháp này sẽ được triển khai cụ thể trong quá trình dạy học, sẽ chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh, giúp giáo viên và học sinh chủ động, sáng tạo trong dạy và học.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định về yêu cầu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học đối với các cấp học của GDPT, điều này bao gồm tôn trọng sự khác biệt, phát triển của mỗi người học. 

Đọc thêm