Bộ trưởng Bộ Nội vụ “chẩn bệnh” vô cảm của cán bộ công chức

(PLO) - Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên họp sáng nay, các ĐB đã khá thẳng thắn khi đề cập đến những vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý cán bộ công chức, đến những “căn bệnh” trầm kha của những người đang ngồi ở cương vị “công bộc của dân”.
Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIII
Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIII
Vào thẳng vấn đề, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói: “Tôi xin hỏi Bộ trưởng, cử tri phàn nàn về sự nhúng nhiễu của cán bộ công chức, bệnh vô cảm của những người làm  công bộc cho dân. Phải chăng đó là căn bệnh không thể chữa trị?”
Không ngần ngại thừa nhận có hiện tượng này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình phát biểu: “Chúng ta đòi hỏi phải có sự đồng cảm của cán bộ công quyền với người dân. Người cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải đặt mình vào vị trí của người có đất. Người thầy thuốc phải đặt mình trong vị trí của bệnh nhân. Đó là mong muốn, nhưng thình hình thực tế rất khó, bởi vì theo tôi, vô cảm thuộc phạm trù đạo đức. Mà đạo đức thì văn bản pháp luật chỉ có thể điều chỉnh ở việc cấm này, cấm kia."
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình 
Với những lý do đó theo Bộ trưởng, Bộ Nội Vụ không thể “bốc thuốc” để giải quyết được căn bệnh này, mà cơ bản của việc “trị bệnh”  là cán bộ công chức phải có ý thức, trách nhiêm  cao trong công việc, đòi hỏi tính nguyên tắc, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình trong thực thi công vụ.
“Đó là quy định bắt buộc của pháp luật. Pháp luật còn  quy định cấm cán bộ  gây phiền hà, nhũng nhiễu công dân. Thực hiện nghiêm những quy định đó, sẽ đẩy lùi được bênh vô cảm”. – Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng cho rằng cần đặc biệt đề cao phong trào học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi người cán bộ phải xây dựng trong mình tinh thần hết lòng phụng sự  tổ quốc, phục vụ nhân dân.  
Nhà nước không có quy định về chức danh “hàm”
Trước hiện tượng gần đây có cán bộ công chức được phong danh “hàm vụ trưởng, hàm thứ trưởng… ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ cơ chế của chức danh này, liệu sau này có thể phát sinh “hàm giám đốc?” “hàm phó giám đốc”?
Một thông tin khá bất ngờ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra trong phiên chất vấn là hệ thống văn bản Nhà nước không quy định  về chức danh “hàm”, bổ nhiệm “hàm”.  
Nhưng Bộ trưởng cho biết thực tế tại nhiều bộ, ngành đã vận dụng cho sử dụng “hàm”. Theo thống kê của Bộ nội vụ, có hàng trăm cán bộ công chức được hưởng chế độ “hàm”, như hàm thứ trưởng, hàm vụ trưởng, hàm phó phòng, hàm trưởng phòng… Thậm chí có bộ còn ban hành cả quy chế về bổ nhiệm “hàm”
ĐB Nguyễn Sỹ Cương trong phiên chất vấn
 ĐB Nguyễn Sỹ Cương trong phiên chất vấn
“Bộ Nội vụ và cá nhân tôi thấy đây là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết.” – Bộ trưởng nói. Về hướng giải quyết, Bộ trưởng cho biết hiện Bộ Nội vụ đã thành lập một tổ công tác, do đồng chí thứ trưởng phụ trách, đã tổ chức nghiên cứu về lý luận và thực tiễn, sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo đánh gía thực chất về “hàm” trên có sở đó, đề nghị các cấp có thẩm quyền cho ý kiến.
Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời chất vấn của các cử tri về vấn đề cải cách hành chính, quy chế quản lý đánh giá cán bộ công chức,  thực trạng của hiện tượng tinh giảm biên chế nhưng vẫn tồn tại những cán bộ lười nhác, không có năng lực, hay tình trạng lạm phát cấp phó...
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn của các ĐB QH với một số vấn đề khá nóng như công tác thi tuyển biên chế, những lo lắng của cử tri về vấn đề “tiền tệ, hậu duệ, quan hệ và trí tuệ” trong việc tuyển dụng cán bộ…

Đọc thêm