Bộ trưởng Giáo dục nói gì trước tình trạng cử nhân thất nghiệp?

(PLO) - Theo người đứng đầu Bộ GD&ĐT, thời gian tới Bộ sẽ làm rất mạnh việc điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, áp dụng các chuẩn đảm bảo chất lượng để những trường mới mở hoặc có điều kiện yếu kém thì hỗ trợ theo hướng hoặc thành phân hiệu hoặc thành một trường thành viên của trường đại học lớn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, hôm qua (16/11) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn.

Hơn 191 nghìn sinh viên ra trường bị thất nghiệp

Lo lắng trước tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm gây lãng phí, bức xúc cho xã hội, đại biểu (ĐB) Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đặt câu hỏi, hiện cả nước có khoảng 191 nghìn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Trong khi đó, ở các địa phương còn nhiều trường trung cấp, cao đẳng tiếp tục đào tạo và Nhà nước đầu tư ngân sách cho công tác đào tạo và nuôi dưỡng bộ máy các trường rất lớn: “Bộ trưởng có giải pháp gì để tránh lãng phí về kinh phí và nguồn lực đã được đào tạo, có nên duy trì cách thức đào tạo như hiện nay hay không? Nếu có thì giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới là gì?”.

Cũng quan tâm tới vấn đề trên, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) “truy”: “Xin được hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng để xảy ra tình trạng trên?”.

Chia sẻ trước lo lắng của các ĐB, Bộ trưởng Nhạ cho biết ông cũng rất trăn trở vấn đề trên, bởi một trong những mục tiêu, yêu cầu đối với các trường đại học là đào tạo ra phải có việc làm, nhưng thực tế đúng là không phải sinh viên nào tốt nghiệp ra trường cũng tìm được việc làm ngay, mà cần có thời gian, độ trải nghiệm thực tiễn. Bộ trưởng Nhạ cũng nêu rõ, kiến thức trong nhà trường là hết sức quan trọng, giúp sinh viên ra trường không phải mất thời gian đào tạo lại để có được việc làm. 

Ông Nhạ cho biết, hiện có khoảng 300 nghìn sinh viên trong các trường đại học ra trường hàng năm. Trong số đó khoảng 80% là có việc làm. Như vậy mỗi năm, 60 nghìn em thất nghiệp, chỉ cần 5 năm là 300 nghìn. “Cũng phải nhìn kỹ vào số sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp rơi vào các nhóm trường top trên - là những trường có bề dày kinh nghiệm, còn phần lớn sinh viên chưa có việc làm hoặc thất nghiệp lâu rơi vào những trường có chất lượng yếu và phần lớn các trường mới thành lập. Đây là vấn đề đặt ra, chúng tôi nhận thức được điều này và đang cố gắng sửa”, ông Nhạ nói.

Theo người đứng đầu Bộ GD&ĐT, thời gian tới Bộ sẽ làm rất mạnh việc điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, áp dụng các chuẩn đảm bảo chất lượng để những trường mới mở hoặc có điều kiện yếu kém thì hỗ trợ theo hướng hoặc thành phân hiệu hoặc thành một trường thành viên của trường đại học lớn.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết, hiện chúng ta có trên 1 triệu lao động bị thất nghiệp, trong đó có trên 400 ngàn đã được đào tạo có trình độ kỹ thuật, trong đó trên 191 nghìn đã qua đào tạo đại học và sau đại học. Vấn đề đặt ra, công tác phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa qua được thực hiện như thế nào dẫn đến tình trạng lao động có trình độ bị thất nghiệp nhiều như hiện nay? Trong thời gian tới, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục triệt để và nhanh nhất đối với vấn đề này?

Ông Nhạ cho biết thời gian qua hai Bộ đã làm việc nhưng thời lượng và giải pháp để phối hợp chưa được nhiều. Ông Nhạ nhận khuyết điểm trước QH và hứa: “Tới đây, khi Chính phủ phân công 2 Bộ tham gia quản lý nhà nước cùng hệ thống này chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn sự phối hợp, làm việc cụ thể về kế hoạch triển khai khung hệ thống giáo dục công dân”.

Áp lực thi cử, giải quyết ra sao?

Phản ánh những lo lắng của cử tri về phương án thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển đại học thay đổi liên tục trong những năm gần đây, trong khi năm 2017, Bộ tiếp tục đổi mới phương án thi, ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) chất vấn: “Liệu phương án này đã ổn định để các em học sinh chủ động trong các kỳ thi chưa? Nếu chưa, Bộ trưởng có giải pháp gì?”.

Cũng liên quan đến vấn đề thi đại học, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết, phương án tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017  sẽ diễn ra trong 2 ngày, học sinh phổ thông muốn xét tốt nghiệp trung học phổ thông phải làm 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc và chọn một trong hai bài thi tổ hợp. Ngoài ra, nếu học sinh nào muốn có nhiều cơ hội để xét vào đại học mà chọn cả hai bài thi tổ hợp thì học sinh đó phải thi liên tục 6 môn thi trong một ngày, cộng với 3 môn thi bắt buộc thì học sinh đó phải thi 9 môn thi trong hai ngày thi. 

ĐB Hương đặt câu hỏi: “Bộ trưởng nói rõ cho cử tri biết, việc tổ chức thi theo phương án như đã nêu có gây áp lực cho học sinh hay không? Liệu học sinh có tư duy nổi, có nhớ nổi bài học và có đủ sức khỏe để thi liên tục các môn thi như vậy không? Việc ra đề thi cho các môn học ở trong bài thi tổ hợp với thời gian làm bài của 3 môn học trong 150 phút liệu có đảm bảo chất lượng để phân hóa, phân loại được trình độ học sinh để có kết quả tốt, làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng hay không?”.

Đáp lời, Bộ trưởng Nhạ cho biết, ông đã báo cáo giải trình với ĐB trước đó về đổi mới căn bản toàn diện, có từng bước đi, lộ trình. Chưa thể nói mới thực hiện được hơn 3 năm Nghị quyết 29 của Trung ương mà đã nói ổn định mà cần có lộ trình và từng năm, từng bước.

Bộ trưởng Nhạ thông tin thêm, kỳ thi năm nay không như những năm trước là sau Tết mới công bố mà năm nay ngay khi đầu năm học, Bộ đã công bố và sau khi công bố xong có 14 bài thi minh họa rất rõ, cho nên các thầy trò vào đọc. Trước đó, vào năm 2010, Bộ cũng có hướng dẫn thi trắc nghiệm. 

“Như tôi nói ban đầu, đối với thi tốt nghiệp, hàng triệu em trong một thời gian rất ngắn và mục tiêu đặt ra kiểm tra kiến thức cơ bản toàn diện chứ không phải đi vào chuyên môn. Đây là kỳ thi chung đảm bảo tính toàn diện, khách quan, trung thực. Đã là phổ thông phải học phổ thông, tránh trường hợp chúng ta kéo dài tình trạng ứng thí, nghĩa là thi môn nào học môn đấy, dẫn đến một thời gian dài toàn luyện thi, cho nên kiến thức cơ bản phổ thông yếu”, ông Nhạ khẳng định sẽ tiếp thu và cố gắng làm sao cho tốt hơn để hạn chế một cách thấp nhất những hạn chế, bức xúc cho xã hội.

“Tự luận hay trắc nghiệm, không bao giờ có toàn diện”

Làm rõ thêm vấn đề sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Thi cử là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Nghị quyết 29 đổi mới Giáo dục xác định thi là đột phá làm lan tỏa các khâu khác. Các đồng chí trong ngành giáo dục có trao đổi với tôi, đây là cái xã hội bức xúc nhất vì ta có quá nhiều kỳ thi. Kỳ thi phổ thông là không trung thực nên nhiều người nói không cần thiết, còn thi đại học lại quá căng thẳng nên có việc học lệch, học tủ khiến giáo dục Việt Nam không được tốt…  

Tôi đã yêu cầu Bộ trưởng sau khi công bố phải ra đề mẫu để phụ huynh học sinh biết và phải ra 2 lần mẫu nữa để học sinh biết. Tự luận hay trắc nghiệm không bao giờ có toàn diện. Cơ bản là trình độ ra đề của chúng ta, đến nay Bộ đã nghiên cứu và 2 năm nay thí điểm ở đại học quốc gia cho nên ta hoàn toàn tin tưởng việc này. Có điều là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cam kết, tức là thi như thế nào? Qua bao nhiêu lần thay đổi nữa, nên đề nghị Bộ sớm ban hành đề án sớm nhất để ĐBQH yên lòng, phụ huynh yên tâm để có kỳ thi trung thực khách quan và nhẹ nhàng”. 

Đọc thêm