Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Quyết tâm cao khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản

(PLO) - “Với quy trình thẩm định chặt chẽ như hiện nay, với kết quả công tác xây dựng văn bản như thời gian qua thì lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản chưa phải là vấn đề đặt ra”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định tại phiên chất vấn của Quốc hội vào chiều hôm nay (11/6).
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Quyết tâm cao khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản
Văn bản chậm ban hành thì hồi tố để  đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho dân
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu một vấn đề mà dư luận, cử tri quan tâm đó là việc “cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích Bộ ngành trong xây dựng văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý, đẩy khó khăn về phía dân”. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và hướng khắc phục?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, với quy trình thẩm định chặt chẽ như hiện nay, với kết quả công tác xây dựng văn bản như thời gian qua thì lợi ích nhóm chưa phải là vấn đề đặt ra. 
“Theo Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Bộ Tư pháp được giao thẩm định từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn Thông tư và Thông tư liên tịch giao pháp chế Bộ thẩm định. Có một số vấn đề phát sinh, dư luận lên tiếng chủ yếu từ các thông tư này. Cuối năm 2014, Chính phủ sẽ  trình Luật ban hành VBQPPL mới, trong đó có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn, sẽ tránh những vấn đề lợi ích nhóm”, Bộ trưởng cho biết. 
Riêng vấn đề ĐB Đà Nẵng hỏi có không việc đẩy khó khăn cho người dân, dành thuận lợi cho cơ quan quản lý, Bộ trưởng rành rọt: “Cũng có xu hướng không quản lý được thì cấm ở một số lĩnh vực, một số văn bản. Tuy nhiên vấn đề này đang được xem xét rất thận trọng thông qua công tác kiểm soát thủ tục hành chính”.
Đối với vấn đề ĐB Thúy cho rằng việc vừa làm chính sách vừa soạn thảo luật giống như “vừa thiết kế vừa thi công”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lý giải: Theo quy trình trước khi xây dựng văn bản phải tổng kết thực tiễn, từ đó mới đề xuất kiến nghị những chính sách mới. Chính sách mới  phải phù hợp chính sách của Đảng. Chưa hình dung chính sách mà nói vừa thiết kế vừa thi công là không hợp lý. Nhưng về kỹ thuật Bộ trưởng thừa nhận “không phải không có”. Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL mới  hiện đang quy định theo hướng tách giai đoạn làm chính sách trước, sau đó mới soạn thảo. Nếu được chấp nhận thì khi có Luật mới  vấn đề ĐB hỏi sẽ được làm tốt hơn. Bộ trưởng nói.
Cũng chất vấn Bộ trưởng vấn đề liên quan đến công tác văn bản, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị làm rõ tình trạng nợ đọng văn bản (báo cáo tại Kỳ họp thứ 7 cao hơn Kỳ họp thứ 6) trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp khắc phục. 
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng “đính chính”, tính đến đến ngày 10/6  tổng số văn bản còn nợ là 50, bằng 19,9% trên số cần phải ban hành. So với báo cáo Kỳ 6 là tiến bộ (kỳ 6 là 22,4%). Như vậy qua 6 tháng thực hiện Nghị quyết 69, tình hình đã chuyển biến tốt. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách đều rất quyết liệt trong vấn đề này. Và thực tế theo Bộ trưởng đã xuất hiện nhiều “điểm sáng”.
“Có thực tế là văn bản hướng dẫn đặt ra các mẫu giấy con, là cái “bẫy” với doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng phải chung chi, xin cho, bôi trơn, đây là vấn đề khiến cử tri bức xúc”, dẫn ra việc này, ĐB Trương Trọng Nghĩa, TP Hồ Chí Minh hỏi thẳng “Bộ trưởng sẽ xử lý thế nào?”
Giải thích rõ, về nguyên tắc văn bản của các Bộ không được trái luật, pháp lệnh, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt không được trái Hiến pháp, Bộ trưởng hứa “chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể, nếu có sẽ gửi kết quả kiểm tra tới ĐB. Tuy nhiên, thực tế, có một số văn bản đang dự thảo có nhiều nội dung không phù hợp, khi dư luận có ý kiến đã xem xét, tiếp thu, chỉnh sửa, còn với những văn bản đã ban hành thì đã kịp thời sửa chữa.” Đối với các văn bản ban hành chậm ảnh hưởng quyền lợi ích của dân, Bộ trưởng nói rõ: những gì thuộc chế độ chính sách của dân thì đều có quy định hồi tố để  đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho dân.
Với tư cách thành viên Chính phủ, liên quan đến vấn đề trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng cho biết, Bộ vẫn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, cảnh báo. Thủ tướng Chính phủ trong các phiên họp thường kỳ cũng quan tâm điểm danh từng bộ một nợ văn bản nào. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi “bao giờ khắc phục nợ đọng văn bản, Bộ trưởng khẳng định “sẽ quyết tâm cao nhất”.
Xử lý nghiêm cán bộ thi hành án sai phạm
Liên quan đến công tác Thi hành án Dân sự, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt thẳng vấn đề vì sao năm 2013 Thi hành án Dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, án tồn vẫn lớn, tỷ lệ cán bộ vi phạm nhiều và đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp khắc phục?
Đồng tình với nhiều nhận định của ĐB Vinh về công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng nhìn nhận: Dù chỉ tiêu chưa đạt về việc và tiền nhưng con số tuyệt đối rất cao. Và đây là những nỗ lực rất lớn của các cơ quan thi hành án Dân sự trong bối cảnh năm 2013 kinh tế còn nhiều khó khăn, lượng án Dân sự năm 2013 tăng cao, đặc biệt số tiền phải thi hành tăng đột biến. 
Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, 6 tháng đầu năm kết quả Thi hành án Dân sự có nhiều triển vọng, dự thảo  Luật thi hành án Dân sự sửa đổi được trình Quốc hội ngay tại kỳ họp này có nhiều quy định sẽ góp phần giảm án tồn đọng cho những vụ việc tồn đọng lâu ngày mà chấp hành viên đã dùng mọi biện pháp mà không thể thi hành.
Riêng với tình trạng cán bộ vi phạm năm sau cao hơn năm trước, người đứng đầu ngành Tư pháp thể hiện rõ quan điểm “quyết tâm xử lý nghiêm”, tuy nhiên Bộ trưởng cũng nói rõ thêm “Đây chủ yếu là những vi phạm từ nhiệm kỳ trước.” 
Đề cập đến nhiều vụ xử lý tài sản thế chấp của Ngân hàng “không nơi nào nhiêu khê, phức tạp, thời gian kéo dài” như ở Việt Nam, ĐB Trần Du Lịch, TP Hồ Chí Minh truy vấn “Bộ trưởng có thấy thực tế này không, xử lý thế nào”. 
Đáp từ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận có tình trạng này tuy nhiên do rất nhiều nguyên nhân. “Đơn cử như ở thời điểm tuyên án, giá cả thị trường nó khác, sau nhiều năm, giá cả biến động, riêng chuyện định giá tài sản đã khó rồi”. Bộ trưởng cũng cho biết, dự thảo Luật thi hành án dân sự sửa đổi sẽ có nhiều quy định khắc phục bất cập này, trong đó có quy định cho phép các Công ty tổ chức định giá thay vì nhà nước làm
Sáng mai 12/6, Bộ trưởng Hà Hùng Cường sẽ tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội./.

Đọc thêm