Bộ trưởng Lê Thành Long: Chính sách nhân đạo trong hình sự rất quan trọng

(PLO) - Kết thúc phiên làm việc ngày thứ 3 của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV – một phiên họp rất căng thẳng bàn về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề của Dự luật còn nhiều ý kiến đóng góp.
Bộ trưởng Lê Thành Long: Chính sách nhân đạo trong hình sự rất quan trọng

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đây là bộ luật rất khó. Trong thời gian vừa qua, cơ quan soạn thảo đã làm việc với hầu hết các cơ quan quản lý ngành, quản lý lĩnh vực, các chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực này để thiết kế các điều, khoản cụ thể hôm nay trình Quốc hội. 

Giải đáp một số vấn đề được các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng nói: “Thứ nhất, về chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì vấn đề này các đại biểu đã phân tích rất kỹ. Quan điểm của Chính phủ khi trình có một sự nhất quán và tiếp tục với chính sách hình sự nhân đạo đối với trẻ em. 

Thứ hai, dưới góc độ tâm sinh lý, các em cần nhiều hơn sự khoan dung và khá nhiều ý kiến ủng hộ phương án 2. Nếu chúng ta quy định trách nhiệm hình sự quá rộng đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, đặc biệt là trong môi trường nhà tù thì tác động tiêu cực nhiều hơn tác động tích cực. Vì vậy một trong những nguyên tắc Chính phủ tuân theo trong thiết kế điều này, đối với trẻ em ở độ tuổi này và nói chung dưới 18 tuổi thì chỉ khoanh lại ở những tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tăng hình phạt ngoài tù và tăng biện pháp ngoài tố tụng thay vì tù tội và tố tụng. 

Thứ ba, chúng tôi cũng rà soát các công ước quốc tế về quyền trẻ em thì thấy các nước theo hướng như vậy. Tại sao liệt kê cụ thể 28 tội tại Khoản 2 của Điều 12. Bởi không liệt kê, thì có nhiều các loại chủ thể đặc biệt chẳng hạn như tội tham nhũng rồi các tội liên quan đến chức vụ quản lý kinh tế, về mặt nguyên tắc cũng áo dụng cho trẻ em thì có một sự bất hợp lý nhất định.”

Liên quan đến tội phạm pháp nhân thương mại, Bộ trưởng cho biết Bộ luật Hình sự 2015 quy định 31 tội, lần này Quốc hội thống nhất thêm hai tội đối với pháp nhân, là tội rửa tiền và tài trợ khủng bố. Nếu thống nhất thì lên 33 tội. 

Bộ trưởng bày tỏ: Đây là lần đầu chúng ta quy định pháp nhân, nên những vấn đề gì theo nguyên tắc, những gì chúng ta hiểu tương đối và có một tương đối chắc chắn thì quy định vào đây, còn lại những vấn đề khác sẽ tiếp tục trong quá trình thực hiện rồi tiếp tục hoàn thiện. 

Quay trở lại nguyên tắc áp dụng, về cơ bản những gì áp dụng cho cá nhân thì cũng áp dụng cho pháp nhân, trong đấy có cả câu chuyện về phân loại tội phạm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hình phạt chủ yếu đối với pháp nhân là hình phạt tiền, cho nên nếu theo Điều 9 thì có thể hiểu nhầm là pháp nhân chỉ có thể phạm tội ít nghiêm trọng. Đây là vấn đề mới cho nên đưa ra hai yếu tố để chúng ta dựa vào xác định. 

Nếu như căn cứ vào mức độ nguy hiểm thì chúng ta có thể theo cách phân loại tại Khoản 1, Điều 9. Còn thứ hai là dấu hiệu hình phạt thì theo các khung cụ thể.  Đối với từng các điều, khoản cụ thể liên quan đến pháp nhân thì đã có thiết kế cụ thể hóa ở đây rồi, đi theo cách thức như vậy và đúng ra kinh nghiệm của các nước thấy rằng không có ai tách ra làm 2 hệ thống tội phạm, một hệ thống là đối với cá nhân và một hệ thống đối với pháp nhân. Chúng ta không thể có hai phần chung trong Bộ luật Hình sự được vì các nước cũng về cơ bản theo nguyên tắc này, tức là chúng ta suy từng cá nhân ra và những gì chắc chắn đối với pháp nhân thì chúng ta áp dụng. 

Về quy định trách nhiệm tố giác tội phạm của luật sư, Bộ trưởng phân tích:

Thứ nhất, Bộ luật hình sự năm 1985 của chúng ta quy định là người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác, tức là không loại trừ chủ thể nào, trong đấy có cả luật sư, người bào chữa, trong đấy có cả người thân thích.

Đến Bộ luật hình sự năm 1999 tại Khoản 2, Điều 22, chúng ta đã bắt đầu chỉ rõ hơn và giới hạn đối tượng ông bà, cha mẹ, vợ chồng, tức là những người thân thì không phải chịu nếu như không tố giác, trừ trường hợp liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng thì chỗ này chưa có người bào chữa, cũng vẫn như những đối tượng khác. Bây giờ chúng ta đã làm gì ở Khoản 3, Điều 19, Bộ luật hình sự năm 2015. Tức là chúng ta chỉ nói rõ thêm và theo một nguyên tắc ở đây là đã thu hẹp đáng kể các tội mà người bào chữa phải chịu trách nhiệm. Ở đây đối với tội không tố giác tội phạm đã thu hẹp rồi.

Bộ trưởng cũng cho biết hiện tại chưa ai phản ánh đến ông rằng về những bất cập, dù luật hiện hành đang quy định trách nhiệm này của luật sư.  

Dẫn chiếu Khoản 1, Điều 9 Luật luật sư Bộ trưởng nói thêm: Điều luật này quy định nghiêm cấm luật sư tiết lộ thông tin về vụ việc khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp người đó đồng ý hoặc luật có quy định khác. Chúng tôi hiểu rằng các quy định của dự thảo Bộ luật hình sự lần này quy định theo hướng đây là một đặc thù mà luật quy định khác.

Cũng trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Lê Thành Long còn giải thích về quy định tội kinh doanh đa cấp; Điều 260 vi phạm trật tự về an toàn giao thông đường bộ. Về thuốc lá nhập lậu…

Đọc thêm