Bộ Trưởng Lê Thành Long tiếp xúc cử tri tại Kiên Giang: Tiếp tục đồng hành cùng cử tri

(PLO) - Ngày 28/9, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 2 tỉnh Kiên Giang đã có buổi tiếp xúc, lắng nghe các kiến nghị, nguyện vọng của cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tại 2 xã Phong Đông (huyện Vĩnh Thuận) và Hòa Chánh (huyện U Minh Thượng), tỉnh Kiên Giang. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Kiên Giang cùng gần 300 đại biểu cử tri trên địa bàn tham dự.
Bộ trưởng Lê Thành Long trao đổi với người dân tại buổi tiếp xúc cử tri.
Bộ trưởng Lê Thành Long trao đổi với người dân tại buổi tiếp xúc cử tri.

Nhiều dự án luật sẽ được xem xét, thông qua

Báo cáo trước đại biểu cử tri nội dung dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, bà Nguyễn Thị Kim Bé - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, đại diện Đoàn ĐBQH đơn vị số 2 - cho biết, kỳ họp Quốc hội tới đây sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Các ĐBQH sẽ xem xét, cho ý kiến về 10 dự án luật, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Theo bà Bé, các dự luật lần này có ý nghĩa rất lớn đến đời sống người dân. 

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như: giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016” và kiến nghị xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn hơn, hiệu quả hơn; xem xét báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; xem xét báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Đồng thời, xem xét báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 (trong đó có kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm, 2018-2020);  xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. 

Quốc hội cũng sẽ dành thời gian nghe Chính phủ báo cáo về các nghị quyết đã ban hành, tính hiệu quả của việc triển khai thực hiện; đồng thời xem xét, thông qua báo cáo về việc nghiên cứu tính khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Cử tri quan tâm nhiều về chính sách, dân sinh 

Tại buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến cơ chế chính sách, việc cấp bảo hiểm y tế, hỗ trợ vốn vay cho học sinh, sinh viên (HSSV), hỗ trợ vốn vay để sửa chữa nhà ở; điện, đường, đê bao; những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội… được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm gửi đến Bộ trưởng cùng Đoàn ĐBQH. 

Đại diện cử tri huyện Vĩnh Thuận, bà Lê Thị Nhỏ - Phó Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Thuận - đề nghị khi ban hành nghị định, chính sách cần có sự khảo sát để phù hợp với tình hình thực tế. Đơn cử như nhiều địa bàn cấp xã vùng sông nước hiện nay có địa bàn rộng, việc đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng biên chế cán bộ mỏng, do đó rất khó trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, theo cử tri Nhỏ, hiện việc triển khai thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân tại địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do việc thực hiện khám chữa bệnh ban đầu chưa được đảm bảo nên người dân còn e dè khi bỏ tiền ra mua bảo hiểm cho gia đình. 

Cử tri Thái Văn Tú (ấp cái Nhum, xã Phong Đông, Vĩnh Thuận) kiến nghị, Nhà nước cần quan tâm tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là những nơi người dân gặp khó khăn về điều kiện sinh kế, thiếu đất sản xuất. Còn cử tri Bành Văn Bầu (ấp Vĩnh Thạnh, xã Phong Đông) kiến nghị địa phương quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc, gia đình chính sách vay vốn để ổn định đời sống sản xuất; kịp thời cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các gia đình hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều cử tri xã Phong Đông cũng quan tâm kiến nghị giải quyết những vấn đề còn tồn tại, bất cập trong việc hỗ trợ hạn, mặn cho nông dân tại địa phương.

Tại xã Hòa Chánh (huyện U Minh Thượng), một số cử tri phản ánh hiện nay việc ra đời của Luật Tổ chức chính quyền địa phương là phù hợp với tình hình đất nước, tuy nhiên vẫn có không ít bất cập. Đơn cử như việc quy định xã loại 1 có 2 phó chủ tịch, còn xã loại 2 chỉ có 1 phó chủ tịch, trong khi khối lượng công việc ở xã loại 2 chênh lệch không nhiều so với xã loại 1 dẫn đến công việc của cán bộ đôi lúc quá tải, khó chăm lo tốt đời sống cho người dân.  

Đồng hành cùng tiếng nói chung của bà con cử tri, Bộ trưởng Lê Thành Long gửi lời cảm ơn đến cử tri Kiên Giang đã dành cho Bộ trưởng và Đoàn ĐBQH tỉnh nhiều tình cảm đặc biệt. Bộ trưởng cho biết các kiến nghị, đề xuất của bà con sẽ được Đoàn ĐBQH đôn đốc địa phương sớm triển khai thực hiện. Xung quanh về vấn về chất lượng việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập, Bộ trưởng cho biết Đoàn ĐBQH đã ghi nhận và sẽ tiếp tục kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng việc khám chữa bệnh cũng như khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm toàn dân.

Giải thích phản ánh của cử tri về việc trả lãi trước trong quá trình vay vốn HSSV, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, vấn đề cho vay vốn HSSV mà lấy lãi trước trong quá trình vay là bất hợp lý. Theo quy định hướng dẫn trả lãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội là trả lãi theo từng quý hoặc từng tháng, còn việc trả lãi 1 lần là phải dựa trên cơ sở tự nguyện. 

Về vấn đề tinh giản biên chế theo chủ trương của Chính phủ, theo Bộ trưởng, việc tinh gọn bộ máy biên chế là để giảm những cán bộ không chuyên trách, tăng lương cho những cán bộ còn lại, nâng cao trách nhiệm và đời sống của cán bộ. “Chúng ta đang tính toán tiến tới “khoán việc” và “khoán biên chế” tùy vào điều kiện từng địa phương mà có số lượng biên chế tương ứng, không áp dụng theo kiểu “cào bằng” - Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đơn vị số 2 trao tặng 6 phần cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đơn vị số 2 trao tặng 6 phần cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Giải thích kiến nghị của cử tri về vấn đề hỗ trợ hạn mặn, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé cho biết, vấn đề này luôn được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành khảo sát và hỗ trợ của địa phương có nhiều sai sót, một phần là do nhiều bà con không hợp tác lúc kê khai thống kê diện tích bị thiệt hại và một phần do một số cán bộ đã làm sai, chi sai. Những cán bộ này đã bị các cơ quan chức năng tiến hành xử lý. 

Sau buổi tiếp xúc, các cử tri rất đồng tình và hài lòng với những ý kiến trả lời của Đoàn ĐBQH, cảm động trước sự ân cần giải thích và chia sẻ cặn kẽ của Bộ trưởng Lê Thành Long về những vấn đề mà cử tri đặt ra, giúp cử tri hiểu biết thêm về nhiều vấn đề xã hội quan tâm hiện nay.

Dịp này, Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn ĐBQH  đơn vị số 2 tỉnh Kiên Giang đã trao tận tay 6 phần cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận và U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Đọc thêm