Bộ trưởng TN&MT giải trình về thất thoát đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp

(PLO) - Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết trên thực tế đang thanh tra tất cả các dự án có “đất vàng”. Trên cơ sở phát hiện có vấn đề gì thiếu minh bạch, không đảm bảo phù hợp xác định giá trị đất sẽ xem xét có biện pháp xử lý.

Sau khi nghe báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, nhiều đại biểu thảo luận thẳng thắn, chỉ ra những hạn chế còn vướng phải. Nội dung Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp (DN) được nhiều đại biểu quan tâm như công tác CPH chưa công khai minh bạch, buông lỏng quản lý đất đai khi CPH.

Quản lý lỏng léo đất đai khi CPH

Mở đầu, đại biểu Hoàng Quang Hàm đoàn Phú Thọ nêu vấn đề DNNN cần hướng mục tiêu tập trung vào lĩnh vực then chốt, những lĩnh vực mà doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Tránh tình trạng một bên ra sức thoái vốn, một bên mua vào khi tiến hành CPH. Đại biểu cho rằng cần tập trung xử lý các dự án thua lỗ, vấn đề này cử tri rất quan tâm. Đại biểu đoàn Phú Thọ lấy ví dụ dự án xây dựng Nhà máy Etanol ở Phú Thọ đã dừng 6 năm nay.

ĐB Hoàng Công Hàm
ĐB Hoàng Công Hàm

“Hiện nay còn lỏng lẻo trong quản lý đất đai khi CPH, Ví dụ tình trạng sau CPH doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp. Chính phủ cần chỉ đạo giám sát khi khi duyệt phương án sử dụng đất”, ông Hàm nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, đoàn Tiền Giang cho rằng nguyên nhân tồn tại chủ yếu trong công tác giám sát, quản lý vốn nhà nước tại DN do thanh tra, kiểm tra giám sát chưa nghiêm. Cụ thể, công tác quản trị DN còn hạn chế nên không phát huy vai trò cảnh báo sớm.

“Công tác đầu tư ra nước ngoài chưa lột tả bức tranh quản lý, giám sát, đề nghị làm rõ dự án nào, thuộc bộ ngành nào lỗ, lãi. Khi CPH xác định giá trị đất đai là nội dung quan trọng không tính lợi thế tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp”, ông Sơn nói.

Đại biểu Trần Văn Minh, đoàn Quảng Ninh nêu ý kiến trong quá trình xác định giá trị DN, giá trị đất đai khi CPH không loại trừ có yếu tố đầu cơ trục lợi. Việc không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất. Tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi, có DN trái ngành thâu tóm. "Cần nghiên cứu, áp dụng cơ chế định giá tài sản DN tiên tiến thông qua đấu giá công khai minh bạch, cần có sự giám sát chéo. Cần bổ sung chế tài với những hành vi xác định sai giá trị DN để trục lợi. Xác định trách nhiệm chủ thể liên quan", đại biểu này đề xuất. 

Nghi vấn lợi ích nhóm?

Đại biểu Leo Thị Lịch thuộc đoàn Bắc Giang đặt nghi vấn có lợi ích nhóm trong CPH doanh nghiệp: “Nguy cơ thất thoát do định giá giá trị doanh nghiệp thấp hơn giá trị thực tế. Giá trị thương hiệu, lợi thế thuê đất chưa được đánh giá. Thời gian qua có tình trạng tài sản nhà nước mua vào được định giá cao, còn bán ra có xu hướng bị định giá thấp hơn”, Đại biểu nói và đề nghị Chính phủ cần có cơ chế định giá tài sản CPH công khai minh bạch.

ĐB Leo Thị Lịch
ĐB Leo Thị Lịch

Cùng quan điểm, đại biểu đoàn An Giang, bà Mai Thị Ánh Tuyết nêu ý kiến vẫn còn tình trạng "bắt tay" nhau khi CPH để trục lợi. Bà đề nghị Chính phủ chỉ giữ lại DN then chốt, xem xét lại cơ cấu vốn: “Không nên để các Bộ, UBND kiêm nhiệm như hiện nay mà có cơ quan chuyên trách thực hiện giám sát vốn, sử dụng vốn nhà nước tại DN. Kiên quyết thu hồi đất đai sử dụng không đúng mục đích”, bà Tuyết đề nghị.

Trong khi đó đại biểu Phạm Quang Dũng, đoàn Nam Định nêu quan điểm các yếu tố giá trị thương hiệu, lợi thế đất đai rất trừu tượng và rất khó xác định, chỉ mang tính tương đối. Đại biểu này cho rằng vấn đề then chốt nằm ở khâu tổ chức đấu giá, tuy nhiên trong báo cáo giám sát của Quốc hội chưa thấy đề cập tới giám sát đấu giá.

Bộ trưởng TN&MT giải trình

Liên quan đến các vấn đề quản lý đất đai, thất thoát khi CPH liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai, Bộ trưởng Hà giải trình trong thời gian CPH trước khi có Nghị định 01 của Chính phủ ngày 6/1/2017:

“Nguyên nhân chính ở đây là do các quy định pháp luật về đất đai cũng như về quá trình CPH doanh nghiệp, trong đó phương án rà soát quỹ đất đai, sử dụng đất đai, nhu cầu sử dụng đất của DN thông thường chưa được xem xét trước khi CPH. Vì thế chưa có quản lý, đánh giá về giá trị đất đai ở đây. Đây là một trong những nguyên nhân chính khi tính toán giá trị DN, không thể tính toán giá trị đất đai đưa giá trị DN”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Bộ trưởng TN&MT báo cáo Bộ này đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 01 trong đó sửa đổi và quy định chi tiết phương án sử dụng đất khi CPH, doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang sử dụng, lập phương án trình cơ quan nhà nước phê duyêt trước khi CPH: “Qua việc rà soát có thể thu hồi quỹ đất mà DN quản lý lỏng lẻo, sử dụng không hiệu quả để phục vụ mục đích khác”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng TN&MT cho biết trên thực tế đang thanh tra tất cả các dự án có “đất vàng”. Trên cơ sở phát hiện có vấn đề gì thiếu minh bạch, không đảm bảo phù hợp xác định giá trị đất sẽ xem xét có biện pháp xử lý.

Đọc thêm