Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định biển miền Trung đã an toàn

(PLO) - Sáng nay, (16/11) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp tục phần trả lời chất vấn của các ĐBQH. Liên quan đến môi trường biển miền Trung, Bộ trưởng khẳng định: Biển miền Trung đã an toàn.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương chất vấn Bộ trưởng trần Hồng Hà liên quan đến sự cố môi trường ở biển miền Trung
ĐB Nguyễn Ngọc Phương chất vấn Bộ trưởng trần Hồng Hà liên quan đến sự cố môi trường ở biển miền Trung

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết mọi hoạt động trên biển miền Trung có thể tiến hành bình thường, tuy nhiên, vẫn phải theo các quy chuẩn cần thiết.

"Bộ Y tế cũng đã phân tích toàn diện phối hợp với các tổ chức thế giới để có những kết luận về an toàn ở biển Miền Trung. Tôi tin Bộ Y tế sẽ tuyên bố hải sản miền trung đã an toàn. Tuy nhiên, trước khi có tuyên bố mới, cần thực hiện nghiêm túc quy định kiểm dịch đã được Bộ Y tế công bố vào tháng 9 vừa rồi", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Về quá trình đền bù, Bộ trưởng cho biết tinh thần của Chính phủ, của Nhà nước là không để người dân nào đói, người dân nào rét.

"Chính phủ cũng đã ra văn bản, dựa trên sự thống nhất khoa học, tham khảo ý người dân về đối tượng và  mức đền bù, xác định 7 nhóm thiệt hại. 4 địa phương đang tiến hành khẩn trương kinh phí tạm ứng. Bộ tài nguyên môi trường đã cử nhiều đoàn công tác, Phó thủ tướng cũng đã đến trực tiếp kiểm tra, lắng nghe ý kiến của dân, để tính đến chuyện đền bù cho thỏa đáng" - Bộ trưởng thông tin.

Liên quan đến ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển đối với người dân, Bộ trưởng phân tích rộng: hệ sinh thái bị ảnh hưởng. Quy trình tự làm sạch là đáng mừng, nhưng phải có thời gian, và có hỗ trợ của bàn tay con người. Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên Môi trường đã có đề án, và sẽ trình chính phủ đề án phục hồi hệ sinh thái biển.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khi đề án được triển khai, cũng sẽ tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân ở các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố này. 

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đã nhận được nhiều câu hỏi của cá ĐBQH liên quan đến vấn đề môi trường ở biển Miền trung.  

ĐB Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình - phát biểu: "Cử tri Quảng Bình ghi nhận và đánh giá cao những giải pháp tích cực của Quốc hội, của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giải quyết hậu quả của Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp-Formosa gây ra, cử tri Quảng Bình cũng rất cảm ơn cử tri và nhân dân cả nước đã chia sẻ với Quảng Bình trong sự cố Formosa và tình hình bão lụt vừa qua. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân Quảng Bình còn băn khoăn không chỉ cho thế hệ hiện tại mà trong cả thế hệ tương lai với sự cố Formosa."

Trả lời câu hỏi của ĐB tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng cho biết vấn đề ĐB nêu là một nhiệm vụ Bộ Chính trị, Chính phủ và các địa phương đặc biệt quan tâm. "Trước tiên, chúng ta đã dồn hết sức để giải quyết những vấn đề do sự cố gây ra cũng như quan tâm đến đời sống của người dân ở đây trước mắt và lâu dài." - Bộ trưởng nói.

"Đối với Formosa thì Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu hoàn toàn trách nhiệm, trong giai đoạn sau khi xác định được các vi phạm của Formosa, chỉ ra các nguyên nhân cũng như các nguồn gây ô nhiễm và có tiềm năng gây ra sự cố môi trường thì chúng ta đã xác định rất rõ, đặc biệt tập trung vào ba nhóm, đó là nhóm liên quan đến nước thải, khí thải và chất thải rắn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập một Hội đồng liên ngành gồm các nhà khoa học của các viện có uy tín trong cả nước để cùng nhau xem xét và đánh giá kế hoạch để yêu cầu phía doanh nghiệp phải có các biện pháp khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể. 

Đối với biện pháp xử lý, Bộ trưởng cho biết đã đặt ra các yêu cầu và quy định phải đáp ứng. Nếu tiêu chuẩn Việt Nam chưa có thì áp dụng tiêu chuẩn cao nhất và thông lệ quốc tế. Chúng tôi tập trung vào công nghệ xử lý đối với nước thải, tất cả khâu từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hóa phát sinh ra từ nguồn thải từ nhà máy điện và luyện cốc hoặc khu vực khác như cảng của Formosa đều được xem xét và có quy trình xử lý cụ thể. Đồng thời, kèm theo luôn luôn tính toán nếu xảy ra sự cố thì có các biện pháp để phòng ngừa sự cố, tức là có hồ để ứng phó sự cố. Tất cả các nguồn thải, các thông số thải được kiểm soát chặt chẽ bằng các thiết bị tự động, quan trắc đầy đủ thông số và chuyển thẳng về cho cơ quan quản lý nhà nước ở Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện việc thiết kế một hệ thống giám sát một cách toàn diện vấn đề môi trường biển đối với các địa phương này. Hệ thống này sẽ giám sát tự động tất cả các thông số và có thể hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải của Formosa từ khi thải cho đến nước thải. Riêng ở Formosa hiện nay một vấn đề có thể nói đang được dư luận quan tâm đó là vấn đề về chất thải rắn và các bùn thải nguy hại.

Hiện nay, Bộ đã yêu cầu Formosa trong thời gian chưa ký hợp đồng để chuyển các loại chất thải này đối với các doanh nghiệp có đầy đủ năng lực và điều kiện để xử lý thì được lưu giữ trong kho theo đúng các quy định hiện nay về quản lý chất thải công nghiệp cũng như đối với chất thải nguy hại. Đồng thời, chúng tôi đã phối hợp với Hà Tĩnh để thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp cũng như chất thải nguy hại ở đây.

Vấn đề thứ hai, về quy trình cũng như cách thức quản lý, vận hành của Formosa đối với các hệ thống xử lý chất thải thì cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14000 để đảm bảo tất cả các khâu trong quá trình hoạt động luôn được kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ để trong thời gian tới hoạt động Formosa có thể đảm bảo không gây ô nhiễm và giảm đến tối đa tất cả những khả năng có thể gây ra sự cố môi trường.

Đọc thêm