Bốn yêu cầu của Thủ tướng

(PLO) - Ngày mai, 26/9 tại Cần Thơ – “thủ phủ” của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ diễn ra Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) với tầm nhìn tới năm 2100
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn ĐBSCL 2016, ngày 27/6, tại TPHCM (Ảnh: VNN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn ĐBSCL 2016, ngày 27/6, tại TPHCM (Ảnh: VNN)

Trong 2 ngày (26-27/9), Hội nghị sẽ diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề bàn sâu về các vấn đề.  Phiên 1 sẽ bàn về tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL. Phiên 2 sẽ thảo luận về quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL. Phiên 3 thảo luận về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở. Ngày 27/9, phiên họp toàn thể sẽ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Vì sao có hội nghị này? Trước hết vì, ĐBSCL giàu tiềm năng, nơi trú ngụ của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam; đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước. Hai là, BĐKH toàn cầu đe dọa trực tiếp đến ĐBSCL. Đến năm 2050, mực nước biển tại ĐBSCL dâng lên khoảng 30cm; đến năm 2100 dâng lên khoảng 75cm; nếu nước biển dâng 100cm sẽ đe doạ 38,9% diện tích ĐBSCL. - Đó là cảnh báo của các chuyên gia tại Hội nghị về Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL diễn ra tại Cà Mau cách đây một năm.

Ba là, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn do mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp. Chính sách quy hoạch, phân vùng, quản lý thiếu gắn kết, đồng bộ do tác động của BĐKH dần dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững, làm sinh kế của người dân trở nên bấp bênh.

Hoạch định mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thành công sẽ là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu triển khai ở các vùng khác trên cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra 4 yêu cầu lớn:

Một là, Hội nghị phải đưa ra được quyết sách mới, có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên.

Hai là, phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động, có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng ĐBSCL ổn định, phát triển.

Ba là, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ và quản lý trên cơ sở các nghiên cứu thực tiễn, tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy vai trò của các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm trong nước và quốc tế thẩm định, thẩm tra, phát biểu phản biện về những giải pháp, trình bày tại Hội nghị.

Bốn là, thu hút được tối đa các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng, nguồn vốn tư nhân…) nhằm phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện tác động mạnh mẽ của BĐKH.

Tình hình mới đang yêu cầu tầm nhìn xa, giải pháp mới, mang tính hệ thống, chứ không thể “cát cứ” mãi với tư duy phi kết nối.

Đọc thêm