Buổi thao trường của những 'chiến sĩ đặc biệt'

(PLO) -“Chiến sĩ đặc biệt” là tên gọi dành riêng cho những chú chó nghiệp vụ đã góp phần không nhỏ vào những chiến công trong công tác phòng chống tội phạm, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế. Để có được những chú chó nghiệp vụ trưởng thành, thiện chiến, tham gia lập nhiều chiến công thì các huấn luyện viên và chó nghiệp vụ phải luyện tập hàng ngày. 
Chó nghiệp vụ và huấn luyện viên tập luyện mật phục
Chó nghiệp vụ và huấn luyện viên tập luyện mật phục

Đội chó nghiệp vụ BĐBP Thừa Thiên Huế được thành lập từ năm 1959. Từ đó đến nay, Đội chó nghiệp vụ đã xuất kích trên nhiều mặt trận, lập nhiều chiến công xuất sắc trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, phòng chống tội phạm. Khu vực biên giới là nơi diễn ra nhiều hoạt động của các tổ chức tội phạm liều lĩnh, nhất là vào dịp cuối năm, khi hàng lậu liên tục vượt biên giới “đổ bộ” vào nội địa nước ta, khiến nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới của BĐBP gặp không ít khó khăn.

Đồng hành cùng những người lính quân hàm xanh trên vùng biên viễn, những “chiến sĩ đặc biệt” này đã củng cố thêm khả năng chiến đấu và sức mạnh cho lực lượng BĐBP trong nhiệm vụ phát hiện, đấu tranh và phòng chống các loại tội phạm. Nhờ đó, những trận truy quét, bắt giữ các đối tượng tội phạm đã không hề có tiếng súng, không hề có đổ máu, giúp cho một dải biên cương bình yên.

Đã hẹn trước, ngay từ tờ mờ sáng, trong tiết trời se lạnh của vùng biên ải, chúng tôi đã có mặt tại Đội huấn luyện Chó nghiệp vụ Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế. Trên thao trường, các huấn luyện viên đang tất bật chuẩn bị cho buổi tập luyện trong ngày. 10 chú chó nghiệp vụ được huấn luyện viên đưa vào vị trí chiến đấu. Từng ụ khói từ những trận giả bốc lên đặc quánh làm mờ cả thao trường. Lờ mờ sau đám khói ấy là những chiến sĩ đóng vai “tên tội phạm”, là mục tiêu tấn công của chó. Họ đều khoác trên mình những chiếc áo bông dày và mang giáp ống bảo hộ tay.

Ngay khi nghe khẩu lệnh đanh gọn của người chỉ huy, cả đàn chó phóng lên như tên bắn, bằng một cú nhảy, các chú chó đã cắn phập hàm răng thép vào cánh tay của người chiến sĩ đóng giả tội phạm, dùng sức mạnh phi thường quật ngã “tên tội phạm” xuống đất. Khi chúng tôi đang hồi hộp theo dõi màn chiến đấu quyết liệt của chó nghiệp vụ biên phòng thì khẩu lệnh khác từ phía chỉ huy vang lên: Thôi tập! Ngay lập tức đàn chó vội buông “tên tội phạm” ra nhưng vẫn giữ tư thế khống chế. “Tên tội phạm” phải nằm im, không được cựa quậy, tránh cho chó bị kích động có thể tấn công tiếp. 

Đó là bài luyện tập tấn công tội phạm của các chú chó nghiệp vụ. Dù trời mưa hay trời nắng, cứ đều đặn hàng ngày, chúng đều cùng với huấn luyện viên của mình miệt mài tập luyện. Để huấn luyện và phát huy được những ưu điểm đặc biệt, thành thục các kỹ năng chiến đầu của những chú chó nghiệp vụ thành những vũ khí đặc biệt thiện chiến như vậy, việc nuôi dạy thật là nhọc nhằn, tốn nhiều công sức. 

Thiếu úy Ngô Viết Trung - huấn luyện viên chó nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Nhâm chia sẻ: “Thầy” và “trò” chúng tôi đều là học viên của Trường Trung cấp 24 Biên phòng chuyên huấn luyện chó. Ngày đầu vào trường, mỗi con chó bắt đầu làm quen với một “người thầy”. Tiếp đến, chó được huấn luyện vào khuôn khổ kỷ luật, học tuân theo mệnh lệnh của huấn luyện viên. Các động tác cơ bản như đứng, chào, ngồi, nằm, bò, trườn, kêu, mang đồ vật... phải hết sức thuần thục.

Tính thông minh của loài chó thích ứng rất nhanh khi biết nghe gọi tên riêng, không nhận thức ăn của người lạ, tập quen dần tiếng súng, tiếng nổ. Những buổi tập thể lực cùng các bài tập vượt qua chướng ngại vật, lao qua vòng lửa, chinh phục độ cao cũng là lúc kết thúc giai đoạn một kéo dài bốn tháng. Bước vào giai đoạn hai, qua đánh giá phân loại, tùy theo khả năng từng con mà đưa vào chuyên ngành chiến đấu, chống ma túy hoặc cứu hộ. Từ đây “thầy” và “trò” luôn gắn bó với nhau cho đến khi cả hai cùng tốt nghiệp và được biên chế về đơn vị”.

Hiện nay, Đồn Biên phòng Nhâm có biên chế 10 huấn luyện viên và 10 chó nghiệp vụ chiến đấu. Những chú chó này được xếp hạng vào loại vũ khí nhóm 1. Mũi chó thính hơn mũi người 4.000 lần, phân biệt được hơn 5.000 mùi khác nhau. Những con nổi trội, có phản ứng lấy hơi, ngửi tốt mới được chọn học ngành chống ma túy.

Việc huấn luyện chó cứu hộ phức tạp, tốn kém hơn nhiều lần. Để chó quen với hiện trường, huấn luyện viên phải cho đào những hố đất thật sâu, cho quần áo cũ có hơi người rồi lấp lại, phía trên bùn, đất được đổ ngổn ngang trông như vừa xảy ra sập hầm, lở núi. Chó được huy động tới đánh hơi, tìm kiếm cứu nạn quen với bài diễn tập nên khi đến hiện trường các vụ lở đất, sập hầm là lao ngay vào cuộc, hăm hở tìm kiếm.

Đọc thêm