BV "nói không với phong bì" vẫn nhận "bồi dưỡng" của bệnh nhân?

"Giờ giá cả “leo thang”, tiền “bồi dưỡng” bác sỹ cũng phải dày hơn. Cứ mổ đẻ là 2 triệu, đẻ thường là 1 triệu đồng/kíp trực. Có điều, đưa phong bì bây giờ cũng phải tế nhị chứ không nhận lộ liễu như trước... Có tiền có khác, họ nhiệt tình và chu đáo hẳn…”,  chị N.T.V., bệnh nhân BV Phụ sản TƯ, cho biết.

Chuyện rằng, một bệnh nhân từng lạy lục bác sĩ cầm giúp phong bì để ca mổ thành công tốt đẹp, dù rằng trong phong bì đó chỉ có 30.000 đồng. Điều này cho thấy trong bệnh viện, khái niệm về cái gọi là phong bì lót tay cho bác sĩ, y tá đã “mọc rễ” sâu vào nhận thức đến nỗi, nhiều người tự ngỡ rằng không đưa phong bì cho bác sĩ là có lỗi, bác sĩ không nhận phong bì có nghĩa là mình không được chăm sóc chu đáo.

Và, không chỉ ở bệnh viện, “bệnh dịch” này đã lây lan với tốc độ chóng mặt trong tất cả các lĩnh vực xã hội. Đến nỗi người ta phải ngậm ngùi gọi đó là... “văn hóa phong bì”.

Vì thiếu thông tin, bệnh nhân phải tự hỏi nhau (ảnh chụp tại BV Bạch Mai).
Vì thiếu thông tin, bệnh nhân phải tự hỏi nhau. Ảnh chụp tại BV Bạch Mai.

"Làm gì có chuyện từ chối"

Là 2 số 5 bệnh viện lớn tại Hà Nội cam kết thực hiện quy tắc ứng xử dành cho nhân viên y tế, trong đó có nội dung “nói không với phong bì” (bao gồm bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, bệnh viện E, Phụ sản Trung ương và bệnh viện K.), nhưng theo phản ánh của những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mà PV Pháp luật Việt Nam có dịp tiếp xúc tại cả hai BV Bạch Mai và Phụ sản TƯ thì: “Chả có bác sỹ nào từ chối nhận phong bì”.

Tại BV Phụ sản TƯ, trong vai một người nhà BN đi dò hỏi kinh nghiệm để “bồi dưỡng” cho bác sỹ, tôi lân la làm quen với hai mẹ con chị N.T.V. (35 tuổi), Gia Lâm, Hà Nội. Vừa lúi húi thay tã lót cho con, chị V. vui vẻ tiết lộ: “Đây là “luật” rồi chị ạ, không có không được. Giờ giá cả “leo thang”, tiền “bồi dưỡng” bác sỹ cũng phải dày hơn. Cứ mổ đẻ là 2 triệu, đẻ thường là 1 triệu đồng/kíp trực. Có điều, đưa phong bì bây giờ cũng phải tế nhị chứ không nhận lộ liễu như trước”. “Có tiền có khác chị ạ, họ nhiệt tình và chu đáo hẳn…”, V. kết luận.

“Đúng là thành tiền lệ rồi cháu ạ. Ai cũng phải phong bì cho bác sỹ. Có ít thì đưa ít, có nhiều thì đưa nhiều. Tôi chứng kiến có người, sau mỗi đợt xạ trị, “bồi dưỡng” cho bác sỹ tới 2-3 triệu đồng. Nông dân như chúng tôi, kể cả khó đến mấy cũng phải cố gắng “biếu” bác sỹ 1-200 ngàn đồng…”, bác T. T. H., 62 tuổi, ở Trực Ninh, Nam Định, đang chăm sóc cho bố để đang truyền hóa chất tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai, cho hay. Bác kể, có trường hợp một bác ở Ninh Bình, đã phải bán hết cả thóc giống, rồi đi vay tiền họ hàng, làng xóm để chữa bệnh. Vậy mà, vợ bác vẫn phải vay mượn thêm một vài trăm để lo “bồi dưỡng” cho bác sỹ. Đến khi không thể “xoay” được ở đâu nữa, bác đành phải trốn viện về quê nằm chờ chết…

Thì ra đúng như mọi người vẫn nói, đang tồn tại một thứ văn hóa gọi là… “văn hóa phong bì” ở bệnh viện. Duy chỉ có điều đưa phong bì bây giờ cũng phải tế nhị chứ không nhận lộ liễu như trước. Nếu trước đây chỉ cần nhét phong bì vào túi áo blu của bác sỹ, thì giờ phải đợi lúc không có người hoặc khi mọi việc đã xong xuôi rồi họ mới nhận, theo lời bệnh nhân N. T. V.

Kém cả văn hóa cười

Có mặt tại khu vực khám và xét nghiệm của BV Bạch Mai khi mặt trời đã gần đứng bóng nhưng PV Pháp luật Việt Nam vẫn bắt gặp cảnh bệnh nhân chỗ này, chỗ kia huyên náo, í ới hỏi nhau phòng chiếu chụp, xét nghiệm máu, nước tiểu ở đâu?. Tìm mỏi mắt tôi mới thấy một cô nhân viên đeo băng đỏ chỉ dẫn ngồi cạnh một chiếc bàn kê ở cuối góc tường gần khu vực siêu âm tim mạch. Thi thoảng cũng có một vài người đến hỏi thăm. Thay cho việc trả lời, cô tỏ vẻ mệt mỏi chỉ tay hướng dẫn cho “khách” và cũng chẳng cần biết họ là nam hay nữ, nhiều tuổi hay ít tuổi...

Mặc dù đang cuống quýt hỏi thăm nơi lấy kết quả xét nghiệm nhưng bác Nguyễn Duy Dũng (58 tuổi) ở Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam vẫn vui vẻ cho tôi biết, mẹ đẻ của bác có bảo hiểm y tế (BHYT) người cao tuổi nhưng sợ thủ tục rườm rà, phức tạp, bác bắt taxi đưa thẳng cụ lên Hà Nội khám bệnh cho yên tâm. “Nhà quê lớ ngớ lên thành phố khám bệnh lần đầu chả biết gì lên tôi đành phải hỏi mấy cô nhân viên y tế xem quy trình khám và xét nghiệm như thế nào, nhưng các cô ấy cứ nhấm nhẳng, trả lời nhát gừng, thậm chí không thèm nói gì. Sợ làm phiền họ nhiều quá nên tôi đành mò mẫm tự tìm hiểu nên mất khá nhiều thời gian, giờ cũng đã lấy được kết quả xét nghiệm đâu...”, bác phân bua.

Câu trả lời của bác Dũng cũng là lời phàn nàn của rất nhiều bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế lớn hay nhỏ của cả nước. Hiếm khi chúng ta bắt gặp một nụ cười nở trên môi các bác sỹ hay nhân viên y tế trong quá trình khám chữa bệnh. Theo nhận xét của những người trong cuộc, quá tải bệnh viên và áp lực công việc là một trong những nguyên nhân dẫn đến thái độ ứng xử không đúng mực của bác sỹ và nhân viên y tế. Nhưng, theo chúng tôi đó chỉ là “lời bào chữa” cho một thái độ ứng xử không đứng mực và thiếu tôn trọng.

Tại BV Phụ sản TƯ, vừa bước vào cổng phụ của BV, ngay gần nhà để xe là nhìn thấy ngay một tấm băng rôn lớn với dòng chữ: “Sự hài lòng của BN là niềm tự hào của chúng tôi”. Tiếp tục đến các khoa khám bệnh, khu vực làm xét nghiệm hay nơi trả kết quả xét nghiệm, những dòng thông báo với nội dung chỉ đạo thực hiện đầy đủ những điều y đức trong bệnh viện như: “Không lạnh lùng và cáu gắt với người bệnh và người nhà người bệnh trong bất kỳ tình huống nào”; “Không nhận tiền, quà biếu của người bệnh khi điều trị tại BV”... Nhưng, tất cả những điều đó dường như chỉ nằm trên giấy tờ, văn bản... Còn bệnh nhân khi hỏi thăm vẫn nhận được những cái chỉ tay hờ hững hoặc những lời chỉ dẫn cáu gắt...

5 bệnh viện nói trên ký cam kết với Bộ Y tế và công đoàn Y tế Việt Nam thực hiện nhiều tiêu chí để xứng đáng trở thành bệnh viện văn minh như cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, cán bộ nhân viên y tế phải thân thiện, thăm khám chu đáo, nói không với phong bì…  Không phải đến tận bây giờ ngành y tế mới xây dựng những tiêu chí văn minh thân thiện trong việc khám và điều trị mà trước đó đã có những phong trào như bảo hiểm y tế, chất lượng và sự hài lòng của người bệnh... Nhưng xem chừng giữa việc đặt bút ký vào bản quy tắc ứng xử dành cho các nhân viên y tế và việc thực hiện không hề gần nhau chút nào. Hay ký chỉ để ký mà thôi?.

Lâm Long

Đọc thêm