Các cuộc đình công đều tiến hành không đúng trình tự pháp luật

(PLO) - Trong hai ngày (10 - 11/4), tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Viện Friedrich Ebert (tổ chức chính trị của Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về giải quyết tranh chấp và đình công - kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức”. 
Các cuộc đình công đều tiến hành không đúng trình tự pháp luật

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, đặc biệt là tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, vì vậy việc góp ý vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong giải quyết những tranh chấp và đình công của người lao động. 

Hiện những quy định về tranh chấp lao động và đình công đã được quy định đầy đủ nhưng vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều năm qua, những quy định về tranh chấp lao động được sửa đổi nhiều lần, nhưng vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Theo thống kê, từ năm 1995 đến nay, cả nước chưa có cuộc đình công nào được tiến hành theo đúng trình tự pháp luật do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc từ việc quy định của pháp luật chưa chặt chẽ. 

Các đại biểu cho rằng, đa phần các cuộc đình công xuất phát từ việc người lao động bị lôi kéo, kích động nên đã nghỉ việc tập thể; chỉ một phần nguyên nhân là do người lao động quá bức xức trước điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ… không được đảm bảo. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra chưa đáp ứng được tình hình thực tế, quy trình xử lý không đúng trình tự, mang tính tạm thời, không triệt để... 

Vì vậy, những quy định trong giải quyết tranh chấp lao động và đình công cần phải sửa đổi sao cho phù hợp với thực tiễn. Trước mắt, trong điều kiện hệ thống pháp luật về quan hệ lao động đang hình thành, nhiều vấn đề xảy ra không có quy định chi tiết trong luật, thì tổ chức công đoàn cần vận dụng sáng tạo theo hướng “làm những gì pháp luật không cấm” khi giải quyết mâu thuẫn xảy ra giữa DN và người lao động. 

Chia sẻ những kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp lao động và đình công tại Cộng hòa Liên bang Đức, Trưởng Viện Friedrich Ebert tại Việt Nam Erwin Schweisshelm cho hay, giải pháp quan trọng nhất hiện nay vẫn là thông qua đàm phán để người sử dụng lao động và người lao động tìm được tiếng nói chung. 

Đồng thời, để giải quyết tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, tổ chức công đoàn cần đẩy mạnh vai trò đại diện của mình để đàm phán với chủ DN trong việc duy trì những thỏa ước của quan hệ lao động. Khi việc thỏa ước cũ đã hết hạn mà không tiếp tục xây dựng thỏa ước mới, đình công sẽ được xảy ra trong khoảng 1 ngày để yêu cầu DN cần phải thực hiện nghiêm túc thỏa ước đã được cam kết. Theo ông Erwin Schweisshelm, nếu hiểu đúng nghĩa, đình công không phải là hoạt động có tính tiêu cực mà nó là cách để giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ lao động.

Đọc thêm