Cải cách thủ tục hành chính - tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử

(PLO) - “Then chốt là phải cải cách thủ tục hành chính bởi đây là giải pháp căn cơ để xây dựng cơ quan hành chính các cấp tốt hơn nữa, là tiền đề để xây dựng Chính phủ điện tử”.
Cải cách thủ tục hành chính là tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử. 
Ảnh minh họa
Cải cách thủ tục hành chính là tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử. Ảnh minh họa

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để tập huấn nghiệp vụ khai thác, sử dụng hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị và nghiệp vụ hệ thống hoá, rà soát, xây dựng, thực thi phương án đơn giản hoá chế độ báo cáo do VPCP tổ chức hôm qua (12/9).

“Chúng ta dám làm và chúng ta phải làm”

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, hiện thực hóa chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, thay vì quản lý hành chính đơn thuần chuyển sang nền hành chính phục vụ người dân và DN, ngày 1/10/2016, VPCP đã xây dựng hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của Chính phủ với DN (http://doanhnghiep.chinhphu.vn) do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp chỉ đạo và từ ngày 3/4/2017 tiếp tục tạo kênh tương tác Chính phủ để kết nối với người dân (http://nguoidan.chinhphu.vn). Những bức xúc của người dân, DN đều phản ánh tới người đứng đầu Chính phủ để chỉ đạo.

Đây là bước đột phá trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, từ đó tạo ra chuyển động mạnh mẽ đến các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương. Việc xây dựng kênh tương tác giữa Chính phủ với DN, người dân cũng nhằm mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Đến nay, VPCP đã tiếp nhận 3.849 ý kiến, trong đó 734 ý kiến đầy đủ thông tin và đã trả lời được 210 ý kiến. 

“Khi Thủ tướng giao VPCP xây dựng Website Chính phủ với người dân, Thủ tướng hỏi lại Bộ trưởng 3 lần có làm được không, tôi báo cáo với Thủ tướng đây là kênh tương tác tốt nhất, rất cần thiết. Chúng ta dám làm và chúng ta phải làm, nhưng để làm phải quyết tâm rất cao vì giải quyết các khiếu nại, tố cáo, giải quyết vấn đề tranh chấp ở từng bìa rừng, góc biển”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) cũng khẳng định, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tiếp nhận phản ánh của người dân và DN được xây dựng với tinh thần cầu thị, mọi phản ánh, kiến nghị của người dân đều được Chính phủ lắng nghe. Chính phủ lấy người dân, DN là đối tượng phục vụ, các kiến nghị, phản ánh đều được giải đáp kịp thời nhất và cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Thông qua hệ thống, các kiến nghị của DN về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trực tiếp được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý trả lời.

Nội dung trả lời phải thẳng thắn, cụ thể

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khi tiếp nhận các ý kiến của VPCP chuyển đến, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc, coi đó là nhiệm vụ Thủ tướng giao. Nội dung trả lời của cơ quan nhà nước phải thẳng thắn, cụ thể vì nội dung này sẽ được đánh giá, chấm điểm tốt, xấu từ phía người có phản ánh, kiến nghị và được công khai trên mạng để ai cũng có thể truy cập được và giám sát kết quả giải quyết. Qua kênh này giúp cho các bộ, ngành, địa phương thấy rằng các văn bản, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương, của Chính phủ có khả thi, thực thi có tốt hay không, từ đó sửa đổi, bổ sung những bất cập, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.

Đối với việc đơn giản hoá chế độ báo cáo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, theo báo cáo rà soát của VPCP tới các bộ, ngành, địa phương thấy rằng thời gian cán bộ, công chức ở cơ quan dành thời gian làm báo cáo quá lớn.

Cụ thể là ở cấp bộ, cán bộ, công chức bỏ ra 25,4% thời gian làm báo cáo; ở địa phương, cán bộ, công chức phải dành 26,12% thời gian làm báo cáo. Tuy mất nhiều thời gian, công sức như vậy nhưng chất lượng báo cáo không cao, số liệu thiếu tính chính xác, thiếu đồng bộ hoặc bị sao chép, những nhận xét, phân tích, đánh giá còn sơ sài; đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục tồn tại còn nghèo nàn, hình thức; chưa có các ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện báo cáo hoặc đã thực hiện nhưng còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Vì vậy, VPCP đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 559/QĐ-TTg về đơn giản hóa chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Chính bởi vậy, theo Bộ trưởng Dũng, hội nghị tập huấn là cơ hội tốt để những người làm công tác tổng hợp, xử lý báo cáo và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, DN trong các cơ quan hành chính nhà nước cùng học tập, trau dồi nghiệp vụ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của cơ quan, đơn vị mình, giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ một cách thuận lợi, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đã đề ra. 

Đọc thêm