Cảm động chuyện đời Mẹ Việt Nam Anh hùng 102 tuổi

(PLO) - Trên đất nước Việt Nam hình chữ S, có hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước tặng hoặc truy tặng vì có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có mẹ Nguyễn Thị Trạch (102 tuổi) ở thôn 4 xã Thạch Long, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Mẹ Trạch có hai người con, đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Trạch.
Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Trạch.

Cùng với nhiều làng quê Việt Nam, qua các cuộc kháng chiến, xã Thạch Long huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) là địa phương có nhiều mẹ đã sản sinh và nuôi dưỡng ra những người con anh hùng và cũng là một trong những địa phương có bề dày về lịch sử cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có hàng trăm người con của xã Thành Long đã hăng hái lên đường nhập ngũ, trong đó có hàng chục người con đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường máu lửa. Mất mát vì chiến tranh là vô vàn, song sự mất mát của những người mẹ là vết thương lòng khó lành nhất bởi các con của mẹ đã ra đi, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Và nỗi mất mát ấy cứ theo mẹ suốt cả cuộc đời... 

Trong chiến tranh, có biết bao người mẹ đã tiễn đưa các con của mình lên đường nhập ngũ. Khi hòa bình lập lại, các mẹ chỉ còn biết hy vọng, trông chờ các con của mình sẽ quay trở về. Thế nhưng các con của mẹ đã ra đi mãi mãi… 

Theo con đường làng, bên những cánh đồng lúa, chúng tôi tìm về thôn 4 xã Thạch Long, nơi mẹ Trạch đã sinh thành, nuôi lớn những người con anh hùng. Mặc dù chiến tranh đã đi qua hơn 40 mươi năm, nhưng nỗi đau thương vẫn còn len lỏi âm thầm trong căn nhà nhỏ, nơi mẹ Trạch và các con của mẹ cùng chung sống. Ngày ấy, lời ru của mẹ lắng sâu tâm hồn, nâng đỡ các anh từng bước đi đầu tiên. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bao lớp thanh niên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Ngày 20/4/1970 anh Lê Văn Nụ người con trai đầu đã tình nguyện xin mẹ được lên đường ra chiến trường. Đến đầu tháng 1 năm 1972, người con thứ hai của mẹ là Lê Văn Nở tiếp tục lên đường nhập ngũ. 

Ở hậu phương, cũng như bao người mẹ khác, mẹ Trạch luôn chắt chiu, chịu thương chịu khó, làm ra hạt lúa củ khoai, mong ngày đất nước thống nhất để gia đình được đoàn tụ. Cũng không biết bao lần, mẹ Trạch đứng ở đầu ngõ trông về phương xa. Nhưng rồi những bức thư của anh Nụ, anh Nở cũng thưa dần rồi biệt vô âm tín. Để rồi một ngày, mẹ Trạch bàng hoàng khi nhận được giấy báo anh Lê Văn Nụ đã anh dũng hy sinh khi cùng đồng đội phá pháo đài Gò Công, thuộc ấp Hựu Thành A, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Cách đó không bao lâu, ngày mùng 4/11/1974 người con thứ hai là anh Nở tiếp tục hy sinh tại chiến trường Miền Đông, khi anh vừa tròn 21 tuổi.  

Ngồi trò chuyện bên cạnh mẹ, chúng tôi cảm nhận rất rõ ở nơi mẹ vinh quang luôn tỏa sáng từ giọng nói đượm buồn, pha lẫn tự hào khi mẹ hồi tưởng về quá khứ. Những giọt nước mắt mẹ thấm đẫm nỗi nhớ nhung, chua xót bởi chưa một lần mẹ được thăm mộ các anh. 

Ngoài hai liệt sỹ đã hy sinh, mẹ Trạch sinh được 8 người con (1 người con trai, 7 người con gái). Các con của mẹ đều đã có gia đình. Hiện anh Lê Văn Thêm (con trai thứ 9) đang là người phụng dưỡng, chăm lo sức khỏe cho mẹ. Theo anh Thêm, lúc anh Nụ, anh Nở nhập ngũ, mấy chị em cũng đang còn nhỏ. Mặc dù gia đình khó khăn nhưng mẹ Trạch vẫn chăm lo cho các con ăn học đầy đủ. Trong những ngày ở chiến trường, anh Nụ, anh Nở thường xuyên biên thư về hỏi thăm mẹ, nhưng rồi thư tín cũng thưa dần. Cũng kể từ đó, mấy chị em ở nhà ai cũng thương và lo lắng cho hai anh, mãi sau này gia đình mới nhận được giấy báo tử. 

Về phần mộ của anh Nụ, anh Nở, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, hơn nữa tuổi cao, sức yếu nên mẹ Trạch cũng chưa một lần đến thăm mộ các con. Phần mộ của anh Nụ gia đình chỉ biết tọa độ, còn mộ của anh Nở thì bị vùi lấp do xây dựng thủy điện Trị An. Để tưởng nhớ các anh, cứ vào ngày giỗ, Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp cùng Nhà máy Thủy điện Trị An lại tổ chức đóng bè chuối, đặt bánh keo rồi thả xuôi xuống dòng sông Đồng Nai.

Hàng năm chính quyền, các tổ chức đoàn thể cũng đều đến tặng quà, thăm hỏi sức khỏe mẹ. Mẹ Trạch còn được Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn nhận nuôi dưỡng suốt đời với mức hỗ trợ 3 triệu đồng một quý. Hàng năm nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ngày lễ tết, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn còn gửi quà về cho mẹ Trạch. 

Cả xã Thạch Long huyện Thạch Thành có 9 Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng hiện 8 mẹ đã ra đi. Xã chỉ còn lại mẹ Trạch tuổi đã cao nhưng vẫn minh mẫn.  

Theo ông Lê Xuân Thủy, Chủ tịch xã Thạch Long cho biết: “Năm 2016, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể phối hợp cùng với gia đình tổ chức Lễ đại thọ mừng mẹ Trạch tròn 100 tuổi. Về việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, nhìn chung, xã Thạch Long đều ưu tiên cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, sau đó mới đến các đồng chí thương bệnh binh nặng, mẹ liệt sỹ... Mừng là đã 102 tuổi nhưng mẹ Trạch rất minh mẫn, khỏe mạnh”. Sự hy sinh, cống hiến cao cả của các mẹ đã góp phần làm rạng danh cho sự trường tồn của dân tộc. 

Đọc thêm