“Cán bộ ngoại giao phải hòa vào đời sống nước sở tại”

(PLO) -  “Cán bộ ngoại giao đừng “kín cổng cao tường” quá, phải hòa vào đời sống của nước sở tại. Nhiều cán bộ ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam đạp xe khắp đất nước, thả chim bồ câu ngày rằm, đi nghe nhạc Trịnh Công Sơn với Thủ tướng… Họ hiểu văn hóa Việt Nam sâu sắc như vậy, các cán bộ ngoại giao ta cần học hỏi”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Hôm qua (23/8), Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với các phiên làm việc có chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao phục vụ phát triển” và “Xu hướng phát triển của cục diện thế giới, khu vực trong 5 năm tới”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTW MTTQ) Nguyễn Thiện Nhân tới dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận thứ 2.

Đừng “kín cổng cao tường” quá 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định những thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới có đóng góp không nhỏ của ngành Ngoại giao. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta hiện nay còn khiêm tốn so với trình độ chung của thế giới: nước ta đứng thứ 13 về quy mô dân số nhưng GDP/đầu người chỉ đứng 133 trên thế giới, năng suất lao động chỉ bằng 1/2 ASEAN; 80% công nghệ FDI sang Việt Nam là công nghệ trung bình; nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế đang hiện hữu vì “chúng ta đi nhanh nhưng người khác đi nhanh hơn”…

Trong hoàn cảnh như vậy, Thủ tướng cho rằng để xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính thì cần xây dựng ngành Ngoại giao kiến tạo, năng động, chủ động, sáng tạo. “Để nền kinh tế Việt Nam tham gia sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhà ngoại giao phải năng động, đổi mới xúc tiến thương mại và đầu tư, không để Việt Nam lạc hậu, bất công, thua thiệt trước các tập đoàn đa quốc gia trong sân chơi kinh tế toàn cầu. Muốn như vậy, ngoại giao Việt Nam phải là ăng ten nhạy cảm dự báo tình hình thế giới để làm tốt vai trò tham mưu, dự báo cho nền kinh tế”, Thủ tướng lưu ý.

Vạch ra 5 vấn đề mấu chốt mà Bộ Ngoại giao cần thực hiện trong giai đoạn tới, Thủ tướng lưu ý cán bộ ngoại giao cần phải hòa đồng với cộng đồng doanh nghiệp sở tại để biết sản phẩm nào tiêu thụ được, phải kết thân với giới khoa học để tìm kiếm các giải pháp khoa học công nghệ hiện đại. “Cán bộ ngoại giao đừng “kín cổng cao tường quá”, phải hòa vào đời sống của nước sở tại. Nhiều cán bộ ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam đạp xe khắp đất nước, thả chim bồ câu ngày rằm, đi nghe nhạc Trịnh Công Sơn với Thủ tướng… Họ hiểu văn hóa Việt Nam sâu sắc như vậy, các cán bộ ngoại giao ta cần học hỏi”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Ngoại giao cần thí điểm đánh giá kết quả ngoại giao kinh tế của các cơ quan đại diện một cách cụ thể dựa trên quy tắc đánh giá là phản hồi của người hưởng lợi – cụ thể ở đây là người dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt - để khen thưởng xứng đáng.

Cần nâng cao công tác ngoại giao kinh tế 

Tại phiên họp, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ngành ngoại giao cần phối hợp với các bộ, ban, ngành và các hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá toàn diện thực trạng đầu tư trực tiếp của các nước vào Việt Nam để từ đó xây dựng các đề án thu hút đầu tư. Trong đó, ông lưu ý chú trọng đến yếu tố khác biệt và tương đồng về văn hóa, tăng cường giao lưu văn hóa để tạo sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tăng cường sự minh bạch và nhất quán trong triển khai thực thi các chính sách đầu tư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài.

Để tạo đột phá cho xuất khẩu, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam thúc giục Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và doanh nghiệp của các nền kinh tế đang nhập khẩu lớn nhất từ Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… để khuyến khích các nước này tiếp tục nhập khẩu và thu hút nhập khẩu từ các nền kinh tế tiềm năng khác, đặc biệt là với những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế.

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị ngành Ngoại giao cần nâng công tác ngoại giao kinh tế lên một tầm cao mới mà ở đó Việt Nam ở vị thế đối tác kinh tế ngang hàng với các quốc gia đi trước. Việt Nam sẽ không phải “xin” hỗ trợ hoặc viện trợ mà trở thành một “đối tác hợp tác thông minh”, tạo ra những lợi ích không chỉ cho đất nước mà còn cho cả đối tác.

Đọc thêm